Bị trả giá đắt, lính thủy đánh bộ Mỹ sáng tạo mật mã "độc": Hiệu quả không ngờ

Bảo Lam |

Những nhân viên giải mã Nhật Bản đã phá được mọi mật mã của người Mỹ, nhưng chỉ có duy nhất mật mã của lính thủy đánh bộ thì họ lại không thể làm gì được.

Thực ra không có mật mã nào cả! Thay vào đó, người Mỹ sử dụng ngôn ngữ của tộc người Navaho Da Đỏ.

Vấn đề bí mật

Ngày 7/12/1941, lực lượng Không quân Nhật Bản đã tấn công căn cứ của Mỹ tại Trân Châu Cảng. 4 thiết giáp hạm đã bị nhấn chìm, thêm 7 chiếc tàu bị đánh đắm hoặc bị hư hỏng nặng. 6 tiếng đồng hồ sau vụ tấn công, Tổng thống Roosevelt đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ và chính thức tuyên chiến với Nhật Bản. Mỹ chính thức tham gia vào Thế chiến thứ 2.

Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, người Mỹ đã chịu tổn thất và phải rút lui. Có rất nhiều nguyên nhân và một trong số đó là việc người Nhật Bản đã nắm được toàn bộ hành động và dự định của quân đội Mỹ.

Các "pháo đài bay" tiếp cận lãnh thổ Nhật Bản để oanh tạc bị những đội máy bay tiêm kích đón lõng, những tàu chiến của Hải quân Nhật Bản dễ dàng thoát khỏi sự theo đuổi của các tàu ngầm Mỹ, các đơn vị của Nhật Bản triển khai những cuộc tấn công nhằm vào các vị trí trọng yếu nhất, pháo binh nã trúng vào nơi tập trung bộ binh và tăng thiết giáp.

Bị trả giá đắt, lính thủy đánh bộ Mỹ sáng tạo mật mã độc: Hiệu quả không ngờ - Ảnh 1.

Lính Mỹ và quân đồng minh trong cuộc đổ bộ Normandy.

Dường như không có bí mật nào của các sở chỉ huy của Mỹ mà người Nhật không biết.

Những tờ báo của Nhật Bản đã đăng tải các lời ngợi khen lực lượng trinh sát của mình. Nhưng lực lượng trinh sát không đóng góp bất cứ điều gì. Nguồn cung cấp thông tin chủ yếu chính là các sĩ quan giải mã điện đàm.

Các sĩ quan chặn sóng điện đàm Mikado

Trong mỗi một sở chỉ huy của Quân đội Nhật Hoàng có một đơn vị bí mật chuyên ngày đêm ngồi bên điện đàm để nghe các tần sóng. Đó là những người Nhật biết tiếng Anh, nhiều người trong số họ từng có thời gian dài sống và làm việc ở Mỹ.

Họ có khả năng nói chuyện thỏa mái bằng tiếng Anh, hiểu được các tiếng lóng trong lĩnh vực quân sự, có thể chửi thề không kém các tay anh chị trong những băng đảng tội phạm ở Chicago (Mỹ) và trực tiếp giải mã những thuật ngữ "tuyệt mật" của quân đội Mỹ.

Chỉ cần họ lên sóng liên lạc với nhau qua điện đàm, tất cả những bí mật của Quân đội Mỹ trong chốc lát bị người Nhật nắm rõ.

Người Mỹ thất bại hết trận này đến trận khác, chịu nhiều tổn thất to lớn, nhưng không thể dừng các cuộc điện đàm. Chuyển thông tin cho một doanh trại đóng trên hòn đảo mất dấu trên biển hoặc cho một đơn vị đang chiến đấu cách xa vài chục km ở rừng rậm chỉ có thể thông qua điện đàm.

Con trai của người truyền đạo Tin lành

Vào đầu năm 1942, trên bàn của tư lệnh các lực lượng lính dù Hạm đội Thái Bình Dương, thiếu tướng Vogel có một bản báo cáo của kỹ sư quân sự Philip Johnstone với đề xuất trưng dụng những người Da Đỏ Navaho làm nhân viên điện đàm.

Cứ để cho họ thực hiện các cuộc điện đàm bằng ngôn ngữ của mình, và xem người Nhật có thể giải mã được hay không!

Johnstone biết mình nói gì. Là con trai của một người truyền đạo Tin lành tại vùng đất của người Navaho, Philip sinh ra và lớn lên trong lòng người Da Đỏ, tiếng bản địa trở thành ngôn ngữ thứ hai của ông.

Bị trả giá đắt, lính thủy đánh bộ Mỹ sáng tạo mật mã độc: Hiệu quả không ngờ - Ảnh 2.

Lính Mỹ và quân đồng minh trong cuộc đổ bộ Normandy.

Tiếng Navaho không có bảng chữ cái, không viết được, không có những quy định về ngữ pháp, không được mô tả ở bất cứ đâu, có nghĩa là tự học tiếng Navaho là điều không thể, mà chỉ trong quá trình nói chuyện với những người nói tiếng Navaho.

Trên toàn nước Mỹ chỉ có không quá 30 người không phải Da Đỏ nói được tiếng Navaho, còn ở Nhật Bản thì chắc chắn không thể có.

Tướng Vogel rất thích ý tưởng, vấn đề còn lại là làm sao thuyết phục được đủ số lượng người Da đỏ nói tiếng Navaho tham gia vào quân đội Mỹ.

Những người tuyển chọn đã đến vùng đất của người Navaho và theo lời khuyên của Johnstone, họ trực tiếp gặp tộc trưởng. Sau khi lắng nghe, tộc trưởng tuyên bố rằng nước Mỹ không thể có những người yêu nước hơn họ. Và công tác ghi danh bắt đầu.

Những người nói chuyện với gió

Quân đội Mỹ quan tâm tới những thanh niên Da đỏ có thể nói tiếng Anh và có sức khỏe để phục vụ trong quân đội. Tưởng chừng như vậy là đủ. Những người tuyển quân đã cố gắng áp dụng tiêu chí về tuổi tác, nhưng những người Navaho không có giấy tờ tùy thân đã cố tình thêm hoặc bớt tuổi để được gia nhập quân đội.

Cuối cùng, các sĩ quan tuyển quân đã phải tổ chức cuộc thi tuyển để chọn lựa những người ưu tú nhất.

Vào tháng 5/1942, 29 người đã có mặt tại căn cứ Pendlton ở California. Trong những văn bản bí mật, họ được nhắc tới như nhóm "Những người nói chuyện với gió".

Người Da Đỏ được học cách làm chủ điện đàm, mỗi một thông báo được dịch sang tiếng Navaho, chuyển qua điện đàm đến nơi cần thiết, tiếp nhận và được dịch lại sang tiếng Anh. Những chiến sĩ điện đàm Navaho chỉ mất không quá 20 giây để thực hiện chu trình này và quân đội Mỹ hoàn toàn vừa ý.

Bị trả giá đắt, lính thủy đánh bộ Mỹ sáng tạo mật mã độc: Hiệu quả không ngờ - Ảnh 3.

Lính Mỹ và quân đồng minh trong cuộc đổ bộ Normandy.

Lần tham chiến đầu tiên tại Guadalcanal

Ngày 7/8/1942, 11 nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ đã bắt đầu đổ bộ lên đảo Guadalcanal. Những nhân viên giải mã Nhật Bản đã bám chặt điện đàm, nhưng thay vì các cuộc nói chuyện bằng tiếng Anh họ chỉ nghe thấy âm thanh giống như tiếng của một đoàn tàu đang chạy qua. Những thông báo của người Mỹ trở thành bí mật đối với người Nhật.

Sau cuộc đánh chiếm hòn đảo này, chỉ huy của sư đoàn thực hiện chiến dịch đã được yêu cầu cho ý kiến về những nhân viên điện đàm người Navaho.

Tướng Vandergrift đã trả lời rằng người Navaho là những người lính tuyệt vời: Mạnh mẽ, khả năng chịu đựng tốt, không biết sợ hãi, sáng tạo, xứng đáng đi đến cuối cùng của cuộc chiến tranh. Liên quan tới trình độ chuyên môn của họ thì ông yêu cầu cung cấp thêm 80 chuyên gia tương tự, còn nếu nhiều hơn thế - vẫn sẵn sàng tiếp nhận.

Trường đào tạo tại Pendlton nhanh chóng được mở rộng và 200 lính mới đã có mặt ở đó. Đến cuối năm 1945, đã có hơn 400 nhân viên điện đàm người Navaho phục vụ trong Quân đội Mỹ. "Những người nói chuyện với gió" đã xuất hiện ở tất cả 6 sư đoàn lính thủy đánh bộ, cũng như trong thành phần các đội trinh sát - biệt kích và các đơn vị lính dù.

Hạt dẻ chưa bị cắn vỡ

Ngày 2/9/1945, các đại diện Nhật Bản đã ký Biên bản đầu hàng trên tàu "Missouri". Toàn bộ thế giới đã ăn mừng cho sự kiện kết thúc cuộc chiến tranh hãi hùng nhất trong lịch sử loài người.

Trên các mặt báo của Mỹ người ta tung hô công trạng của những lính thủy đánh bộ, phi công, thủy thủ và các đơn vị vũ trang khác, nhưng không có một từ nào về người Da Đỏ Navaho.

Điều đó có nguyên do của nó. Đối với những nhân viên giải mã Nhật Bản, "mật mã" của lính thủy đánh bộ Mỹ vẫn là hạt dẻ mà họ vẫn chưa được nếm thử.

Quân đội Mỹ đã quyết định không tiết lộ bí mật, và trong một thời gian dài việc sử dụng các nhân viên điện đàm người Navaho được coi là bí mật quốc gia. Chỉ đến những thập niên 80 của thế kỷ trước bí mật này đã được công bố.

Vào năm 2002, đạo diễn John Wood đã khởi quay bộ phim về những nhân viên điện đàm người Navaho. Khi bộ phim được công chiếu, số ít những cựu binh còn sống đã được mời tham dự, và vào năm 2014, người cuối cùng trong nhóm "Những người nói chuyện với gió" – ông Chester Nez đã qua đời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại