Chỉ trong vòng sáu tuần, tàu cảnh sát biển Trung Quốc (TQ) có số hiệu 35111 đã liên tiếp quấy rối các hoạt động dầu khí của hai nước Malaysia và Việt Nam. Trước tình hình đó, các quốc gia còn lại ở Biển Đông hoàn toàn có khả năng trở thành đối tượng tiếp theo của hành vi khiêu khích này.
Sau Malaysia, Việt Nam sẽ là Philippines?
Theo thông tin được đăng tải trên sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), từ ngày 3-7-2019 tàu Địa chất Hải Dương số 8 thuộc sở hữu của Cơ quan Khảo sát Địa chất TQ, dưới sự hỗ trợ của nhóm tàu hộ tống, đã đi vào vùng biển nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam.
Hải trình của tàu Hải Dương 8 trong thềm lục địa Việt Nam hôm 19-7. Ảnh: Ryan Martinson/ TWITTER
Ngoài ra, tàu cảnh sát biển Haijing 35111 của TQ cũng xuất hiện ở Biển Đông với mục tiêu khiêu khích hoạt động kinh tế của Việt Nam. Những thông tin này đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao xác nhận hôm 19-7.
Theo AMTI, cuối tháng 5 vừa qua, tàu Haijing 35111 đã tiến hành tuần tra vùng nước gần cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak, Malaysia. Tại đây, tàu TQ đã ngăn cản hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza. Số liệu công khai của Hệ thống nhận diện tự động (AIS) cho thấy tàu Haijing 35111 vận hành trong khu vực và có hành động khiêu khích mạnh đối với tàu khác.
Tàu cảnh sát biển TQ 35111. Ảnh: THE MARITIME EXECUTIVE
"Các diễn biến căng thẳng gần đây (tại Biển Đông) cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn việc khai thác dầu khí của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào nằm trong đường chín đoạn phi lý", Giám đốc của AMTI, ông Gregory Poling nói với trang Inquirer.
Đồng thời, ông Poling cảnh báo rằng Philippines cũng có thể phải đối mặt với tình trạng tương tự như Malaysia và Việt Nam tại một số vị trí ở Biển Đông. Mặc dù Đường chín đoạn của TQ đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ vào năm 2016, nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối công nhận phán quyết.
Bài học từ Malaysia và Việt Nam
Cũng theo ông Poling, từ hai vụ TQ dùng tàu địa chất Hải Dương 8 và tàu cảnh sát gây rối trong vùng biển của Malaysia và Việt Nam, nhiều nhà phân tích nhận thấy rằng TQ một mặt muốn bắt nạt các nước láng giềng, mặt khác Bắc Kinh vẫn vô cùng thận trọng để căng thẳng không chạm ngưỡng xảy ra chiến tranh trên Biển Đông.
Sau khi bị tàu TQ quấy rối và đe dọa, hôm 15-7 hải quân Malaysia (RMN) đã có cuộc tập trận với sự kiện phóng thử tên lửa. Vị trí tập trận được cho là gần địa điểm có chạm trán với TQ trước đó không lâu. Sự kiện này là một phần của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn được gọi là “Kerismas” và “Taming Sari”, chuyên trang quân sự Janes cho biết. Phản ứng này cho thấy Malaysia hoàn toàn không hài lòng với động thái đe dọa bất hợp pháp của Bắc Kinh.
Trong khi đó, trước thông tin xuất hiện của tàu Địa chất Hải Dương 8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng hôm 16-7 rằng “lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982”.
Khoảng ba ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau khi khẳng định tàu TQ “đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông”, cho biết thêm các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam luôn túc trực ở khu vực này theo sát mọi diễn biến nhằm thực hiện các hoạt động cần thiết để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Bà Hằng cũng khẳng định: Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía TQ ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
“Khi các bên khác chống lại sự bắt nạt đó và tiếp tục các hoạt động thương mại của họ, như Malaysia và Việt Nam, TQ thường lùi bước và thử lại vào một lúc khác”, chuyên gia Poling nói. Vị này giải thích rằng chiến lược Biển Đông của TQ là không dùng đến lực lượng quân đội vì Bắc Kinh quan tâm đến hình ảnh của họ trên thế giới. Nếu sử dụng vũ lực, họ sẽ bị coi là một quốc gia xâm lược. Điều đó làm suy yếu mong muốn đóng vai trò là “nhà lãnh đạo toàn cầu” và sẽ tạo cớ cho sự tham gia của các quốc gia thứ ba (như Mỹ và hệ thống đồng minh, đối tác tại Ấn Độ-Thái Bình Dương).
“Ngoài ra, TQ cũng ít có khả năng sử dụng vũ lực đối với Philippines vì sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau với Mỹ trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cam đoan với Philippines hồi đầu năm nay rằng: Washington sẽ hiện diện và bên cạnh Manila trong trường hợp xung đột vũ trang ở Biển Đông” – ông Poling giải thích.
Quốc tế tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông
Sự khiêu khích và leo thang của TQ trên Biển Đông, dù chỉ nằm trong “vùng xám” – tức không gây chiến tranh, nhưng cũng đủ để khiến các nước trong khu vực lẫn bên thứ ba nhận thức là “sự đe dọa nghiêm trọng” an ninh, hòa bình khu vực.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton viết trên Twitter cá nhân hôm 20-7 rằng “Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là vấn đề căn bản trong tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ và các nước ASEAN. Hành vi cưỡng ép của TQ đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Nếu như trước đây, chỉ có Mỹ cùng với chương trình Tự do hàng hải (FONOPs) được thực hiện nhằm thách thức các yêu sách phi lý TQ, thì gần đây nhiều cường quốc khác như Pháp, Anh, Nhật Bản, Canada, Úc, … cũng đã thể hiện sự quan tâm thiết thực bằng việc tăng cường hiện diện quân sự nhằm cân bằng sức mạnh với Bắc Kinh.
Pháp và Anh trước đó đã cam kết sẽ gửi tàu chiến đến vùng biển mà TQ yêu sách chủ quyền nhằm tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực bất chấp phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh. Ngoại trưởng Pháp Jean-Baptiste Lemoyne đã tái khẳng định cam kết của Hải quân Pháp về “tuần tra, hiện diện ở Biển Đông", hãng tin Sputnik đưa tin.
Ngoài ra, theo kênh AP News, một trong những tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Izumo, lần đầu tiên tham gia vào một cuộc triển khai hải quân mở rộng ở Biển Đông hồi tháng 6-2019 cũng báo hiệu sự tích cực tham gia của Nhật Bản.
Viện Chính sách chiến lược Úc mới đây đã kêu gọi việc thay đổi thế trận phòng thủ ở vùng biển này. Tổ chức này còn cho rằng các nhà hoạch định quốc phòng nên chủ động triển khai hoạt động đến các căn cứ ở Nhật Bản, đảo Guam và Papua New Guinea. Ngoài ra, việc xây dựng một liên minh phòng thủ ba bên chính thức giữa Washington, Tokyo và Canberra sẽ giúp Nhật Bản trở thành “con mắt thứ sáu” trong nhóm tình báo Five Eyes - vốn bao gồm các thành viên Úc, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.
Canberra cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia tích cực hơn nữa vào giữ gìn trật tự và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông với các đối tác ASEAN sẽ là một cách thực thi cam kết trên. Các cuộc tuần tra chung ở phía nam Biển Đông với Indonesia sẽ là điểm khởi đầu tốt để báo hiệu rõ ràng một thái độ cứng rắn đối với các hành động gây hấn của TQ.