Bị Mỹ tập kích, liệu phòng không Triều Tiên có làm nên chuyện?

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến -Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Ngày 3/3/2003, máy bay trinh sát điện tử RC-135 Mỹ cất cánh từ Nhật Bản tiến đến Triều Tiên, lập tức MiG-29 đánh chặn, bay "rất sát", buộc RC-135 phải "bỏ chạy trong nỗi khiếp sợ".

Ngày 23/9, các máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ đã cất cánh từ Guam và bay về phía vùng biển quốc tế của bờ biển phía đông Triều Tiên. Cuộc tuần tra của các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu là thông điệp rõ ràng cho thấy Mỹ có nhiều phương án quân sự để đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên.

Những động thái răn đe của Mỹ

Trong một động thái được cho là để răn đe Triều Tiên, trong ngày 23/9, các máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ đã cất cánh từ Guam và bay về phía vùng biển quốc tế của bờ biển phía đông Triều Tiên. Trong chuyến bay này, máy bay chiến đấu F-15C từ căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản cũng tham gia bay hộ tống các máy bay B-1B.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Dana White nói: "Đây là điểm xa nhất về phía bắc của khu phi quân sự (DMZ) mà máy bay chiến đấu và máy bay ném bom Mỹ từng bay tới trong các đợt triển khai ngoài khơi Triều Tiên ở thế kỷ 21".

Tuyên bố nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình trên bán đảo Triều Tiên: "Nhiệm vụ này là một minh chứng cho quyết định của Mỹ và một thông điệp rõ ràng rằng Tổng thống có nhiều lựa chọn quân sự để đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào.

Chương trình vũ khí của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn bộ cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đang chuẩn bị sử dụng đầy đủ các khả năng quân sự để bảo vệ lãnh thổ Mỹ và đồng minh".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Triều Tiên, ông Ri Yong Ho, nói với các phóng viên ở New York rằng:

"Cả thế giới nên hiểu rằng, chính Mỹ là nước đầu tiên tuyên chiến với đất nước chúng tôi. Triều Tiên sẽ có quyền đưa ra biện pháp đối phó, bao gồm cả quyền bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược Hoa Kỳ ngay cả khi chúng không nằm trong không phận của nước chúng tôi".

Bị Mỹ tập kích, liệu phòng không Triều Tiên có làm nên chuyện? - Ảnh 1.

Các loại máy bay tiên tiên nhất của Không quân Mỹ.

Liệu Triều Tiên có làm nên chuyện?

Tuyên bố của Trump được Triều Tiên coi đó là một hành động tuyên bố chiến tranh. Trong điều kiện hiện nay, rất có thể quân đội Triều Tiên sẽ sẵn sàng bắn hạ một máy bay ném bom Mỹ hoặc có thể là một máy bay trinh sát không người lái để làm công cụ tuyên truyền. Tuy nhiên, để bắn rơi được máy bay của Mỹ thì hiện nay Triều Tiên ít có vũ khí để thực hiện điều đó.

Hiện tại lực lượng phòng không của Triều Tiên biên chế gồm các binh chủng: Radar, không quân tiêm kích, tên lửa đất đối không và đông đảo nhất là lực lượng pháo phòng không.

Không quân Bắc Triều Tiên chỉ có một số máy bay chiến đấu tương đối hiện đại bao gồm một số máy bay MiG-29 Fulcrum phiên bản đời đầu do Liên Xô chế tạo và MiG-23 Flogger có thể đe dọa máy bay chiến đấu của Mỹ.

Lực lượng máy bay chiến đấu còn lại của Triều Tiên phần lớn là các loại máy bay chiến đấu thế hệ cũ, được chế tạo từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20 như máy bay chiến đấu MIG 21, MIG 17.

Những loại máy bay này khó có cơ hội tiếp cận các loại máy bay ném bom của Mỹ như B-1B, B-52 hoặc máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, trước khi nó bị các loại máy bay chiến đấu hộ tống như F-15, F-16 hoặc các loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 như F-22 hoặc F-35 loại khỏi vòng chiến.

Cơ hội duy nhất cho lực lượng không quân Bắc Triều Tiên có thể bắn hạ được các máy bay ném bom của Mỹ là khi các máy bay ném bom này không có máy bay chiến đấu hộ tống đi kèm.

Lực lượng tên lửa phòng không là lực lượng có cơ hội bắn hạ được máy bay chiến đấu của Mỹ nhiều nhất. Phần lớn các loại tên lửa phòng không của Triều Tiên được chế tạo dưới thời Liên Xô như S-75, S-125, S-200 và 2K12 "Kub" (Kvadrat).

Một số tên lửa loại này có thể gây nguy hại cho lực lượng không quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc như loại S-200 Angara, tên ký hiệu định danh của NATO SA-5 Gammon có tầm bắn tới 250 km, mang theo đầu đạn nặng 217 kg.

Tuy những tên lửa này phần lớn công nghệ đã lạc hậu, nhưng nếu được nâng cấp và có chiến thuật sử dụng hợp lý, sẽ là mối đe dọa không nhỏ đối với không quân Mỹ và đồng minh. Ví dụ tên lửa phòng không S-125 đã từng bắn rơi máy bay tàng hình F-117A Nighthawk của Mỹ trong chiến tranh Kosovo năm 1999.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã trang bị một số hệ thống tên lửa phòng không KN-06 (số lượng không xác định) do nền công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất có tính năng tương đối hiện đại.

KN-06 được cho là có tầm bắn tối đa khoảng 150 km; nếu bố trí gần khu phi quân sự, KN-06 có thể bắn hạ máy bay Mỹ và Hàn Quốc từ phía nam vĩ tuyến 38, ngay cả khi chúng không bay vào không phận Triều Tiên.

Hệ thống KN-06 được cho là bản sao của S-300 của Nga, nhưng tầm bắn lớn hơn. Nó được trang bị radar trinh sát mảng pha (?) và hệ thống phóng "lạnh" kiểu thẳng đứng

Kashin một chuyên gia quân sự về vấn đề châu Á nói rằng, theo các nguồn tin của Hàn Quốc, hệ thống KN-06 đã được thử nghiệm thành công. Một trong những lý do khiến KN-06 ít được quan tâm đó là do các nhà phân tích quân sự phương Tây luôn đánh giá thấp khả năng công nghiệp quốc phòng của Bình Nhưỡng.

Một trong những lực lượng phòng không hùng hậu nhất của Triều Tiên đó là lực lượng pháo cao xạ. Triều Tiên đang có rất nhiều loại pháo phòng không cỡ nòng từ 14,5 mm đến 100 mm và các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) SA-7, SA-16, tạo thành lưới lửa phòng không mặt đất dày đặc, sẵn sàng bắn rơi các loại tên lửa hành trình, máy bay bay thấp.

Bị Mỹ tập kích, liệu phòng không Triều Tiên có làm nên chuyện? - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-29 của Triều Tiên

Quá khứ vinh quang

Dưới thời Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ngày 15.4.1969 Triều Tiên đã bắn hạ một máy bay do thám EC-121 của Hải quân Mỹ, khiến cho toàn bộ 31 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Ở thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nổi giận đến mức sẵn sàng ra lệnh tấn công hạt nhân, nhưng cuối cùng Mỹ đã kiềm chế.

Ngày 18/4/1990, một máy bay trực trăng trinh sát hạng nhẹ OH-58B của quân đội Mỹ bay vượt vĩ tuyến 38 và đã bị trúng đạn pháo phòng không của Quân đội Triều Tiên. Máy bay đã phải hạ cánh bắt buộc, một phi công bị thiệt mạng và một bị bắt làm tù binh.

Phi công sống sót đã được trao trả sau khi có công hàm chính thức từ phía Mỹ. Chính quyền Clinton nhận ra rằng kiềm chế là sự lựa chọn tốt nhất khi đó.

Ngày 3/3/2003, máy bay trinh sát điện tử RC-135 cất cánh từ căn cứ trên lãnh thổ Nhật Bản và tiến đến cách bờ biển Triều Tiên 240 km với mục đích quan sát việc bố trí các hệ thống tên lửa của Triều Tiên.

Ngay lập tức hai chiếc MiG-23 và một MiG-29 cất cánh đánh chặn. MiG-29 đã bay "rất sát" với máy bay do thám của đối phương, buộc RC-135 phải "bỏ chạy trong nỗi khiếp sợ" về phía Nhật Bản.

Triều Tiên đã không chỉ tấn công máy bay Mỹ; trong quá khứ họ cũng đã tấn công tàu hải quân Mỹ. Vào ngày 23/1/1968, Triều Tiên đã bắt giữ tàu tuần tra USS Pueblo của Hải quân Mỹ, trên tàu có 83 thủy thủ. Hiện nay con tàu này vẫn còn trong tay của Triều Tiên, nhưng thủy thủ cuối cùng đã được thả vào ngày 23/12/1968.

Tổng thống Mỹ lúc đó Lyndon B. Johnson đã xem xét một loạt các biện pháp trả đũa, bao gồm cả một cuộc tấn công hạt nhân - nhưng kế hoạch cuối cùng đã được hủy bỏ.

Không rõ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng thế nào; nhưng giả sử Quân đội Triều Tiên bắn hạ máy bay chiến đấu của Mỹ như lời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tuyên bố thì chắc chắn một điều là tình hình sẽ rất khó kiểm soát và có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh mà không ai mong muốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại