Các động thái của Bắc Kinh được giới phân tích cho là sẽ gây ra những quan ngại cho điện Kremlin.
Trong khi ảnh hưởng của Nga vẫn duy trì mạnh ở nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Trung Quốc đang vững chắc gây dựng ảnh hưởng quân sự và kinh tế tại Tajikistan - đặc biệt là ở các khu vực đồi núi, vùng sâu vùng xa ở biên giới miền tây nước này, nơi mà hiện diện của nhà chức trách tương đối yếu ớt.
Quân đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận chung kéo dài 8 ngày, vừa kết thúc hôm 13/8, ở miền đông Tajikistan với sự tham gia của 1.200 binh sĩ đến từ hai nước. Đợt huấn luyện diễn ra ở vùng tự trị Gorno-Badakhshan, vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt ở vùng núi Pamir, tiếp giáp với Tân Cương (Trung Quốc) và Afghanistan.
Dù quân số dự tập trận năm nay ít hơn con số 10.000 lính trong cuộc tập trận vào 3 năm trước, lực lượng hai nước đã tiến hành thử nghiệm các phương tiện bay hiện đại và công nghệ trinh sát mặt đất để giám sát khu vực.
Tajikistan là đất nước có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh lo ngại vùng biên giới lỏng lẻo sẽ là điểm xâm nhập của các đường dây buôn lậu ma túy và các tay súng Hồi giáo vào Tân Cương.
Tajikistan cũng nằm trên tuyến đường thương mại mà Trung Quốc kỳ vọng phát triển bằng Vành đai, Con đường - sáng kiến của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh thông qua các dự án hạ tầng, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, khu vực này vẫn gặp nhiều rào cản bởi tình trạng bạo lực và thiếu kiểm soát của pháp luật.
(Ảnh: Xinhua)
Mối lo ngại của Nga trước hiện diện Trung Quốc tại Tajikistan
Artyom Lukin, giáo sư chính trị quốc tế đến từ Đại học liên bang Viễn Đông (FEFU), Nga, cho rằng Moskva không hài lòng trước việc Trung Quốc triển khai lực lượng ở Tajikistan.
"Nga có truyền thống coi vùng Trung Á, bao gồm Tajikistan, là phạm vi ảnh hưởng chính trị quân sự của mình," ông Lukin nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Theo các nhà quan sát, những quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan gần như vẫn nằm trong "quỹ đạo" ảnh hưởng của Moskva, nhưng Bắc Kinh đang từng bước gây dựng liên hệ an ninh chặt chẽ hơn với Tajikistan.
Hồi tháng hai, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bác bỏ thông tin nước này xây dựng căn cứ và đóng quân tại Tajikistan, nhưng khẳng định Bắc Kinh duy trì quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ với Dushanbe.
Cuộc huấn luyện chung Trung Quốc-Tajikistan diễn ra ở khu vực mà Nga xem là một phần trong phạm vi ảnh hưởng (Ảnh: Xinhua)
Trung Quốc có những lợi ích an ninh dài hạn ở quốc gia Trung Á láng giềng. Vào năm 2016, Bắc Kinh đồng ý tài trợ cho 11 cứ điểm ở biên giới và một trung tâm huấn luyện để tăng cường an ninh ở biên giới Tajikistan-Afghanistan. Đây là một phần trong thỏa thuận mà Trung Quốc đưa ra thông qua Cơ chế hợp tác và điều phối bốn bên - cùng với Pakistan, Afghanistan vàTajikistan - nhằm củng cố quan hệ hợp tác và chống khủng bố, cũng như cải thiện an ninh.
Trung Quốc cũng đang qua mặt Nga trong khía cạnh kinh tế và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Tajikistan vào năm 2016, chiếm tới 30% tổng đầu tư tích lũy trực tiếp vào nước này. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Tajikistan đạt 95 triệu USD năm 2017, và Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba với kim ngạch hai chiều đạt khoảng 1.5 tỉ USD năm 2018.
SCMP cho hay, một phân tích gần đây của hãng tin nhà nước Nga Sputnik nhận định Trung Quốc có thể đang "đi chệch hướng" với những đầu tư của họ trong khu vực. Bài báo nói rằng ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc với Tajikistan có thể dẫn đến việc "tổn thất một phần" chủ quyền Tajikistan, và lập luận rằng Bắc Kinh có thể muốn kiểm soát vùng biên giới với Afghanistan.
Trung Quốc cũng có những lợi ích an ninh, kinh tế ở khu vực biên giới với Tajikistan (Ảnh: Xinhua)
Quan hệ chiến lược Nga-Trung vẫn mạnh mẽ
Giáo sư Lukin nhận xét, dù những diễn biến ở Trung Á có thể là "cái gai trong mắt" đối với Nga, mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung vẫn sẽ duy trì mạnh mẽ. Hai nước tiếp tục là những nhân tố then chốt trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) - tổ chức có sự tham gia của các nước Trung Á cùng với Ấn Độ và Pakistan.
Nga-Trung cũng thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong bối cảnh cả hai nước cùng có quan hệ căng thẳng với Mỹ. Hai nước đã tăng cường hợp tác quân sự trong năm nay, và tại phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới đây đã cùng chỉ trích Mỹ vì rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Washington phản bác rằng hành động này là cần thiết để phản ứng với sự leo thang vũ trang của Bắc Kinh và Moskva.
"Moskva hoàn toàn hiểu rằng trên phương diện an ninh, vùng biên giới của Tajikistan - tiếp giáp với vùng Tân Cương của Trung Quốc và Afghanistan, thực sự là một lo ngại thiết yếu đối với Bắc Kinh," ông Lukin nói.
"Sự hiện diện của binh lính Trung Quốc thực chất có thể mang lại lợi ích cho Nga, bởi Trung Quốc sẽ là bên phải gánh vác chi phí giám sát vùng biên giới đồi núi của Tajikistan."
Stephen Blank, chuyên gia về an ninh Âu-Á, nhận định Nga vẫn quan sát chặt chẽ tình hình khu vực dù duy trì trạng thái im lặng về sự hiện diện của Trung Quốc tại Tajikistan.
"Điều sẽ diễn ra về lâu dài sẽ tùy thuộc vào việc Trung Quốc đi xa đến đâu trong sự mở rộng hiện diện quân sự ở Trung Á. Nếu họ tiếp tục bành trướng, điều đó có thể khơi dậy một số biểu hiện lo ngại ở Nga hơn là sự im lặng tính đến hiện nay," Blank nói.
Binh lính Trung Quốc được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý khu vực trong tương lai (Ảnh: Xinhua)
"[Các cuộc tập trận gần đây] giống như các hoạt động huấn luyện tác chiến thông thường và chống khủng bố, đồng thời cho thấy Trung Quốc có thể có những dự tính nhiều hơn là chống chủ nghĩa khủng bố."
Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình châu Á tại Viện Montaigne (Pháp), nói rằng cả Nga và Trung Quốc chia sẻ lo ngại chung về chủ nghĩa khủng bố và buôn lậu ma túy ở vùng Trung Á. Theo ông, Moskva không phản đối thỏa thuận an ninh giữa Bắc Kinh với Pakistan, Afghanistan và Tajikistan bởi Nga còn nhiều ưu tiên chiến lược quan trọng hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
"Về tổng thể, việc Nga chấp nhận vai trò an ninh của Trung Quốc ở Trung Á cho thấy Nga thực tế đang điều chỉnh với sự thay đổi cán cân quyền lực với Trung Quốc, và có thể tránh được đối địch trong những vấn đề mà nỗ lực song song của Nga-Trung có thể phục vụ cho lợi ích an ninh Nga," ông Duchatel nói.