"Nhỏ nhưng có võ"
Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khởi xướng chiến lược quân sự mở rộng ảnh hưởng từ Bắc Phi đến Caucasus, quân đội nước này đã dựa vào một vũ khí đặc biệt để giành lợi thế chiến trường, đó là máy bay không người lái vũ trang tự sản xuất.
Tác động của loại vũ khí đặc biệt này được giới quan sát đánh giá rất cao trong các cuộc chiến. Trong những tháng gần đây, máy bay không người lái đóng vai trò trung tâm giúp chuyển biến cuộc chiến ở Libya theo hướng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng cũng giúp Azerbaijan - một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ - chiếm ưu thế trước lực lượng Armenia trong cuộc chiến giao tranh ở Nagorno-Karabakh.
Ở miền Bắc Syria, máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong năm nay với một loạt các cuộc tấn công dữ dội nhằm vào lực lượng thiết giáp Syria, giúp dừng cuộc tấn công của quân đội Syria nhằm vào các khu vực nổi dậy.
Máy bay không người lái đang giúp các cuộc viễn chinh của Thổ Nhĩ Kỳ đạt được lợi ích.
Ở quê nhà, máy bay không người lái đã trở thành biểu tượng của sự đổi mới công nghệ và khả năng tự cung tự cấp của Thổ Nhĩ Kỳ, nâng cao niềm tin quốc gia trong bối cảnh kinh tế suy thoái nghiêm trọng và xích mích với một số quốc gia NATO khác.
Màn trình diễn máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được ghi nhận là vào cuối năm ngoái, sau khi 36 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc không kích mà Ankara cáo buộc phía quân đội Syria tấn công vào Idlib. Đây là số người chết cao nhất mà lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu trong nhiều thập kỷ.
Để trả đũa, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc không kích vào lực lượng Syria. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc phản công đã phá hủy hàng chục xe tăng, thiết giáp chở quân và đạn dược. Hàng trăm binh sĩ Syria đã bị "vô hiệu hóa". Các cảnh quay trên không do cơ quan này đăng tải cho thấy hàng loạt mục tiêu bị phá hủy bởi các vụ nổ.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với các hãng tin tức rằng các cuộc tấn công được thực hiện bởi một "đàn" máy bay không người lái sát thủ.
Trong khi các nhà phân tích quân sự cho rằng tác động cụ thể của máy bay không người lái có lẽ đã bị phóng đại quá mức, cuộc phản công của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ khả năng phối hợp tinh vi giữa phi đội máy bay không người lái với các loại vũ khí khác.
Can Kasapoglu, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh tại EDAM, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: "Đây là một bước đột phá về khái niệm. Thổ Nhĩ Kỳ như thể đã tích hợp hệ thống tên lửa và khẩu đội pháo với máy bay không người lái".
Trong vòng vài ngày sau đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ngừng bắn ở Idlib, mang đến bài học kinh nghiệm mới. "Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đã phá vỡ sự chống lưng cho quân đội Syria. Điều đó mang lại sự tự tin cho họ", Ahmet Kasim Han, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Altunbas ở Istanbul, nêu quan điểm. "Khi sự tự tin được xây dựng, cách bạn nhìn nhận vấn đề tiếp theo sẽ thay đổi. Giải quyết bằng phương tiện cưỡng chế giúp mợi thứ trở nên dễ dàng hơn".
Cây nhà lá vườn
Sự ra đời của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ thường gắn liền với lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ vào năm 1975 sau khi quân đội nước này can thiệp vào một cuộc xung đột ở Síp.
Sự cấm vận từ Mỹ đã giúp ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua giới hạn.
Chuyên gia Kasapoglu nói rằng lệnh cấm vũ khí được coi là "một chấn thương đối với Thổ Nhĩ Kỳ". Đặc biệt, ngành công nghiệp máy bay không người lái "cây nhà lá vườn" nổi lên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng mua máy bay không người lái của Israel vì lý do chính trị và bị cấm mua máy bay không người lái Predator do Mỹ sản xuất.
Trong phát biểu tại Washington năm 2016, Ismail Demir, người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cảm ơn Mỹ đã thúc đẩy sự phát triển của chương trình máy bay không người lái trong nước, nói rằng khó khăn trong việc mua máy bay không người lái của Mỹ "buộc chúng tôi phải phát triển những thứ của riêng mình".
Selcuk Bayraktar, một kỹ sư được đào tạo tại MIT, đã chuyển đổi công ty gia đình thành nhà cung cấp thiết bị bay không người lái quan trọng nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ: Bayraktar TB2. Máy bay không người lái tiên tiến TB2 có thể bay trong 27 giờ và mang theo các loại đạn dẫn đường bằng laser.
Theo chuyên gia Kasapoglu, khi chính sách quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng "viễn chinh" hơn, chiến tranh bằng máy bay không người lái đóng một vai trò quan trọng. Nó đòi hỏi "ít về nguồn nhân lực" và giúp ít thương vong hơn.
Chưa phải lợi thế chiến lược
Một vài tháng sau khi chiến dịch ở Syria giúp củng cố lệnh ngừng bắn ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hạm đội bay không người lái của mình một lần nữa đến miền Tây Libya.
Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào cuộc chiến Libya năm 2019 để ủng hộ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli, nhằm chống lại Quân đội Quốc gia Libya (LNA) với sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một đối thủ trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Wolfram Lacher, một chuyên gia về Libya tại Viện Quốc tế và An ninh Đức, Thổ Nhĩ Kỳ muốn ngăn chặn quốc gia thù địch với mình đang tăng cường sức mạnh ở Trung Đông.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng sức mạnh quân sự ở Libya, với máy bay không người lái là một thành phần quan trọng, vừa là củ cà rốt vừa là cây gậy", ông nhận xét.
Không chỉ sử dụng máy bay không người lái để phá vỡ đường tiếp tế của LNA, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công căn cứ không quân al-Watiya chiến lược giúp đẩy lùi bước tiến của LNA.
Cuộc xung đột kéo dài sáu tuần vào tháng 9 năm nay giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorno-Karabakh cũng một lần nữa giúp chương trình máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên nổi bật.
Azerbaijan với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được các vùng lãnh thổ trong khu vực. Nước này sử dụng máy bay không người lái Bayraktar TB2 và máy bay không người lái kamikaze của Israel để áp đảo hệ thống phòng thủ của Armenia. Một ước tính cho thấy Armenia thiệt hại gần 200 xe tăng, 90 xe bọc thép và 182 khẩu pháo.
Lợi ích quân sự mà Azerbaijan giành được đã mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một chiến thắng chiến lược khác.
Nhưng Nga, quốc gia cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ để giành vị trí tối cao trong khu vực, cũng được hưởng lợi, bằng cách môi giới ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan, nâng cao vai trò của Moscow như một nhà trung gian quyền lực. Sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, Nga đã ngăn chặn nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh.
Mặc dù giành được những ưu thế nhờ máy bay không người lái, giới quan sát cho rằng điều này khó trở thành động lực chiến thắng cho Ankara.
Ở những nơi khác, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phải vật lộn để biến những thành công trên chiến trường thành lợi thế chiến lược.
Tại Syria, lệnh ngừng bắn Idlib đã ngăn chặn một cuộc chiến quy mô lớn nhưng không làm gì để giải quyết những căng thẳng tiềm ẩn ở tỉnh này, khi Syria và Nga quyết tâm chiếm lại lãnh thổ từ các lực lượng nổi dậy.
Tại Libya, chuyên gia Lacher đánh giá, rất khó có khả năng người Thổ Nhĩ Kỳ có thể đảm bảo một dàn xếp "hợp pháp hóa lợi ích và củng cố sự hiện diện của họ" trên bàn đàm phán hòa bình. "Rất khó để chuyển đổi chiến thắng quân sự đó thành lợi ích chính trị", ông nhấn mạnh.