Biển Đông tiếp tục tăng nhiệt

Thu Loan |

Lần đầu tiên trong 19 năm, một tàu khu trục Đức sẽ đi qua Biển Đông trong mùa hè này, các quan chức Đức vừa xác nhận. Với quyết định này, 6/7 quốc gia trong nhóm G7 đã hoặc sẽ đưa tàu chiến qua Biển Đông trong năm nay.

Các quan chức quốc phòng và ngoại giao Đức nói với Reuters rằng tàu khu trục của nước này có chuyến đi đến châu Á vào tháng 8, sẽ qua Biển Đông trên hành trình quay về.

Hành trình này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2002 một tàu chiến Đức đi qua vùng biển tranh chấp nóng bỏng ở châu Á. Trung Quốc có yêu sách rộng khắp phi lý trên hầu khắp Biển Đông, nơi họ xây dựng và quân sự hoá các đảo nhân tạo.

Washington hoan nghênh quyết định của Berlin. “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hoà bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, một nền thương mại không bị cản trở, tự do hàng hải và các quyền hợp pháp khác trên biển”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

“Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải rộng mở”, phát ngôn viên nói.

Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Kishi Nobuo mời Đức đưa tàu hải quân tham gia các cuộc diễn tập của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ông cũng vạch ra một hải trình qua Biển Đông để hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm duy trì quyền đi lại tự do trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Thông tin về việc Đức đưa tàu chiến đến Biển Đông được đưa ra sau khi hải quân Mỹ và Pháp có hoạt động tương tự, giữa bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi thành lập một mặt trận đa phương để chống lại sự quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực. Anh, Úc và Nhật Bản được nói là đang lên kế hoạch tập trận trên Thái Bình Dương vào cuối năm nay.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tuần trước cáo buộc Mỹ “cố bao vây Trung Quốc bằng cách tập hợp các đồng minh phương Tây trên Biển Đông”, nói rằng sự hiện diện gia tăng của hải quân các nước chỉ “vô ích”, và quân đội Trung Quốc sẽ “chuẩn bị đối phó”.

Trung Quốc tập trận dồn dập

Phản ứng trước thông tin từ Đức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 3/3 nói rằng các nước không thể dùng tự do hàng hải “là cớ để làm suy yếu chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”.

Cũng trong ngày 3/3, Thời báo Hoàn cầu đưa tin rằng hải quân Trung Quốc vừa thực hiện hàng loạt cuộc tập trận với “kịch bản chiến trường”, trong đó có các bài tập tấn công đổ bộ”, trên vùng biển không nêu tên nằm cách xa đại lục.

Trung Quốc hôm qua đăng tải đoạn phim về việc quân đội nước này tiến hành các cuộc tâp trận đổ bộ phối hợp trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép, để “khám phá các chiến thuật và phương pháp của chiến tranh phối hợp”, CCTV đưa tin.

Đoạn phim của CCTV cho thấy một số tàu đổ bộ đệm khí đang rời cầu tàu vận tải đổ bộ Type-071, cùng xe tăng chiến đấu chủ lực Type-96A và lực lượng binh lính được vũ trang đầy đủ.

Một tàu khu trục tên lửa dẫn đường kiểu 052D, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type-054A và một tàu hỗ trợ canh giữ ngoài biển, trong khi một máy bay tiêm kích Su-30MKK và một máy bay ném bom K-6K yểm trợ trên không.

Bản tin của CCTV không cho biết thời gian tập trận, chỉ nói rằng nó diễn ra gần đây. Đoạn phim được chiếu sau khi quân đội Trung Quốc bắt đầu chiến dịch tập trận suốt 1 tháng trên Biển Đông từ đầu tuần này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại