Phát sinh từ động cơ xe, công trình xây dựng, sản xuất công nghiệp, đun nấu... chính là các loại hạt gây ô nhiễm không khí.
Có kích thước vô cùng nhỏ, có loại nhỏ hơn đường kính của sợi tóc vài chục lần, các loại bụi siêu vi không chỉ góp phần vào biến đổi khí hậu mà còn là tác nhân hàng đầu gây nên các bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp ở người quy mô toàn thế giới.
Trong số đó loại bụi siêu vi có tên PM2.5 là loại bụi gây nguy cơ tử vong cao nhất trong số các loại hạt gây ô nhiễm không khí. PM2.5 là yếu tố gây nguy cơ tử vong cao thứ 6 trên toàn thế giới, cướp đi 4 triệu sinh mạng mỗi năm trên toàn thế giới.
Thêm các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà (từ việc đun nấu và các nguồn đốt khác), con số này đã tiệm cận 7 triệu sinh mạng mỗi năm.
Undark và Trung tâm Báo cáo Khủng hoảng Pulitzer (của Mỹ, chuyên thực hiện các nghiên cứu độc lập về vấn đề toàn cầu) đã thực hiện các cuộc khảo sát tại 7 quốc gia trên thế giới nhằm kiểm tra tác động của bụi siêu vi PM2.5 đối với con người.
Để hiểu vì sao bụi siêu vi - một trong những yếu tố gây ô nhiễm không khí - được mệnh danh là 'sát thủ thầm lặng', mời độc giả theo dõi kết quả báo cáo từ Undark và Trung tâm Báo cáo Khủng hoảng Pulitzer.
Các loại hạt bụi siêu vi gây ô nhiễm không khí không chỉ phát sinh từ các hoạt động của con người. Tự nhiên cũng góp phần phát thải chúng. Gió thổi trên sa mạc, cháy rừng, núi lửa hoạt động... đều có thể sinh ra hạt gây ô nhiễm không khí, tác động có hại đến sức khỏe con người cấp tính và mãn tính.
Tuy nhiên, khi nhắc đến ô nhiễm không khí, các nhà khoa học thường chỉ tập trung đến các nguồn và biến thể phát sinh từ các hoạt động của con người: Những thứ như sulfur dioxide (SO2) từ nhà máy điện và khí thải khác, nitơ dioxide (NO2) từ khí thải xe cộ và ozone ở mặt đất.
Tựu chung lại, các loại hạt gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động nhân tạo hay tự nhiên đều có tác động đến con người. Các loại bụi càng nhỏ càng đáng lo ngại.
Các loại chất dạng hạt/bụi có đường kính từ 10 micromet trở xuống được gọi là PM10. PM10 thường phát sinh từ bụi đường, hoạt động xây dựng và các nguồn khác.
Vật chất hạt siêu vi 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, còn gọi là PM2.5, phát sinh từ các nguồn đốt (đun nấu, than đá trong nhà máy điện hoặc khí thải xe cộ...).
Với kích thước siêu vi đó, PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi và mạch máu. Lâu dần theo thời gian, nó có thể tàn phá cơ thể. Chính vì thế, PM2.5 được xem là loại bụi nguy hiểm nhất, được xem là 'sát thủ thầm lặng' trong không khí (tại những khu vực ô nhiễm nặng).
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc đo lường mức độ ô nhiễm không khí và đặt ra các tiêu chuẩn về không khí với các thang đo và mức độ khác nhau để xác định chất lượng không khí (an toàn - nguy hiểm).
Khi truyền đạt thông tin đến công chúng, cách tiếp cận phổ biến nhất là tạo ra một chỉ số kết hợp các phép đo đối với một số chất gây ô nhiễm đáng lo ngại nhất (trong đó có PM2.5, SO2, NO2...). Các chỉ số này được công bố sau khi kết quả đo có được trong một khoảng thời gian cụ thể (24 giờ hoặc một năm). Mức độ an toàn - nguy hiểm khác nhau thường được biểu thị bằng màu sắc khác nhau.
Xét riêng loại bụi siêu vi PM2.5, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, PM2.5 được đo bằng microgam trên một mét khối không khí (Phag/m³). Khối lượng bụi siêu vi trong không khí càng cao thì càng nguy hiểm khi thở.
Theo báo cáo “State of Global Air” năm 2018 (Thực trạng không khí toàn cầu) của Viện nghiên cứu ảnh hưởng sức khỏe phi lợi nhuận (Boston, Mỹ) và Viện đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington (Seattle, Mỹ), cho thấy rõ tác động của ô nhiễm hạt bụi siêu vi.
Báo cáo ghi nhận, "PM2.5 chịu trách nhiệm cho các ca tử vong trên thế giới nhiều hơn các yếu tố gây nguy cơ tử vong cao khác như hút thuốc lá, béo phì, cholesterol cao, sử dụng rượu bia nhiều..."
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà (phát sinh từ việc đun nấu, sưởi ấm) diễn ra mạnh tại các nước đang phát triển. Mặc dù không có hệ thống để đo PM2.5 trong các hộ gia đình nhưng theo các chuyên gia của Boston và Seattle lưu ý rằng, nhiều nghiên cứu riêng lẻ cho thấy nồng độ ô nhiễm không khí trong nhà vượt xa những gì chúng ta được quan sát ở môi trường xung quanh.
Chỉ một số ít nơi trên thế giới miễn nhiễm với ô nhiễm bụi siêu vi, còn lại ô nhiễm không khí là tác nhân gây nên hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.
Một nghiên cứu năm 2017 trên Tạp chí Y học New England đã cung cấp bằng chứng quan trọng về các tác động sức khỏe bất lợi liên quan đến phơi nhiễm PM2.5 và ozone ở nồng độ dưới tiêu chuẩn quốc gia hiện tại. Các tác động đặc biệt rõ rệt xảy ra ở các nước đang phát triển, với người thu nhập thấp, người có sức đề kháng kém. Phơi nhiễm PM2.5 thậm chí có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
Xem video minh họa về bụi siêu vi PM2.5:
Cơ chế xâm nhập vào cơ thể của bụi PM2.5. Nguồn: Undark
Tuy nhiên, đối với tất cả các ngành khoa học, sự phát triển nhanh chóng ở nhiều nước thu nhập thấp và trung bình đang vượt xa khả năng, hoặc ý chí của các cơ quan quản lý để tạo ra và thực thi các quy định y tế công cộng có thể làm giảm số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm.
Dưới đây là tình trạng ô nhiễm không khí tại 7 thành phố trên thế giới, số liệu do Undark và Trung tâm Báo cáo Khủng hoảng Pulitzer thực hiện, với các báo cáo liên quan đến hiện trạng ô nhiễm PM2.5, nguyên nhân gây ô nhiễm chính ở mỗi thành phố và số người tử vong vì ô nhiễm không khí tại các nơi này, để thấy được mức độ nguy hiểm của bụi siêu vi PM2.5 nói riêng, ô nhiễm không khí nói chung.
Năm 2015, hơn 1 triệu người Ấn Độ tử vong vì ô nhiễm không khí. Thành phố Patna là một trong những khu vực ô nhiễm không khí nặng nề nhất quốc gia này do hoạt động giao thông gây nên.
Năm 2017, nồng độ PM2.5 - loại ô nhiễm hạt nguy hiểm nhất thế giới - tại các đường phố đông đúc nhất của Patna chỉ có 81 ngày trên tổng 311 ngày theo dõi là đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí.
Có ngày, mật độ của bụi siêu vi PM2.5 rất dày đặc, lên đến 600 microgam trên một mét khối. Con số này gấp 60 lần giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị và 15 lần so với tiêu chuẩn an toàn do chính phủ Ấn Độ quy định.
Năm 2018, WHO cho biết thành phố Patna (có hơn 2 triệu người dân sinh sống) là thành phố ô nhiễm nặng thứ 5 thế giới.
Vào mùa khô, bụi và khói từ các lò đốt củi và than hòa lẫn với những đám mây bụi ô nhiễm bốc lên từ các đám cháy rác và giao thông... tạo thành một lớp không khí ô nhiễm dày đặc như màn sương, bao trùm tất cả thành phố Dhaka, Bangladesh.
Chỉ riêng hoạt động của lò nung (gồm hơn 500 điểm sản xuất gạch) - trong khi chỉ chiếm 1% GDP của đất nước - đã tạo ra gần 60% ô nhiễm hạt ở thủ đô Bangladesh, theo Bộ Môi trường Bangladesh (DOE).
WHO xếp thành phố Dhaka vào top 50 thành phố trên thế giới có nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm cao nhất.
Vào mùa đông, mức độ PM2.5 hàng ngày của thành phố có thể tăng vọt lên trên 200 microgam trên mét khối - gấp 8 lần mức mà WHO cho là an toàn. Phơi nhiễm với PM2.5 có liên quan đến ung thư phổi và các vấn đề sức khỏe khác, và ít nhất một nghiên cứu cho thấy nó đã cướp đi 14.000 sinh mạng ở Greater Dhaka vào năm 2014. Hai năm sau, các nhà nghiên cứu ước tính rằng nó chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 100.000 Bangladesh trên toàn quốc.
Các đám cháy rác tại thành phố Onitsha, miền nam Nigeria được xem là nguyên nhân gia tăng bụi siêu vi PM2.5 trong không khí tại đây.
Mỗi đám cháy được bao quanh bởi 'địa ngục' của thức ăn thối rữa, máy tính bị vứt bỏ, lốp xe cũ... Chúng là những chất thải rất nguy hiểm, một khi đã bị đốt cháy sẽ thải ra những luồng khói độc chứa các loại hạt gây ô nhiễm không khí. 999 microgam mỗi khối mét không khí là nồng độ PM2.5 đo được tại đây - gấp 40 lần so với tiêu chuẩn của WHO về mức độ phơi nhiễm trung bình 24 giờ.
Khoảng 120 dặm về phía nam, ở Port Harcourt, một thành phố 1,4 triệu dân ở trung tâm của khu vực sản xuất dầu mỏ của Nigeria, các nhà máy lọc dầu lậu cũng góp phần gây ô nhiễm tại miền nam nước này.
Và tại Lagos, thủ đô cũ của quốc gia và một đô thị rộng lớn với khoảng 21 triệu người, thì xe bus, xe hơi và xe tải cũ kỹ (được cung cấp nhiên liệu bởi động cơ diesel và xăng lưu huỳnh cao) thường xuyên gây tắc đườn và xả ra những khí thải gây nguy hại đến lá phổi con người.
Trong danh sách năm 2016 của WHO, Shijiazhuang xếp thứ 14 trong tổng 25 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Ô nhiễm bụi siêu vi vẫn là mối đe dọa chết người và dai dẳng ở nhiều khu vực của Trung Quốc. Vào tháng 4/2018, 40 bác sĩ và nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xác nhận những gì hàng triệu công dân Trung Quốc hiện đại đã biết: Giống như hút thuốc, tiếp xúc lâu dài với nồng độ cao bụi siêu vi PM2.5 làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh phổi - ngay cả với những người không bao giờ hút thuốc.
Điều này khiến Trung Quốc đối mặt với lựa chọn: Hoặc là cố gắng cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với nhu cầu làm sạch không khí - Hoặc là tiếp tục phát triển kinh tế và lờ đi 'sát thủ thầm lặng' đáng sợ này.
Song song với phát triển kinh tế, Trung Quốc kêu gọi giảm 25% nồng độ PM2.5 ở khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc. Trong đó phải kể đến nỗ lực giảm 10% mức tiêu thụ than từ năm 2015 đến năm 2020 tại Hà Bắc, Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông và Hà Nam.
Thung lũng San Joaquin là vựa nông nghiệp của Mỹ, nơi đây cung cấp 1/4 lương thực cho toàn nước Mỹ.
Mặt trái của nó là gây ô nhiễm không khí. Hàng triệu con bò và bò sữa, hàng triệu mẫu đất trồng trọt, và lưu lượng xe tải để hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp đã gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. Chưa hết, khí thải từ một số mỏ dầu đã biến nơi đây trở thành khu vực ô nhiễm không khí tồi tệ nhất nước Mỹ.
Mỹ ghi nhận có 1.300 ca tử vong tại San Joaquin Valley mỗi năm do ô nhiễm không khí. Bụi siêu vi PM2.5 sau khi tấn công phổi đã xâm nhập vào mạch máu và gây ra các vấn đề về hô hấp, tim mạch và đột quỵ.
Thành phố Coyhaique phía nam Chile có nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm khoảng 64 microgam/mét khối không khí, cao hơn tiêu chuẩn toàn cầu được coi là an toàn của WHO. Vào những thời điểm nhất định trong năm, mức độ có thể tăng gấp đôi, hoặc thậm chí gấp ba. Và giống như thủ đô của quốc gia, thành phố Santiago, nơi cũng chứng kiến mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm.
Bên cạnh nguyên nhân là giao thông, công nghiệp, sưởi ẩm bằng gỗ thì vị trí địa lý (bị bao quanh bởi các ngọn núi) của 2 thành phố này cũng khiến Santiago và Coyhaique đối mặt với ô nhiễm không khí nặng nề.
Trong phân tích gần đây nhất của State of Global Air, ước tính rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí gia đình là nguyên nhân gây ra tới 2,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới năm 2016.
Ở Chile, các tác động đặc biệt nghiêm trọng. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ước tính rằng ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho ngành y tế Chile ít nhất là 670 triệu USD mỗi năm; và hơn 4.000 ca tử vong sớm hàng năm, theo Liên Hợp Quốc.
Năm 2018, Bộ Y tế Macedonia đã công bố kế hoạch trợ cấp và phân phối khoảng 50.000 mặt nạ lọc không khí cho những người dễ bị tổn thương.
Theo nghiên cứu của chuyên gia tại Macedonia, có khoảng 2000 người thiệt mạng mỗi năm tại Macedonia vì ô nhiễm không khí, hầu hết xảy ra tại thành phố Skopje.
Hỗn hợp khói độc từ lò sưởi gia đình, khí thải từ hoạt động giao thông, than đá, công nghiệp... đã tạo nên lớp sương mù đầy bụi, nồng nặc mùi hóa học, bao trùm khắp thung lũng Skopje.
Có thể giải pháp đeo mặt nạ chỉ là tạm thời, bởi để hạn chế ô nhiễm không khí (đặc biệt là bụi siêu vi PM2.5) thì Macedonia nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung còn phải làm nhiều hơn thế nữa.
Bài viết sử dụng nguồn/ảnh: Undark
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.