Bí quyết mua sắm quần áo cũ hiệu quả và tiết kiệm chi phí

CTV Vũ Tuyến |

Trong vài năm gần đây, xu hướng mua quần áo cũ dần trở thành thói quen của nhiều tín đồ thời trang. Cách mua sắm này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn là cơ hội tốt để tìm kiếm những trang phục độc đáo, cá tính từ các thương hiệu nước ngoài.

1. Xác định cửa hàng

Hãy tìm kiếm và chọn ra cửa hàng có mức giá và phong cách thời trang phù hợp với bạn. Ngoài ra, một số cửa hàng còn có chính sách ưu đãi cho khách hàng, hãy lưu lại các cửa hàng đó vì họ thường sẽ gọi điện cho khách quen báo thời gian “bật kiện”, nghĩa là khi họ mở một kiện hàng mới nhập về. Nếu có mặt đúng vào thời điểm này, bạn sẽ có cơ hội nhanh tay chọn cho mình những món đồ đẹp nhất.

2. Nắm rõ thời điểm mua sắm

Vào dịp đặc biệt như Halloween, giáng sinh, thường sẽ có rất đông người đến mua sắm. Vì vậy, bạn nên tránh những ngày này vì rất khó mua được quần áo phù hợp. Thời gian thuận tiện là vào các buổi sáng, buổi trưa các ngày trong tuần.

3. Đừng để nhãn mác “đánh lừa”

Rất nhiều người thích mua đồ hàng thùng vì cho rằng đây là quần áo nhập từ nước ngoài, dễ chọn được quần áo hàng hiệu cũ. Tuy nhiên, sự thật là ở nước ngoài, nhất là các nước châu Á, cũng tồn tại rất nhiều hàng nhái. Vì vậy, nếu bạn tìm thấy một chiếc áo khoác có nhãn Marc Jacobs hay một chiếc váy có nhãn Gucci thì cũng chưa chắc đó là hàng thật. 

Thậm chí, nhiều cửa hàng đồ cũ có “mánh” khâu thêm nhãn hàng hiệu vào để tăng giá quần áo lên nhiều lần. Vì vậy, khi đi mua hàng thùng, bạn hãy tập trung chọn mua kiểu dáng hay chất liệu bạn thích, đừng quan tâm đến nhãn hiệu.

Bí quyết mua sắm quần áo cũ hiệu quả và tiết kiệm chi phí - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

4. Hãy biết chọn lọc

Nhiều người thường nghĩ rằng có thể giải quyết những vết rách, vết ố trên quần áo cũ. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công là rất thấp và việc mua quần áo cũ bị lỗi là khá mạo hiểm. Ví dụ, bạn có thể dùng thuốc tẩy để xóa đi những vết ố nhưng điều này cũng có thể làm mục bộ đồ vốn đã được xử lý qua nhiều loại hóa chất khi vận chuyển. 

Vì vậy, hãy ghi nhớ chọn lọc thật kỹ trước khi chọn mua bất kỳ món đồ cũ nào.

5. Liệt kê những món cần mua

Đi dạo giữa một khu chợ bạt ngàn quần áo cũ có thể khiến bạn bị choáng ngợp, vì vậy, nếu định sẵn trong đầu một danh sách, bạn sẽ dễ tìm kiếm món đồ đang cần hơn. Song, bạn nên sẵn sàng mở lòng cho những bộ đồ thú vị xuất hiện tình cờ trước mắt. Với việc mua sắm đồ cũ, việc chi tiêu vượt ngân sách một chút cũng chẳng sao vì chúng sẽ không làm bạn “tổn thất” quá nhiều.

6. Tính toán kỹ nếu phải sửa đồ

Quần áo cũ thường được nhập với kích cỡ hạn chế và không phải món đồ nào cũng hợp với vóc dáng người Việt Nam. Vì vậy, chuyện phải mang đồ hàng thùng đi sửa lại khá phổ biến. Bạn cần nắm rõ chi phí sửa đồ để cân đối chi tiêu, giúp bạn tiết kiệm được khoản tiền xứng đáng. Có 3 mức độ sửa đồ cơ bản:

– Sửa đồ đơn giản: lên gấu, cắt bớt cổ tay áo, bóp eo, may lại đường khâu đã bị bung chỉ. Những kiểu sửa này thường không tốn nhiều chi phí.

– Sửa đồ trung bình: Thay cúc, thay khóa, đóng lại đế giày, vá lại phần vải bị bục. Sau khi sửa, những món đồ ấy có thể sẽ không còn mang phong cách như ban đầu.

– Sửa đồ phức tạp: Thay lớp lót mới, may lại các trang phục dày như áo khoác, đính lại cườm ,… Nếu bạn muốn sửa thì sẽ mất thêm tiền và thời gian.

7. Ưu tiên chọn đồ có kiểu dáng đơn giản

Bạn không nên chọn những thiết kế quá lạc hậu, thay vào đó, hãy mua món đồ có kiểu dáng kinh điển, dễ mặc và ít lỗi mốt theo thời gian. Bạn có thể chọn những chiếc áo phông hay váy liền có họa tiết nổi bật, khác lạ, nhưng hãy trung thành với kiểu dáng đơn giản. Đừng sa đà vào các kiểu váy xòe diêm dúa hay áo cut-out (cắt khoét) rách tả tơi.

Bí quyết mua sắm quần áo cũ hiệu quả và tiết kiệm chi phí - Ảnh 2.

Ảnh minh họa


8. Truy cập trực tuyến

Bạn không thể tìm thấy bộ quần áo yêu thích trong cửa hàng bán đồ cũ? Hãy truy cập các trang web bán và trao đổi đồ cũ trực tuyến. Trong thời đại phát triển của mạng xã hội, việc trao đổi qua không gian này trở nên vô cùng tiện lợi và đơn giản.

9. Luôn giặt đồ ngay khi mua về

Có lẽ bạn cũng đã biết rõ về điều kiện bảo quản, vận chuyển và bày bán của các trang phục đồ cũ. Thế nên, ngay khi mua về nhà, hãy cho “chiến lợi phẩm” của mình vào máy giặt ngay lập tức. Bạn nên giặt riêng quần áo cũ với các quần áo ở nhà để tránh bị loang màu, “lây” bụi bẩn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại