110 phút đen tối trong lịch sử Mỹ
8:38 phút sáng giờ Mỹ, ngày 11/9/2001:
Kiểm soát viên không lưu Mỹ xác nhận một máy bay chở khách lớn - Chuyến bay 11 của American Airlines, bị không tặc chiếm giữ.
8:46 phút cùng ngày:
Chiếc Boeing 767-223ER của Chuyến bay 11 đã đâm vào tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở thành phố New York.
9:03 phút:
Một chiếc máy bay chở khách thứ hai bị không tặc tấn công, Chuyến bay 175 của United Airlines, tiếp tục đâm vào tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới.
9:30 phút:
Tổng thống Mỹ George W. Bush thông báo trên truyền hình quốc gia từ Phòng Bầu dục: "Chúng ta đang trải qua một thảm kịch quốc gia. Việc 2 máy bay chở khách bị không tặc chiếm giữ cố tình đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới rõ ràng là một cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ."
9:37 phút:
Cuộc tấn công thứ ba diễn ra: Chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) tại thủ đô Washington DC.
9:59 phút:
Tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ. Hàng nghìn người thương vong.
10:03 phút:
Một chiếc máy bay không tặc thứ tư, Chuyến bay 93 của United Airlines, đã rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville, bang Pennsylvania.
10:28 phút:
Tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới cũng sụp đổ. Lần này, con số người chết tăng lên.
Nguồn: BBC
18 năm đã trôi qua kể từ những khoảng khắc kinh hoàng ám ảnh người còn sống trong sự kiện đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra - Sự kiện ngày 11/9.
Cuộc tấn công khủng bố của nhóm Hồi giáo cực đoan đã gây chấn động thế giới. Nước Mỹ bàng hoàng trải qua những tháng ngày khủng hoảng sau cuộc tấn công khủng bố lớn nhất trong lịch sử nước mình.
Nếu sự kiện ngày 11/9 là vụ tấn công khủng bố lớn nhất trong lịch sử Mỹ thì đối với riêng những người lính cứu hỏa Mỹ, 11/9 cũng là ngày chết chóc nhất trong lịch sử của họ.
Dưới góc tiếp cận của History Channel, chúng ta có thể phần nào hiểu những khó khăn và sự hy sinh to lớn của những "chiến binh lửa" ra sức sơ tán và cứu những thường dân vô tội khác trong thời khắc nước Mỹ cần giúp đỡ nhất trong ngày 11/9 này.
Mời độc giả theo dõi:
Những "huyền thoại sống" ngày 11/9 và câu chuyện còn nhớ mãi về sau
8:46 phút sáng ngày 11/9/2001, giờ Mỹ: Những tên không tặc đã đâm chiếc máy bay Boeing 767-223ER của Chuyến bay 11 thuộc American Airlines vào tòa tháp phía Bắc Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York.
6 phút sau, đội lính cứu hỏa của thành phố có mặt tại hiện trường. Khi họ chỉ mới bắt đầu leo lên cầu thang cứu hộ trong một nỗ lực tiếp cận những người mắc kẹt ở các tầng cao hơn của tòa nhà thì một chiếc máy bay bị không tặc chiếm giữ khác (Chuyến bay 175 của United Airlines) tiếp tục đâm vào tòa tháp thứ hai ở phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới.
Hình ảnh không thể quên khi tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới chìm trong biển bụi, biển lửa ngày 11/9/2001. Ảnh: Telegraph
Ngay lúc đó, các quan chức của sở cứu hỏa thành phố nhanh chóng nhận định rằng, thay vì cố kiểm soát những ngọn lửa khổng lồ, họ sẽ tập trung vào nhiệm vụ giải cứu và sơ tán những nhân viên văn phòng còn đang mắc kẹt tại hai tòa nhà cao chót vót.
Sau vụ tấn công của hai chiếc máy bay, đội cứu hỏa phỏng đoán rằng, tòa tháp đôi đã bị hư hại cấu trúc và hệ thống chữa cháy có thể không thể hoạt động được nữa, điều này có thể khiến nhiều người chết vì hỏa hoạn. Vì thế, nhiều chiến binh cứu hỏa đã lao vào bên trong, bất chấp nhưng nguy hiểm hiển nhiên trước mắt.
"Chúng tôi ý thức được rằng, nhiệm vụ lần này có thể là nhiệm vụ cuối cùng, nhưng ước tính có đến hàng chục nghìn dân thường đang mắc kẹt trong hoảng loạn và biển lửa, họ cần chúng tôi." - Peter Hayden, thuộc Sở cứu hỏa New York khu vực Hạ Manhattan, về sau cho biết.
Chẳng ai có thể đoán được hiện thực cay đắng ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng của những chiến binh quả cảm ấy.
Sự kiện 9/11 không chỉ trở thành vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử thế giới, nó còn là sự kiện chết chóc nhất từ trước đến nay đối với ngành cứu hỏa Mỹ. Tổng cộng, 343 người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, theo Ủy ban 11/9.
Con số đáng sợ đó vượt xa 78 người thiệt mạng trong thảm họa từng lớn nhất trong lịch sử cứu hỏa Mỹ- vụ cháy rừng ở bang Idaho (Mỹ) năm 1910.
Gần 2 thập kỷ sau, không có bất cứ tài liệu chính thức nào mô tả chính xác nơi những người lính cứu hỏa đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chỉ biết rằng, theo một phân tích của tờ New York Times năm 2005 dựa theo lời nhân chứng còn sống, khoảng 140 người đã hy sinh trong hoặc xung quanh tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Trong khi khoảng 200 người đã thiệt mạng khi giải cứu thường dân tại khu vực tòa tháp phía Bắc.
Người lính cứu hỏa thiệt mạng đầu tiên là Daniel T. Suhr (37 tuổi), một "chiến binh lửa" thực thụ khi anh sẵn sàng băng mình vào khu vực đang bị ngọn lửa khổng lồ nuốt chửng để giải cứu thường dân. Tuy nhiên, không may thay, anh bị một trong những người trong tòa nhà (do hoảng loạn đã cố nhảy xuống thoát thân) va vào khiến cả 2 rơi xuống ở độ cao hàng trăm mét.
"Nhảy cũng chết. Mà ở lại cũng chết. Những gì tận mắt chứng kiến vào cái ngày kinh hoàng đó còn đau đớn hơn cái chết gấp bội phần.", lời kể của một nhân chứng còn sống!
Lính cứu hỏa là những chiến binh thực sự. Ảnh minh họa.
Leo lên cầu thang cứu hộ trong khi vận bộ quần áo nặng và vác trên vai thiết bị cứu hộ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, ngay cả với những người lính có thể chất cường tráng nhất. Việc tiếp xúc với lửa nóng và khí độc nhanh chóng khiến lính cứu hỏa kiệt sức.
Chưa kể, việc liên lạc qua bộ đàm cũng bị ngắt quãng khi càng đi sâu vào tòa nhà, các khung thép và bê tông cốt thép làm nhiễu các tín hiệu liên lạc của toàn đội.
Nhưng gói gọn lại, tất cả những khó khăn đó không là gì so với thời khắc kinh hoàng thực sự xảy ra vào lúc 9:59 phút: Tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ.
Các kết cấu thép của tòa nhà chọc trời được xây dựng để chịu được sức gió vượt quá 322km/giờ cùng vụ hỏa hoạn thông thường cũng không thể chịu được sức nóng khủng khiếp từ 20.000 gallon nhiên liệu máy bay bùng cháy như biển lửa khi đó.
Vụ va chạm của máy bay không tặc khoét một lỗ hổng khổng lồ vào tòa nhà, đốt cháy gần tầng 80 của tòa tháp chọc trời cao 110 tầng, ngay lập tức giết chết hàng trăm người và khiến hàng nghìn người khác mắc kẹt ở các tầng cao hơn.
Chỉ trong 10 giây ngắn ngủi, niềm kiêu hãnh của thành phố New York sụp đổ như tàn tro trước gió. 10 giây ngắn ngủi ấy đã cướp đi sự sống của bao nhiêu sinh mạng vô tội, trong đó có hàng trăm lính cứu hỏa của Sở cứu hỏa thành phố New York.
Sau khi bị đè dưới đống gạch vụn từ hàng nghìn tấn thép, bê tông và đồ đạc, nhiều người lính thoi thóp, dù không chết nhưng cơ thể họ đã không thể hồi phục mãi cho đến nhiều tháng sau đó.
Leo lên cầu thang cứu hộ trong khi vận bộ quần áo nặng và vác trên vai thiết bị cứu hộ nhanh chóng khiến lính cứu hỏa kiệt sức. Ảnh minh họa: Internet
Một phút sau khi tòa tháp phía Nam sụp đổ, chỉ huy của Sở cứu hỏa New York nhận định rằng tòa tháp phía Bắc cũng có thể sớm đi đến kết cục tương tự. Ông nhanh chóng ra lệnh cho cả đội cứu hỏa trong tòa nhà phía Bắc di tản ngay lập tức.
Tuy nhiên, do tín hiệu của liên lạc vô tuyến bị gián đoạn, nhiều lính cứu hỏa đã không nhận được mệnh lệnh nguy cấp lúc đó. Thảm họa thực sự lại diễn ra, khoảng 200 người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ đã ngã xuống cùng với sự sụp đổ của tòa tháp còn lại lúc 10:28 phút sáng.
Trong số những người thiệt mạng ở bên ngoài tòa tháp phía Bắc có Chánh văn phòng Peter J. Ganci, sĩ quan cao cấp nhất của Sở cứu hỏa thành phố New York, người lúc đó đang giám sát và chỉ huy các nỗ lực cứu hộ thường dân, New York Times cho hay.
Dù hàng trăm người lính cứu hỏa đã ngã xuống trong những giờ khắc đen tối nhất của lịch sử Mỹ nhưng những nỗ lực không mệt mỏi đó của họ đã cứu sống được hàng nghìn người. Sau cùng, có ít người bị mặc kẹt hơn trong 2 tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới so với dự tính trước đó là khoảng 17.400 người.
Dẫu vậy, dưới những nỗ lực quả cảm, phi thường của những chiến binh cứu hỏa và nhân viên cứu hộ thành phố, có tổng 87% người trong 2 tòa tháp được sơ cứu an toàn khỏi thảm họa mang tên 11/9 ở Mỹ.
Tang thương ngày 11/9: Nỗi ám ảnh người còn sống
Cho đến nay, gần 2 thập kỷ sau sự kiện 11/9/2001, những người còn sống không thể nào quên những ám ảnh cùng những con số tang thương xảy ra vào ngày đen tối đó của nước Mỹ.
Tổng cộng có 2.996 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố 11/9:
- Tại Trung tâm Thương mại Thế giới: 2.763 người đã chết sau khi hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi. Con số đó bao gồm cả 343 lính cứu hỏa, 23 sĩ quan cảnh sát thành phố New York và 37 sĩ quan cảnh sát cảng tìm cách sơ tán và cứu các nhân viên mắc kẹt trên tòa nhà.
- Tại Lầu Năm Góc: 189 người đã thiệt mạng, trong đó bao gồm cả 64 người trên Chuyến bay 77 của American Airlines, chiếc máy bay chở khách đâm vào tòa nhà. Trên Chuyến bay 93, 44 người đã chết khi máy bay rơi xuống cánh đồng ở bang Pennsylvania sau khi hành khách cố gắng chống lại những tên không tặc.
- Và 19 tên không tặc khủng bố trên 4 chiếc máy bay chở khách của Mỹ.
Theo dữ liệu điều tra của New York Times, vụ khủng bố gây thiệt hại tổng cộng 3,3 nghìn tỷ USD, trong đó có các thiệt hại về tài sản (55 tỷ USD), tác động về kinh tế (123 tỷ USD), những khoản bảo hiểm và nhà ở về sau (589 tỷ USD), cùng những khoản chiến phí sau này (2.516 tỷ USD).
Gần 1 tháng sau ngày đen tối 11/9, vào ngày 7/10/2001, Mỹ mở Chiến dịch Tự do Bền vững (OEF) - một nỗ lực quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan và tiêu diệt mạng lưới khủng bố của trùm Osama bin Laden ở đó. Trong vòng 2 tháng, lực lượng quân đội Mỹ đã loại bỏ Taliban khỏi Afghanistan, nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục khi Mỹ và các lực lượng đồng minh cố gắng đánh bại một chiến dịch nổi dậy của Taliban có trụ sở tại nước láng giềng Pakistan.
Trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ chủ mưu đằng sau các cuộc tấn công ngày 11/9 cuối cùng đã chịu cái giá mà hắn phải trả. Ngày 2/5/2011, hắn đã bị quân đội Mỹ theo dõi và giết chết tại nơi ẩn náu ở Abbottabad, Pakistan.
10 năm sau cuộc chiến tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD, cuối cùng vào tháng 6/2011, Tổng thống Barack Obama tuyên bố bắt đầu rút quân quy mô lớn tại Afghanistan.
James Taormina, thân nhân của người đã chết trong vụ tấn công 11/9, tại đài tưởng niệm nạn nhân 11/9 của thành phố New York. Ảnh: Drew Angerer/Getty
Tại Đài tưởng niệm những người lính cứu hỏa hy sinh trong ngày 11/9, có một cậu bé đã viết cho người lính Daniel T. Suhr 37 tuổi, hy sinh ngày 11/9 như thế này:
"Cháu chào chú! Cháu là Morgan Beyer, học sinh lớp 7 Trường trung học Bay View (bang Wisconsin). Hôm nay cháu đến đây để thăm chú. Cháu rất lấy làm vinh dự khi được đeo tên chú trên ngực mình. Bất cứ khi nào cảm thấy chán nản, cháu lại nghĩ đến những việc chú đã làm để có thêm động lực.
Xin nghiêng mình cảm tạ chú và đồng đội vì những điều mọi người đã làm cho nước Mỹ. Cháu xin gửi lời cầu nguyện đến chú và gia đình. Chắc hẳn mọi người đều tự hào về chú Daniel đã dũng cảm hy sinh, quên thân mình như thế nào để giúp đỡ mọi người vào ngày 9/11. Chân thành cảm ơn chú. Chú và mọi người sẽ luôn sống trong trái tim những người sống... Mãi mãi!"
Bài viết sử dụng nguồn: History Channel, BBC, New York Times/Archive, Firehero
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.