Bí mật nguyên tử Anh tới tay Liên Xô thế nào?

Thùy Dương |

Vào một ngày hè nóng bức thời chiến, một cô gái trẻ nhanh nhẹn cùng nụ cười tươi rói dắt xe đạp dọc một con ngõ vắng người sâu trong lòng thôn quê Oxfordshire. Đi cùng cô là một người đàn ông có vẻ hồi hộp, đôi mắt nâu lộ vẻ căng thẳng.

Họ nắm tay nhau. Tuy nhiên, họ không phải là một cặp tình nhân. Họ là hai trong số những điệp viên quan trọng nhất thời Chiến tranh Lạnh, phục vụ trong mạng lưới tình báo quân đội của Stalin và mang về cho Liên Xô những bí mật hạt nhân quan trọng.

Bí mật dây phơi quần áo

Chuyện tình giữa họ chỉ là vỏ bọc của một điệp viên và một người quản lý. Cô gái trẻ là Ursula Kuczynski có mật danh Sonya, thuộc GRU (tình báo quân sự Liên Xô). Cô là một cô gái nhập cư bất hợp pháp sinh ra ở Đức, sống dưới vỏ bọc với người chồng sinh ra ở Anh tên Len, cũng là một điệp viên Liên Xô.

Cô gửi bí mật về Moscow thông qua một dây phơi quần áo được điều chỉnh đặc biệt. Người đàn ông là Klaus Fuchs, cũng là một người nhập cư Đức. Anh là một nhà vật lý có tài làm việc trong dự án bom nguyên tử Tube Alloys của Anh.

Trọng tâm của dự án Tube Alloys là sản xuất uranium-235 tinh khiết. Dự án Tube Alloys sẽ tiếp tục là xương sống của dự án Manhattan ở Los Alamos, New Mexico, một dự án phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên. Fuchs đã giúp Liên Xô có được một bước nhảy vọt, tiết kiệm ít nhất hai năm trong chương trình nghiên cứu hạt nhân.

Bí mật nguyên tử Anh tới tay Liên Xô thế nào? - Ảnh 1.

Bà Ursula Kuczynski.

Tài liệu mới được tiết lộ của cơ quan tình báo nội địa Anh MI5 và các tài liệu của Đông Đức xác nhận rằng cả trước và sau chiến tranh, nhiều bí mật hạt nhân của Anh đều do Fuchs cung cấp cho Liên Xô dưới sự dẫn dắt của Sonya.

Đóng vai trò trung tâm là Isokon, một tòa nhà hiện đại màu trắng, thời thượng ở Hampstead, bắc London.

Người dân ở đó giải phóng bản thân khỏi những việc nhà nhàm chán bằng nhà hàng tại chỗ, dịch vụ đánh giày và những chuyện tán gẫu quanh ban công chung. Những bữa tối do đích thân đầu bếp nổi tiếng chuẩn bị. Cuộc sống có vẻ nhàn hạ và bình thường ở Isokon. Tuy nhiên, theo tài liệu mới giải mật của MI5, Isokon rất hấp dẫn với các điệp viên Liên Xô.

Trong giai đoạn từ cuối những năm 1930 và 1950, hơn 20 đặc vụ và người chỉ điểm đã sống hoặc thăm tòa nhà này. Chuyện bắt đầu khi Jurgen Kuczynski tới London năm 1933. Jurgen là một nhà thống kê kinh tế xuất sắc gần 30 tuổi, là một người Đức lưu vong và là đồng minh vững chắc của cộng sản. Jurgen sẽ trở thành một cư dân tại Isokon.

David Burke, một sử gia thuộc Đại học Cambridge và được tiếp cận với tài liệu của Liên Xô chắc chắn rằng Jurgen Kuczynski tới Anh với nhiệm vụ là thiết lập các mạng lưới. Về vấn đề này, Jurgen có thể được em gái Ursula có mật danh Sonya hỗ trợ. Sonya học các kỹ năng điệp viên như cách xử lý chất nổ, làm việc dưới vỏ bọc ở Manchuria.

Bí mật nguyên tử Anh tới tay Liên Xô thế nào? - Ảnh 2.

Tòa nhà Isokon.

Khi thời cơ đến, cô chuyển tới Oxford, gần trụ sở trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử ở Harwell, sau đó ổn định ở ngôi làng Great Rollright, gần Chipping Norton. Tài liệu của Nga xác nhận rằng chính Jurgen Kuczynski đã giới thiệu Fuchs với em gái.

Thông thường, Fuchs và Sonya sẽ gặp để cùng nhau đi bộ một lúc lâu hoặc Sonya sẽ nhận thông tin mã hóa được đánh dấu trong tạp chí mà Fuchs tuồn qua hàng rào thép gai của Harwell trong bóng tối. Các báo cáo của Sonya được gửi đi bằng sóng vô tuyến qua một chiếc máy không dây tinh vi giấu trên dây phơi quần áo trong vườn nhà Sonya.

Thất bại của tình báo Anh

Một báo cáo được lưu trong cơ quan lưu trữ cho thấy cảnh sát Oxford đã bắt được tín hiệu của hoạt động không dây – vốn bị cấm tiệt thời chiến – năm 1943 và đã liên lạc với MI5. Cảnh sát viết: "Điểm thú vị nhất dường như là họ có một bộ máy không dây lớn đáng để điều tra thêm". Tuy nhiên, sau báo cáo không có cuộc điều tra nào cả.

MI5 cũng không để ý tới cảnh báo về Jurgen Kuczynski của Milicent Bagot, một nhân viên tình báo làm cho đơn vị phản gián của MI5 và là một thành viên nổi tiếng của Công đảng cũng như trong đời sống xã hội Anh. Trong một ghi chú gửi cho cấp trên, bà Bagot đã viết: "Tôi thực sự cảm thấy cần phải làm điều gì đó về người đàn ông này".

Khi không ai ngó ngàng đến cảnh báo của mình, bà Bagot thử lần nữa: Chúng ta có nhiều thông tin về người đàn ông này, nói rằng anh ta đang tham gia tích cực vào chiến dịch tuyên truyền chống Anh. Nhưng chúng ta thấy khó thuyết phục Văn phòng Nội vụ". Nhờ kỹ năng xã hội tinh tế, được bạn bè quyền lực bảo vệ, Jurgen luôn luôn đi trước một bước.

Mãi đến năm 1947, sau khi điệp viên Liên Xô Alexander Foote bị lộ, cơ quan mật vụ mới thẩm vấn Sonya. Fuchs bị phát hiện sau khi làm việc với Cơ quan Nghiên cứu Nguyên tử Mỹ ở Los Alamos từ năm 1944 tới 1946. Khi trở về Anh, Fuchs đã lọt vào tầm ngắm.

Bị bắt cuối năm 1949, Fuchs bị xét xử tháng 1-1950 và ngồi tù 9 năm, sau đó được phép di cư tới Đông Berlin. Một ngày trước khi Fuchs bị xét xử, Sonya đã trốn tới Đông Berlin. Jurgen cũng hành động tương tự.

Trong một tuyên bố trước Hạ viện, Thủ tướng Anh Clement Attlee đã mô tả vụ việc là "sự cố không may mắn và tệ hại nhất", nhưng nói thêm rằng "không có bằng chứng cho thấy phía MI5 có làm gì sai trái".

Có thể hiểu đây là cách nói "rất Anh" khi đề cập tới thất bại rõ ràng của cơ quan an ninh. Hậu quả mà các điệp viên Liên Xô gây ra sẽ gây chấn động cả thế giới. Bắt kịp khả năng chế tạo bom của Mỹ giúp Liên Xô đủ tự tin để can dự cuộc chiến tranh Triều Tiên và thách thức phương Tây trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba.

Khi tài liệu tình báo của quân đội Liên Xô bắt đầu bị rò rỉ đầu những năm 2000, người ta biết rằng Sonya đã không tiết lộ toàn bộ công việc của mình. Sonya còn phụ trách Melita Norwood, điệp viên người Anh làm việc cho Liên Xô lâu nhất và mãi năm 1999 mới bị phát hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại