Lính Ấn Độ (trái) và Trung Quốc ở biên giới Ladakh tranh cãi về khu vực tranh chấp (Ảnh: Dwnews).
Ngày 10/10, Đài truyền hình Ấn Độ CNNNews18 tuyên bố một nhóm nhỏ lính Trung Quốc đã bị phía Ấn Độ bắt giữ trong một thời gian ngắn ở Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là “khu vực Tạng Nam”) hiện do Ấn Độ kiểm soát, khiến tình hình biên giới Trung - Ấn lại trở nên căng thẳng.
Về vụ bắt giữ này, quân đội Trung Quốc sau đó đã giải thích rằng bản chất vụ việc là các lính biên phòng Trung Quốc đi tuần tra định kì một thác nước ở biên giới nằm trên phần đất Trung Quốc và bị phía Ấn Độ ngăn cản. Mặc dù vụ việc sau đó đã tạm thời được giải quyết dưới sự liên lạc giữa cấp cao hai bên, nhưng truyền thông Trung Quốc cho rằng, những hành động gần đây của Ấn Độ ở tuyến một biên giới vẫn không thể coi thường.
Đồng thời vào ngày 9/10, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ (tức Tổng tư lệnh) tướng Manoj Mukund Naravane trong một cuộc trả lời phỏng vấn với India Today đã nói rằng Quân đội Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì việc triển khai hiện có ở khu vực tuyến 1 Ladakh vào mùa đông năm 2021.
Điều này có nghĩa là quân đội Ấn Độ sẽ đảm bảo triển khai lâu dài ít nhất 50.000 đến 60.000 quân ở đoạn khu vực biên giới phía tây Trung Quốc và Ấn Độ. Sự triển khai này về cơ bản giống với lần triển khai quân đội Ấn Độ mới nhất vào nửa đầu năm 2021.
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ tướng Manoj Mukund Naravane (trái) thị sát quân đội ở tuyến một biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).
Tại khu vực tranh chấp có tổng diện tích 855 km vuông trên biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cụ thể là tại khu vực Uge, Ranchong và Labudi, phía Ấn Độ cũng đã triển khai một nhóm nhỏ binh sĩ đến vào cuối tháng 9.
Theo nhật báo Economic Times của Ấn Độ ngày 28/9, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm đó đã cử khoảng hơn một trăm quân đến Uge (Trung Quốc gọi là Dawang) để phá hủy các cây cầu, nhà cửa và các cơ sở khác của quân đội Ấn Độ và tiến hành tuần tra trong hơn ba giờ.
Các lính Ấn Độ sau khi nhóm PLA đã hoàn thành cuộc tuần tra mới tới "đi xác minh" với sự trợ giúp của các bộ phận trinh sát tuyến trước.
Theo truyền thông Trung Quốc, tại khu vực “Tạng Nam” hay bang Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát, các chính trị gia địa phương thường xuyên tố cáo Trung Quốc. Kênh Đông Bắc của mạng tin tức NOW của Ấn Độ vào tháng 8 và tháng 9 đã đưa tin ông Ninong Ering nghị sĩ người Đảng Quốc Đại ở địa phương đã tố cáo PLA có thể đã bắt đầu tuyển dụng những người dân ở đây phục vụ cho họ.
Hai chốt tiền tiêu của quân đội hai bên ở biên giới Tây Tạng và Ấn Độ: phía dưới là chốt Trung Quốc, trong khoanh đỏ là chốt của Ấn Độ (Ảnh: CCTV).
Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ có thể đã lên kế hoạch tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 13 vào giữa tháng 10 để giải quyết vấn đề đối đầu ở phía đông Ladakh. Động thái này có thể sẽ tác động hạn chế đến cục diện đối đầu giữa hai bên hiện nay.
Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 8/10 cũng dẫn tin truyền thông Ấn Độ ngày hôm đó đưa tin rằng trong cuộc đối đầu giữa lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc vào tuần trước, khoảng 200 binh sĩ PLA đã bị phía Ấn Độ chặn lại gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Arunachal Pradesh. Bản tin cáo buộc rằng binh lính Trung Quốc định phá hoại các công sự phòng thủ của Ấn Độ.
Tờ India Today hôm thứ Sáu đưa tin rằng cuộc đối đầu quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra trong một cuộc tuần tra định kỳ gần biên giới Trung Quốc. Tờ báo dẫn các nguồn tin cho biết, quân đội Ấn Độ đã ngăn chặn khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc ở sát biên giới. Hai bên đã đối đầu nhau suốt mấy tiếng liền. Sau khi các sĩ quan chỉ huy cấp cao hai bên giải quyết vấn đề theo thỏa thuận đã kí, cuộc đối đầu mới chấm dứt. Trong thời gian này, các công sự của Ấn Độ không bị hư hại gì.
Lính biên phòng Ấn Độ ở chốt biên giới (Ảnh: Getty).
Kênh CNN-18News, một kênh truyền hình tin tức bằng tiếng Anh của Ấn Độ do CNN hợp tác với một công ty truyền thông Ấn Độ, cũng dẫn lời các quan chức chính phủ cấp cao cho biết khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc đã từ Tây Tạng tiến vào Arunachal Pradesh trong một nỗ lực phá hủy các boongke hiện không có người ở.
Nguồn tin chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc đã vượt qua biên giới và tiến vào Đường kiểm soát thực tế bên phía Ấn Độ và bị quân đội Ấn Độ ngăn chặn mạnh mẽ, một số binh sĩ Trung Quốc đã bị tạm giữ. "Sự việc sau đó đã được các chỉ huy quân sự địa phương xử lý. Các binh sĩ Trung Quốc đã được thả và tình hình căng thẳng đã được giải quyết".
Hiện quân đội Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc. Một nhân sĩ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh nói với CNNNews18: "Biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa được phân định chính thức nên có sự bất đồng trong định nghĩa đường kiểm soát thực tế. Thông qua việc tuân thủ các hiệp định và thỏa thuận hiện có giữa hai nước, hai bên vẫn có thể giữ hòa bình và yên tĩnh cho khu vực còn tồn tại nhiều bất đồng này".
Trực thăng của quân đội Trung Quốc bay trên hồ Pangong đang đóng băng - nơi từng xảy ra tranh chấp kịch liệt năm ngoái (Ảnh: CCTV).
Nguồn tin này cũng cho biết, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều tiến hành tuần tra ở khu vực biên giới mà họ cho là thuộc về nước mình. Khi lính tuần tra hai bên gặp nhau sẽ ứng phó theo thỏa thuận và cơ chế mà hai nước đã thống nhất.
Những xích mích và xung đột ở biên giới Trung-Ấn thỉnh thoảng lại xảy ra. Vào tháng 6 năm ngoái, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra vụ xung đột biên giới nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong 45 năm ở Thung lũng sông Galwan.
Tờ Hindustan Times dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Manoj Mukund Naravane tuần trước cho biết vòng đàm phán quân sự tiếp theo có thể được tổ chức với quân đội Trung Quốc vào tuần thứ hai của tháng 10 nhằm giảm bớt cục diện đang căng thẳng ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở phía đông Ladakh.