Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969

Trang Ly |

Vì lẽ gì lịch sử vang danh Neil Armstrong, vang danh NASA và Mỹ trong thành tựu chấn động cách đây tròn 50 năm thay vì gọi tên Liên Xô?

Tại sao Liên Xô thua Mỹ trong cuộc đua lên Mặt Trăng? Lịch sử rõ ràng công nhận Liên Xô là quốc gia dẫn đầu Mỹ thủa bình minh khai phá vũ trụ của loài người thế kỷ 20.

Bắt đầu với việc phóng Sputnik 1 - vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào năm 1957, người Liên Xô lần lượt tạo ra một loạt kỷ lục đầu tiên chưa từng có trong lịch sử: Đưa người bay ra ngoài không gian lần đầu tiên (Yuri Gagarin, 1961); Có phi hành gia đầu tiên trong lịch sử đi bộ ngoài không gian (Alexey Leonov, 1965); Đưa phi thuyền đầu tiên thực hiện cuộc hạ cánh mềm trên Mặt Trăng (Luna 9, 1966); Và phóng phương tiện tự hành đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng (Lunokhod 1, 1970).

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 1.

Tháng 2/1966, Liên Xô tổ chức họp báo về phi thuyền Luna 9 đầu tiên thực hiện cuộc hạ cánh mềm trên Mặt Trăng. Ảnh: ITAR-TASS News Agency

Lẽ dĩ nhiên, những thành tựu đáng kinh ngạc này đòi hỏi Liên Xô rõ ràng phải nắm trong tay đội ngũ phi hành gia xuất chúng cùng kỹ nghệ vũ trụ vượt bậc và những khối óc khoa học thiên tài, dám nghĩ dám làm cho các sứ mệnh du hành không gian.

Câu hỏi đặt ra là: Nếu Liên Xô đã sở hữu những thế mạnh vượt trội đó thì tại sao họ không đưa người hạ cánh trên Mặt Trăng? (để rồi, cuối cùng phải nhìn Mỹ được lịch sử vang danh sau chiến tích của tàu Apollo 11 ngày 20/7/1969).

Air & Space/Smithsonian Magazine nhận định, đối với bất cứ sự kiện lịch sử lớn nào trên thế giới, giải đáp các vấn đề xoay quanh chúng không hề dễ dàng, đơn lẻ. Cuộc so găng tay đôi giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh kéo dài những 4 thập kỷ. Đó không chỉ là trận chiến trong việc giành ưu thế vũ khí hạt nhân, vượt trội trong kỹ nghệ vũ trụ, hay tạo được sức ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế; cuộc đối đầu Mỹ-Xô còn thể hiện niềm kiêu hãnh dân tộc, mà ở đó, chứa đựng những ý thức hệ khác nhau, tinh thần và cách thức hành động khác nhau.

Dễ gì Liên Xô chấp nhận xếp sau Mỹ trong cuộc đua lên Mặt Trăng mà họ đang nắm lợi thế hiển nhiên. Vậy, vì lẽ gì lịch sử vang danh Neil Armstrong, vang danh NASA và Mỹ trong thành tựu chấn động cách đây tròn 50 năm thay vì gọi tên Liên Xô?

Cùng lật mở vấn đề dưới góc nhìn của Air & Space/Smithsonian Magazine (Tạp chí tuần san của Viện bảo tàng Hàng không & Vũ trụ Quốc gia Mỹ). 

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 2.

2 tuần trước khi Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng, phi hành gia Frank Borman (người thực hiện sứ mệnh Apollo 8 năm 1968 bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng) đại diện cho NASA thực hiện chuyến thăm Moskva.

Chiều ngày 5/7/1969, Frank Borman có cuộc gặp gỡ với Anh hùng Liên Xô, Tướng Nikolai Kamanin tại Trung tâm Đào tạo Phi hành gia tại thành phố Star City (nay là Trung tâm Đào tạo Phi hành gia Yuri Gagarin). 

Khi được các nhà báo hỏi: Liệu Liên Xô có triển khai sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng để đánh bại Apollo 11 của Mỹ hay không, Tướng Nikolai Kamanin giữ thái độ trung lập, không xác nhận cũng không phủ nhận.

Tuy nhiên, Tướng Nikolai Kamanin, người đứng đầu chương trình đào tạo phi hành gia của Liên Xô, thầm biết một điều mà cả Frank Borman và các nhà báo khi đó không biết: Cuộc đua lên Mặt Trăng với Mỹ đã thất bại! Liên Xô đã thua Mỹ trong cuộc đua lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 3.

Bởi trước đó đôi ngày thôi, ngày 3/7/1969, hệ thống tên lửa Mặt Trăng bí mật ký hiệu N-1 đã phát nổ tại địa điểm phóng từ xa ở Trung tâm Vũ trụ Baikonur, phá hủy một trong hai bệ phóng trọng yếu của Liên Xô.

Trong cuốn nhật ký kể lại cuộc gặp gỡ phi hành gia Mỹ Frank Borman năm đó của Tướng Nikolai Kamanin có đoạn: "Chúng tôi khao khát thành công. Khao khát bày tỏ quyết tâm đổ bộ Mặt Trăng trước đại diện của NASA. Sự cố của N-1 đã kéo Liên Xô lại. Để có thể đổ bộ Mặt Trăng, chúng ta cần ít nhất một hoặc một năm rưỡi nữa..."

Cùng thời gian đó, quay trở lại phía Mỹ... Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã cầm trên tay bản báo cáo tình báo dự kiến trình cho Tổng thống Richard Nixon ngày 5/7/1969. Nội dung bản báo cáo như sau: Ngày 3/7/1969, Liên Xô thất bại trong việc phóng tàu không người lái lên Mặt Trăng vì sự cố nổ tên lửa đẩy hạng nặng N-1.

Gần 1 tháng sau, CIA mới có hình ảnh vệ tinh chụp lại khu vực N-1 phát nổ. Tan hoang... Hư hỏng nặng... là những tính từ CIA miêu tả sau sự cố vô cùng bất lợi này của Liên Xô.

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 4.

Hình ảnh từ vệ tinh CORONA của Mỹ cho thấy một trong hai bệ phóng của Liên Xô bị hủy hoại sau vụ nổ tên lửa đẩy N-1. Ảnh: National Photographic Interpretation Center

Về phía Liên Xô. Hệ thống tên lửa đẩy N-1 thất bại trong sứ mệnh phóng tàu không người lái lên Mặt Trăng trở thành bí mật quốc gia. Công chúng không hề hay biết, dĩ nhiên. Điện Kremlin không muốn những chiến công vũ trụ trước đó bị lu mờ bởi những thất bại mà Chương trình Không gian Liên Xô phải hứng chịu.

"Bí mật là chìa khóa để không địch thủ nào vượt mặt chúng ta. Nhưng nếu như địch thủ thắng được chúng ta, chúng ta vẫn phải giữ bí mật để không một thường dân nào hay biết Liên Xô thất bại như thế nào." - Nhà báo kỳ cựu Nga Yaroslav Golovanov từng nói trên tờ Komsomolskaya Pravda

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991, các bí mật quốc gia dần dần hé lộ. Riêng với các chương trình không gian Liên Xô, rất nhiều thảm kịch và sự ra đi của các anh hùng vũ trụ Liên Xô đã xảy ra. Đó chính là một phần mà lịch sử ôm trọn thời Long-Hùm đấu nhau.

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 5.

Liên Xô mở màn 'cuộc chơi lớn' lên vũ trụ. Đáp lại, 3 năm sau, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tuyên bố: Mỹ sẽ đổ bộ Mặt Trăng trước năm 1970.

Cuộc so găng bắt đầu!

Năm 1960, tổng công trình sư Sergei Korolev - người được mệnh danh là 'Cha đẻ của chương trình không gian Liên Xô' - được phê duyệt chế tạo dòng hệ thống tên lửa đẩy hạng nặng bí mật, có tên "N", có khả năng nâng khoảng 80 tấn trọng tải lên quỹ đạo Trái Đất. "N" (tiếng Nga là "Nosityel", nghĩa là "Chuyên chở") hứa hẹn thực hiện các sứ mệnh quân sự cho chính phủ, có thể phóng trạm vũ trụ quanh Trái Đất, thậm chí là đưa người lên sao Hỏa.

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 6.

Tổng công trình sư Sergei Korolev (phải) và Yuri Gagarin - phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ. ITAR-TASS News Agency

Tháng 9/1962, thế hệ tên lửa thứ nhất N-1 nằm trong kế hoạch phóng phương tiện nặng 75 tấn lên quỹ đạo Trái Đất. Nhưng không giống như tên lửa Mặt Trăng Saturn V của NASA (Saturn V đến nay vẫn là hệ thống tên lửa mạnh nhất trong lịch sử), N-1 chưa từng thực hiện sứ mệnh nào trong ít nhất 1 năm sau đó.

Năm 1964, tổng công trình sư Sergei Korolev có cuộc gặp với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tại Điện Kremlin, và trình bày với Khrushchev về một dự án có thể đánh bại Apollo của Mỹ trên Mặt Trăng.

Sergei Korolev và đội kỹ sư của ông lao động ngày đêm để cải tiến N-1. Kết quả, N-1 có thể nâng 95 tấn lên quỹ đạo Trái Đất. Không những thế, 'Cha đẻ chương trình không gian Liên Xô' còn tung ra chiến lược Mặt Trăng-Quỹ đạo-Điểm hạ cánh (tương tự NASA) và phát triển tàu đổ bộ một người lái.

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 8.

"Đầu đang xuôi nhưng đuôi không lọt", câu nói này phù hợp với Sergei Korolev và chương trình Mặt Trăng bấy giờ. 

Không giống như NASA (chương trình không gian của Mỹ là một hệ thống tập trung, từ trên xuống do chính phủ liên bang điều hành), chương trình không gian của Liên Xô bị bao vây bởi một hệ thống quản lý hỗn loạn, mâu thuẫn. Sự không đồng nhất trong tổ chức đã làm hỏng kể hoạch Mặt Trăng của nước này. 

(Tiếp tục) không giống như NASA, nhiều nhà khoa học Liên Xô tách biệt sứ mệnh phóng tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng - với sứ mệnh đưa người đổ bộ Mặt Trăng, mặc dù về mặt logic 2 sứ mệnh này có thể được tích hợp vào một chương trình thống nhất. NASA đã làm tốt điều này.

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 9.

Cuối cùng, Sergei Korolev và Vladimir Chelomey - kỹ sư ngành hàng không hàng đầu Liên Xô, bắt tay hợp tác triển khai chương trình có tên L-1 (công chúng biết đến với tên Zond), với mục tiêu duy nhất: Đưa một phi hành đoàn gồm hai phi hành gia bay quanh Mặt Trăng rồi trở lại Trái Đất. 

Tuy nhiên, hệ thống tên lửa đẩy mới của Vladimir Chelomey là Proton liên tục thất bại 3 lần từ 1967 đến 1968 trong sứ mệnh vượt qua quỹ đạo Trái Đất. 

Đến sứ mệnh Zond-4, tuy đã tiến sâu vào không gian nhưng tàu vũ trụ lại lao xuống Đại Tây Dương khi trở về Trái Đất.

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 10.

Ảnh: Courtesy Russiatrek.org

Hai sứ mệnh Zond-5 vào tháng 9/1968 và Zond-6 vào tháng 11/1968 dù đã vòng quanh quỹ đạo Mặt Trăng thành công nhưng lại phải chịu những thất bại nặng nề khi trở về Trái Đất. Do đó, kế hoạch dự kiến giao cho hai phi hành gia Alexei Leonov và Oleg Makarov trên tàu Zond có người lái tiếp theo (nhằm đánh bại Apollo 8 của NASA) buộc phải hủy bỏ.

Khi Apollo 8 bay quanh Mặt Trăng vào Giáng sinh năm 1968, Tướng Nikolai Kamanin viết trong nhật ký rằng: Đó là một ngày lễ cuối năm tăm tối khi ông nhận ra cơ hội Liên Xô lên Mặt Trăng đã vụt tắt.

Dòng nhật ký chứa bí mật quốc gia của tướng Liên Xô: CIA giải mật; Mỹ đại thắng năm 1969 - Ảnh 11.

Nếu nhìn tổng thể, chương trình Mặt Trăng của Liên Xô thất bại vì phải chịu vấn đề thứ ba đó là thiếu kinh phí. Khi giới lãnh đạo ưu tiên phát triển các chương trình chiến lược và quân sự thì các chương trình không gian ít nhiều bị ảnh hưởng.

Khi OKB-1 (nay là Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia) của Sergei Korolev đang chế tạo tên lửa Mặt Trăng N-1, thì cơ sở này cũng phải tiến hành chế tạo tên lửa xuyên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn thế hệ đầu tiên trên thế giới.

Do đó, các khoản kinh phí được phân bổ hết sức chặt chẽ, đặc biệt là dưới sự thực hiện của Lực lượng Tên lửa Chiến lược thì ICBM phải là ưu tiên hàng đầu.

Đồng thời, N-1 khi đó bị các sĩ quan quân đội cấp cao coi là "một sự lãng phí hoàn toàn". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, Thống chế Rodion Malinovsky buột miệng nói với các sĩ quan trong cuộc họp năm 1965 rằng: "Chúng ta không thể đủ khả năng. Vì thế, chúng ta sẽ không chế tạo các phương tiện phóng siêu mạnh cũng như thực hiện các chuyến bay lên Mặt Trăng." 

Thống đốc Andrei Grechko, là người kế nhiệm, thậm chí tuyên bố thẳng thừng: Tôi đang chống lại các sứ mệnh trên Mặt Trăng.

Cuối cùng, vì thiếu kinh phí và thời gian đầu tư, 4 cuộc phóng tên lửa đẩy N-1 từ năm 1969 đến năm 1972 của Liên Xô đều thất bại.

Riêng khoảnh khắc hệ thống tên lửa đẩy hạng nặng N-1 rời khỏi bệ phóng lúc nửa đêm ngày 3/7/1969 (lần phóng thứ 2) bị rơi trở lại rồi phát nổ kinh hoàng trong đêm đen (bắn vật liệu văng xa 10km, khiến cửa sổ của các tòa nhà cách đó 40km bị phá vỡ) tựa như dấu chấm hết cho cuộc đua lên Mặt Trăng của Liên Xô với Mỹ.

Nguồn: Air & Space/Smithsonian Magazine

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại