Tomahawk, ném bom, hay chiến tranh tổng lực? Với Triều Tiên, Mỹ lựa chọn gì cũng là sai lầm

Đại tá Phan Văn Từ |

Liệu Mỹ có thể đánh Triều Tiên như đánh Syria hay không?

Hiện nay tình hình bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng. Sau chuyến thăm của Tập Cận Bình, Mỹ đã điều tàu sân bay hướng về vùng biển Triều Tiên. Có dự đoán rằng Mỹ đã không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để phối hợp giải quyết vấn đề Triều Tiên và như lời tổng thống Trump thì Mỹ sẽ đơn phương giải quyết.

Có người hỏi tôi liệu Mỹ có dám đánh Triều Tiên không? Để dự báo hành động của những cái đầu nóng là rất khó, nhưng hy vọng ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc còn nhiều cái đầu lạnh.

Trước hết phải nói Triều Tiên có vị trí địa chính trị khác hẳn Syria. Triều Tiên nằm ngay cạnh các đồng minh mà Mỹ cam kết bảo vệ. Triều Tiên là láng giềng của hai "ông lớn" có mặt trong Uỷ ban thường trực hội đồng bảo an là Trung Quốc và Nga, nên không dễ gì Mỹ đến đốt nhà hàng xóm mà không tham khảo ý kiến của họ.

Cái cớ mà Mỹ đánh Triều Tiên thì đã xuất hiện nhiều năm nay khi Mỹ cho rằng Triều Tiên vi phạm lệnh cấm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đe dọa đến an ninh của Mỹ. Thực ra Triều Tiên chưa thể đủ sức để đe dọa an ninh của Mỹ. Cho nên Mỹ đưa ra mục tiêu đánh Triều Tiên để bảo vệ an ninh Mỹ là không hợp lý, ai cũng có thể nhận ra điều đó.

Vậy chỉ có thể đánh trừng phạt Triều Tiên vì không chịu khuất phục và để bảo vệ đồng minh. Nhưng Mỹ đánh Triều Tiên thế nào để bảo vệ được đồng minh?

Nếu Mỹ đánh Triều Tiên như đánh Syria thì cũng không được vì không giải quyết được vấn đề mà có thể trêu tức Triều Tiên và Triều Tiên sẽ phá nát Seoul và tấn công Nhật Bản vì những lý do sau đây:

Mỹ không có lực lượng đối lập hậu thuẫn tại Triều Tiên để chết thay cho lính Mỹ;

Đánh bằng Tomahawk như vừa qua thì địa hình Triều Tiên không thích hợp và lực lượng phòng không tầm thấp của Triều Tiên cũng không còn bất ngờ và nếu có đánh được như vừa qua thì cũng chỉ "gãi ngứa" cho Triều Tiên;

Tomahawk, ném bom, hay chiến tranh tổng lực? Với Triều Tiên, Mỹ lựa chọn gì cũng là sai lầm - Ảnh 1.

Pháo binh Triều Tiên tập trận trong đêm.

Triều Tiên sẽ đáp trả bằng vũ khí thông thường mà chưa cần đến tên lửa đạn đạo thì đã có thể phá nát Seoul, thí dụ Triều Tiên có thể bắn pháo phản lực (tên lửa bắn loạt không điều khiển) và Mỹ không có bất cứ lá chắn nào để bảo vệ, hệ thống THAAD chỉ cay đắng đứng nhìn, tổn thất cho đồng minh vô cùng lớn, Mỹ không bảo vệ được mà còn làm hại đồng minh;

Nếu Mỹ dùng không quân ném bom đi nữa thì cũng không giải quyết được vấn đề vì Triều Tiên có hệ thống hầm ngầm rất phát triển.

Tomahawk, ném bom, hay chiến tranh tổng lực? Với Triều Tiên, Mỹ lựa chọn gì cũng là sai lầm - Ảnh 2.

Bản đồ thể hiện vị trí 4 hầm ngầm của Triều Tiên ở vùng biên giới với Hàn Quốc, gồm 4 chấm tròn. Màu đỏ thể hiện khu phi quân sự (DMZ), màu đen chỉ Giới tuyến quân sự (MDL) giữa hai bên. Đồ họa: Wikipedia

Tomahawk, ném bom, hay chiến tranh tổng lực? Với Triều Tiên, Mỹ lựa chọn gì cũng là sai lầm - Ảnh 3.

Một góc đường hầm số 3 của Triều Tiên, đường hầm nguy hiểm nhất nếu được sử dụng để tấn công Seoul. Ảnh: Deltadart

Kịch bản thứ hai, Mỹ đánh tổng lực như đánh Iraq năm 2003, huy động tất cả lực lượng thủy, bộ, không quân và có sự phối hợp của đồng minh. Về tiềm lực quân sự Mỹ và đồng minh thừa sức bóp nát Triều Tiên, nhưng vị trí của Triều Tiên khác xa Iraq.

Iraq ở xa và thời điểm ấy Trung Quốc không đủ khả năng can dự vào chiến tranh Iraq, còn đối với Triều Tiên là nước rất cần cho Trung Quốc trên bàn cờ chính trị và lại từng là đồng minh nên Trung Quốc không thể làm ngơ;

Nga năm 2003 đang khủng hoảng và chìm sâu trong nội chiến vùng Capcadơ, còn bây giờ Nga không thể làm ngơ vì Triêu Tiên ngay sát nách và tiềm lực kinh tế quân sự và lợi ích kinh tế, an ninh cho phép và bắt buộc Nga phải can dự;

Khi Mỹ và đồng minh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đánh tổng lực Triều Tiên thì họ không muốn có sự can dự của Nga và Trung Quốc và như vậy trước khi mở chiến dịch các ông lớn phải ngồi đàm phán. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó.

Để Mỹ và đồng minh yên tâm đánh Triều Tiên thì điều kiện Nga rất có thể đưa lên bàn đàm phán là Mỹ phải để Nga giải quyết vấn đề Ukraine theo cách có lợi cho họ;

Trung Quốc có thể đưa lên bàn đàm phán là để Trung Quốc thống nhất Đài Loan và cưỡng chiếm các đảo ở Hoa Đông và Biển Đông.

Giả sử Mỹ căm thù Triều Tiên đến mức quyết tâm xóa sổ Tiều Tiên và đồng ý với những yêu sách của Nga và Trung Quốc thì Mỹ đã châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ 3, nó sẽ lan truyền từ Bắc Ắ xuống Đông Nam Á, sang châu Âu trong khi lò lửa Trung Đông đang âm ỉ cháy.

Liệu Mỹ có muốn làm và dám làm thế không? Chắc độc giả cũng tự có câu trả lời.

Tóm lại, hiện nay Mỹ sẽ tập trận và trấn an các nước đồng minh trong khu vực và cùng Triều Tiên đánh võ mồm là chính rồi lại tìm cách đàm phán để gia tăng trừng phạt kinh tế Triều Tiên và người chịu đau khổ lại là nhân dân Triều Tiên. Duy trì sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên như hiện nay có khi lại có lợi cho Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại