Ngày 11/9/2001, Mỹ trải qua cuộc tấn công khủng bố đen tối, tang thương nhất trong lịch sử. Riêng tại Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ), 125 người tại đây đã thiệt mạng khi Chuyến bay 77 của American Airlines bị không tặc chiếm giữ lao vào tòa nhà.
Mất mát là không thể đo đếm, so sánh. Nhưng mọi chuyện có thể diễn ra tồi tệ hơn nếu như Lầu Năm Góc không được xây dựng với kết cấu có khả năng giảm thiểu tang thương như vậy trong ngày u tối cách đây gần 2 thập kỷ khi nhóm khủng bố Al-Qaeda nhắm Lầu Năm Góc là mục tiêu chúng tấn công.
Chuyến bay 77 của American Airlines bị không tặc chiếm giữ đã đâm thẳng vào tầng 1 của một tòa nhà Lầu Năm Góc, rồi phát nổ trong một quả cầu lửa khổng lồ, ngay lập tức giết chết 125 người bên trong trụ sở Bộ Quốc phòng (cùng với 59 nạn nhân và 5 tên khủng bố trên máy bay).
Khi những tang thương trong sự kiện khủng bố ngày 11/9 tạm dịu lắng, các chuyên gia đưa ra phân tích: Những mất mát về người hôm đó tại Lầu Năm Góc là vô cùng tàn khốc, tuy nhiên, số thương vong còn có thể tồi tệ hơn nhiều nếu như không có cấu trúc quan trọng được đưa ra 60 năm trước (tính vào năm 2001).
Lầu Năm Góc còn được gọi là Ngũ Giác Đài (tiếng Anh là Pentagon) khởi công đúng vào ngày 11/9/1941, khánh thành vào ngày 15/1/1943. Cho đến nay, tòa nhà rộng 600.000 m2 này là tòa nhà văn phòng rộng nhất thế giới (xét về diện tích sàn) và là tòa nhà có công suất sử dụng cao nhất thế giới, không gian văn phòng chứa tới 26.000 công nhân.
Lầu Năm Góc - Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, biểu tượng thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ. Ảnh: Getty
Thời Mỹ chưa tham gia vào Thế chiến II (1939-1945), Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã nghĩ đến việc xây dựng một căn cứ rộng lớn để tiến hành các hoạt động quân sự gần thủ đô. Kết quả, Lầu Năm Góc đã hoàn thành trong thời gian kỷ lục chỉ sau 16 tháng với sự lao động khổng lồ từ 15.000 công nhân xây dựng.
Lầu Năm Góc được xây dựng gần như hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, bao gồm 41.000 trụ chống bê tông cốt thép và dầm bê tông cố thép.
Khi Lầu Năm Góc được xây dựng, không ai biết rằng nó sẽ trở thành biểu tượng thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ, bởi các kiến trúc sư thời đó nghĩ rằng, tòa nhà toàn cốt thép này sẽ bị bỏ hoang sau chiến tranh rồi trở thành kho lưu trữ hồ sơ khổng lồ.
Nhưng cũng ít ai ngờ, tròn 60 năm sau ngày nó khởi công, Lầu Năm Góc lại trở thành mục tiêu khủng bố của Al-Qaeda.
May thay, nhờ được xây dựng bằng cốt thép với những đặc điểm khác biệt bên trong mà Lầu Năm Góc đã giảm bớt thương vong trong ngày 11/9/2001.
Donald Dusenberry là một kỹ sư kết cấu, đồng tác giả một báo cáo mang tính bước ngoặt cho Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Mỹ về thiệt hại mà Lầu Năm Góc phải hứng chịu ngày 11/9 và những bài học rút ra từ khả năng phục hồi của tòa nhà cho giới kỹ sư hiện đại.
Sau khi kiểm tra khu Ground Zero (nơi Tòa Tháp Đôi World Trade Center đã bị khủng bố phá hủy) ở thành phố New York và Lầu Năm Góc, những gì mà ông và các đồng nghiệp của mình phát hiện ra là, mặc dù 26 trụ chống ở tầng một đã bị phá hủy hoàn toàn và 15 trụ khác bị hư hại nặng nề bởi vụ tấn công khủng bố, thì các tầng trên của Lầu Năm Góc vẫn không lập tức sụp đổ.
Thực tế đúng như vậy, phải mất 30 phút sau khi một phần của tòa nhà gặp nạn thì các tầng phía trên mới sụp đổ. Khoảng thời gian đó đủ để những người ở các tầng trên sống sót trốn thoát.
Ước tính, vào sáng ngày 11/9 hôm đó, có khoảng 800 người đang làm việc trong khu vực Lầu Năm Góc bị tấn công, ít hơn nhiều so với ngày bình thường.
Giả như, nếu máy bay bị không tặc chiếm giữ hôm đó lao vào bất kỳ khu vực nào khác của Lầu Năm Góc thì có thể đã có tới 4.500 nhân viên làm việc thì Bộ Quốc phòng Mỹ có thể phải hứng chịu những mất mát khủng khiếp hơn.
Vụ khủng bố ngày 11/9: Những khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử. Ảnh minh họa: Internet
Giới kiến trúc sư Mỹ tiếp tục phân tích...
Thật khó để tưởng tượng được lực khổng lồ mà Chuyến bay 77 tác động khi đâm sầm vào sườn của Lầu Năm Góc.
Theo dữ liệu hàng không về chuyến bay này, Chuyến bay 77 cất cánh từ Sân bay Quốc tế Dulles lúc 8:20 sáng trên đường đến Los Angeles với những thùng nhiên liệu nặng hàng chục tấn cho hành trình xuyên quốc gia. Hầu hết nhiên liệu đó vẫn chưa được tiết lộ khi máy bay phản lực tấn công Lầu Năm Góc.
Máy bay của Chuyến bay 77 là chiếc Boeing 757, sải cánh 38 mét, nặng khoảng 82,4 tấn và đang di chuyển với tốc độ 853km/giờ.
Theo nghiên cứu của Donald Dusenberry, cánh và các phần không chứa nhiên liệu của máy bay bị cắt gần như ngay lập tức khi máy bay va chạm với tòa nhà của Lầu Năm Góc. Thiệt hại khủng khiếp cho tòa nhà đến từ các thùng nhiện liệu dự trữ ở thân máy bay.
Các thùng nhiên liệu nặng đã bay qua tầng một, bén lửa rồi tạo ra một con đường hủy diệt dài gấp đôi chiều dài của máy bay.
Kỹ sư kết cấu Donald Dusenberry, người thực hiện cuộc điều tra về Lầu Năm Góc sau vụ khủng bố ngày 11/9. Ảnh: Simpson Gumpertz & Heger Inc.
Điều mà Donald Dusenberry và đội của ông cần tìm hiểu đó là làm thế nào tầng thứ hai của Lầu Năm Góc vẫn trụ được sau khi hàng chục cột chống bê tông cốt thép ở tầng một bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng. Phần trên chỉ bị sụp đổ sau khi chịu thiệt hại nghiêm trọng từ đám cháy dữ dội.
Kết luận của đội chuyên gia là: Nhờ thiết kế chiến lược của các kỹ sư cách đó (năm 2001) 60 năm mà Lầu Năm Góc vẫn trụ vững sau khi bị Boeing 757 lao vào.
Lầu Năm Góc là một tòa nhà có 1-0-2, một pháo đài năm mặt bê tông có kiến trúc từ lâu nhưng điều kỳ diệu làm nên sức bền bỉ của nó nằm ở bên trong. Các kỹ sư hiện đại có thể học được rất nhiều từ thiết kế của pháo đài này sau khi nó sống sót kỳ diệu sau sự kiện 11/9 không may xảy ra. Bí mật nằm ở đâu?
Thứ nhất, bí mật nằm ở bên trong trụ chống bê tông cốt thép.
Trong xây dựng hiện đại, một cột bê tông có thể sẽ được hỗ trợ với các thanh cốt thép nằm ngang, chạy dọc theo lõi của nó. Nhưng vào những năm 1940, tiêu chuẩn xây dựng cột trụ cốt thép là sử dụng một vòng cốt thép xoắn ốc liên tục.
Trong đống đổ nát của tòa nhà, các chuyên gia tìm thấy những lõi bê tông cốt thép xoắn ốc vẫn còn nguyên vẹn!
Thứ hai, đến từ hệ thống dầm bê tông cốt thép.
Trước hết, các cột trụ ở mỗi tầng được đặt cách nhau ở khoảng cách tương đối chặt chẽ, cách nhau 6 mét. Bên trong hệ thống dầm bê tông cốt thép, các kỹ sư đã cho những thanh cốt thép dài chồng lên nhau từ dầm này sang dầm kế tiếp.
Donald Dusenberry nói rằng, chính xác thì đó là những giá đỡ bằng thép chồng lên nhau. Dầm thép đóng vai trò như một thanh treo giữ vững kết cấu các tầng trên.
Thật may mắn và đáng kinh ngạc khi không một nhân viên Lầu Năm Góc nào thiệt mạng trong vụ sập một phần từ tầng 2 đến tầng 5.
Nếu đem so với số phận bi thảm của hàng ngàn người mắc kẹt trong hai Tòa Tháp Đôi (những người không thể trốn thoát trước khi các tòa tháp sụp đổ) thì thực sự 'phép màu' một phần nào đó đã xảy ra trong chính ngày 11/9 đen tối nhất lịch sử Mỹ tại Lầu Năm Góc.
110 phút đen tối trong lịch sử Mỹ
8:38 phút sáng giờ Mỹ, ngày 11/9 /2001:
Kiểm soát viên không lưu Mỹ xác nhận một máy bay chở khách lớn - Chuyến bay 11 của American Airlines, bị không tặc chiếm giữ.
8:46 phút cùng ngày:
Chiếc Boeing 767-223ER của Chuyến bay 11 đã đâm vào tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở thành phố New York.
9:03 phút:
Một chiếc máy bay chở khách thứ hai bị không tặc tấn công, Chuyến bay 175 của United Airlines, tiếp tục đâm vào tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới.
9:30 phút:
Tổng thống Mỹ George W. Bush thông báo trên truyền hình quốc gia từ Phòng Bầu dục: "Chúng ta đang trải qua một thảm kịch quốc gia. Việc 2 máy bay chở khách bị không tặc chiếm giữ cố tình đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới rõ ràng là một cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ."
9:37 phút:
Cuộc tấn công thứ ba diễn ra: Chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) tại thủ đô Washington DC.
9:59 phút:
Tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ. Hàng nghìn người thương vong.
10:03 phút:
Một chiếc máy bay không tặc thứ tư, Chuyến bay 93 của United Airlines, đã rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville, bang Pennsylvania.
10:28 phút:
Tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới cũng sụp đổ. Lần này, con số người chết tăng lên.
Thiệt hại khổng lồ từ sự kiện khủng bố ngày 11/9
- Tổng cộng có 2.996 người thiệt mạng.
- Thiệt hại về của tổng cộng 3,3 nghìn tỷ USD.
Nguồn: BBC
Bài viết sử dụng nguồn: History Channel
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.