Chiến đấu cơ Mỹ có thể qua mặt hệ thống phòng không Nga? Câu trả lời sẽ có ở Syria

QS |

Nếu tình hình Syria trở nên xấu hơn, các chiến đấu cơ tiên tiến của Mỹ có thể phải đối đầu với những hệ thống tên lửa phòng không hàng đầu của Nga.

Theo cây viết Patrick Tucker trên tờ Defense One, trong nhiều năm, quân đội Mỹ luôn lăn tăn về sự trở lại của những cuộc xung đột mà trong đó, các hệ thống phòng không đóng vai trò lớn.

Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang tại Syria, các chiến đấu cơ tiên tiến của Mỹ sẽ phải đối đầu với những hệ thống tên lửa phòng không hàng đầu của Nga - và cả 2 phía sẽ nhanh chóng nhận ra rằng bên nào đang chiếm ưu thế.

Hệ thống phòng không Nga đáng sợ tới mức nào?

Nga đã bắt đầu chuyển thiết bị phòng không "tiên tiến", "sẵn sàng cho chiến tranh thế giới thứ 3" tới Syria trong những ngày đầu của cuộc xung đột.

Tháng 11/2015, chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ 1 máy bay Su-24M của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp trả hành động này, Nga nhanh chóng triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tới Syria.

Theo mô tả từ phía Nga về các cuộc thử nghiệm đánh chặn được tiến hành trong tháng 1/2015 thì đây là hệ thống có khả năng phát hiện và đánh chặn mục tiêu đường không với tầm bắn lên tới 400km.

Tới tháng 10/2016, Moscow đưa hệ thống S-300 (chính xác hơn là Antey 2500 S-300VM) tới căn cứ hải quân Syria ở Tartus.

"Cộng hòa Ả Rập Syria đã tiếp nhận một hệ thống phòng không S-300. Hệ thống này được thiết kế để đảm bảo an toàn cho căn cứ hải quân ở Tartus và các tàu hoạt động ở khu vực ven biển" - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov phát biểu trước báo giới.

Ông Konashenkov nhấn mạnh rằng hệ thống S-300 triển khai tới Syria "hoàn toàn nhằm mục đích phòng thủ".

Nga tuyên bố S-300 có thể bắn hạ Tomahawk - loại tên lửa mà Mỹ đã sử dụng trong cuộc tấn công vào căn cứ Al-Shayrat của Syria hôm 6/4 vừa qua, và thậm chí cả "máy bay tàng hình".

Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ xảy ra và ít nhất thì cho tới trước khi xảy ra vụ tấn công hôm 6/4, Mỹ và Nga đã nhất trí sẽ không tấn công các mục tiêu "được cho là thân thiện" của phía bên kia.

Dưới đây là đoạn video mà một số tổ chức tuyên truyền của Nga vẽ ra cuộc đối đầu giả định với một kẻ địch không nêu rõ tên, nhưng có thể thấy khả năng lớn chính là máy bay Mỹ.

Thực sự thì hệ thống S-300 và S-400 đáng sợ tới mức nào? Defense One đã tìm tới 2 vị chuyên gia thông qua Association of Old Crows để giải đáp vấn đề này (một tổ chức với 13.000 thành viên quốc tế, dành cho những cá nhân đam mê lĩnh vực tác chiến điện tử, chiến tranh thông tin, tác chiến mạng,... và những khả năng tác chiến khác liên quan đến thông tin).

"Các hệ thống này rất mạnh ở vai trò mà chúng được thiết kế" - Hai chuyên gia nói, nhưng từ chối bình luận cụ thể hơn do mức độ nhạy cảm cao của vấn đề này kể từ sau vụ tấn công của Mỹ vào căn cứ Al-Shayrat.

Nga còn đưa tới Syria hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 (NATO định danh: SA-22 Greyhound). Sắp tới, số lượng hệ thống này tại Syria có thể sẽ tăng lên bởi thứ Sáu tuần trước, một ngày sau vụ tấn công của Mỹ, Nga đã tuyên bố sẽ tăng cường năng lực phòng không cho Syria (dù không nói rõ bằng cách nào).

Nếu Nga - Mỹ đối đầu...

Theo Defense One, khi trả lời các phóng viên tại Lầu Năm Góc hôm thứ Sáu, các chỉ huy Mỹ cho biết cuộc tấn công của Mỹ đã không phá hủy hoàn toàn "hệ thống phòng không triển khai tại sân bay Al-Shayrat". Tuy nhiên, họ đã bắn trúng 1 hệ thống phòng không do Nga sản xuất (nhưng Syria vận hành), gồm radar và tổ hợp tên lửa.

"Nga thật sự có khả năng phòng không rất tiên tiến tại Syria. Nhưng chúng tôi không thấy bất cứ phản ứng nào từ các hệ thống phòng không của Nga" - các chỉ huy Mỹ cho hay.

Trên thực tế, Nga không nhất thiết phải dùng tới các hệ thống phòng không tinh vi tại Syria. Vì sao vậy? Bởi cả Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và quân nổi dậy Syria đều không có lực lượng không quân đúng nghĩa.

Mỹ đã báo cho Nga trước khi tiến hành vụ tấn công nhưng câu hỏi liệu Nga có sử dụng các tên lửa của họ để đối phó với Tomahawk hay không lại không được đề cập.

"Chúng tôi không đưa ra đề nghị (là không tấn công lực lượng Nga). Chúng tôi cũng không yêu cầu họ (không sử dụng tên lửa phòng không để đối phó tên lửa Mỹ)" - các vị chỉ huy này nói.

Miễn là Nga và Mỹ duy trì đối thoại hàng ngày thì tình hình sẽ được duy trì và cả 2 phía có thể tiếp tục bắn phá mục tiêu xung quanh, thay vì nhắm bắn lẫn nhau.

Tuy nhiên, nếu 2 lực lượng này đối đầu, Mỹ có thể phải triển khai tiêm kích tàng hình, như F-22 Raptor, để tiến hành các vụ tấn công. Ngoài ra, họ có thể sẽ sử dụng các kỹ thuật tác chiến điện tử tiên tiến để gây nhiễu radar đối phương, hoặc triển khai máy bay tác chiến điện tử chủ lực - Boeing E-18 Growler, trang bị các pod gây nhiễu dưới cánh.

Chiến đấu cơ Mỹ có thể qua mặt hệ thống phòng không Nga? Câu trả lời sẽ có ở Syria - Ảnh 2.

Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.

Theo nhà phân tích Tyler Rogoway, các hệ thống như của Growler gần như vô dụng trước các tổ hợp phức tạp như S-400. Nhưng trên thực tế thì Growler sẽ không một mình đối phó với S-400, và S-400 cũng vậy.

Nếu Nga và Mỹ bắt đầu ngắm bắn lẫn nhau thì một phía sẽ sử dụng radar, vệ tinh và tín hiệu tình báo thu thập được qua các phương thức khác, trong đó có tác chiến mạng, để ngắm bắn mục tiêu.

Phía còn lại sẽ sử dụng nhiều biện pháp gây nhiễu, xâm nhập (vào hệ thống đối phương) để tránh bị bắn trúng trong khi đang hoạt động. Khó có thể xảy ra tình huống đối đầu trực diện 1 đối 1.

Syria sẽ trở thành phiên bản thu nhỏ của chiến trường mà giới lãnh đạo quân sự gọi là "chống tiếp cận/chống xâm nhập" (A2/AD).

Đây là điều mà Mỹ chưa từng tính tới trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố kéo dài nhiều thập kỷ qua. Trong nhiều thập kỷ, lực lượng quân đội Mỹ đã tác chiến trong một môi trường tương đối dễ dàng, Không quân Mỹ không phải lo ngại quá nhiều về hệ thống phòng không của đối phương.

Nhưng Syria thì khác. Hồi tháng Một năm nay, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein đã nhận định tình hình tại Syria là "rất phức tạp".

"Sự can dự của người Nga ở đó chỉ làm phức tạp thêm tình hình" - ông Goldfein nói.

Theo Defense One, chiến tranh A2/AD sẽ là một cuộc chiến mà trong đó, một lực lượng quân sự hiện đại, được vũ trang mạnh chiến đấu để ngăn Mỹ không đạt được mục tiêu chiến lược của họ và sẽ là một cuộc chiến với quy mô tăng theo cấp số nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại