McDonnell Douglas F-4 Phantom II là chiếc phản lực cơ mở ra kỷ nguyên mới của ngành hàng không quân sự hiện đại, nó đã chứng minh sức mạnh của mình trong một số cuộc xung đột trước nhiều lực lượng không quân khắp thế giới.
Tương tự mọi máy bay quân sự hoặc dân sự, những phiên bản đời đầu của Phantom II cũng có nhiều thiếu sót và lỗi lầm. Sau đó quá trình cải tiến không ngừng đã dẫn đến F-4E, đây chính là biến thể tốt nhất của dòng tiêm kích bom xấu xí này.
"Tê giác" - biệt danh mà Không quân Mỹ gọi chiếc F-4E được trang bị radar AN/APQ-120 tiên tiến cùng động cơ General Electric J79 mạnh mẽ giúp nó đạt tốc độ Mach 2,2. Máy bay còn được bổ sung một khẩu pháo M61 Vulcan lắp dưới mũi nhằm khắc phục nhược điểm trong không chiến quần vòng của những thế hệ đầu tiên.
Mỹ bắt đầu tiếp nhận "Tê giác" từ cuối thập niên 1960, nó nhanh chóng gây ấn tượng trước nhiều khách hàng tiềm năng. Bị thuyết phục bởi các tính năng ưu việt, Israel đã quyết định đặt mua F-4E và RF-4E (phiên bản trinh sát) vào năm 1969.
Phi công Israel có tên Shimshon Rozen đang trèo vào buồng lái F-4E trong cuộc chiến Yom Kippur
Các phi công IAF đã bay trên F-4E cho biết nó có tốc độ nhanh và rất linh hoạt. Sau khi trải qua quá trình huấn luyện kỹ năng và phát triển chiến thuật, họ chiếm ưu thế rõ rệt trước những chiến đấu cơ xuất khẩu của Liên Xô đang hoạt động trong Không quân các quốc gia Arab gồm Ai Cập và Jordan.
Bên cạnh đó, phiên bản trinh sát RF-4E Raven là một phương tiện không thể thiếu. IAF không có máy bay tương tự SR-71 Blackbird hoặc U-2 Dragon Lady, thời điểm này họ cũng không sở hữu vệ tinh có khả năng chụp ảnh, cho nên vai trò của RF-4E vô cùng quan trọng.
Yêu cầu ban đầu của IAF là mua Martin RB-57F Canberra, trang bị hệ thống camera General Dynamics HIAC-1 mang tính cách mạng vào thời điểm đó. Tuy nhiên đề xuất trên bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bởi lý do dễ dẫn tới mất cân bằng chiến lược ở Trung Đông.
Trong khoảng thời gian Israel nhận F-4E từ Mỹ, dựa vào mối quan hệ thân mật hơn với Liên Xô, trong giai đoạn 1967 - 1970, Quân đội Ai Cập đã thiết lập được mạng lưới trận địa SAM (tên lửa phòng không) dày đặc - tin tức khủng khiếp đối với các phi công Israel.
Đến giữa năm 1970, gần cuối của cuộc chiến tranh, 5 chiếc F-4E của Israel đã bị bắn hạ, tất cả đều do tên lửa SAM được Liên Xô cung cấp.
Máy bay trinh sát RF-4E Raven của Không quân Israel
Sau khi hoạt động chiến đấu trên không kết thúc, Israel vẫn còn nhu cầu theo dõi khu vực Bán đảo Sinai cũng như lãnh thổ Ai Cập để nắm thông tin về các trận địa SAM, RF-4E là lựa chọn sẵn có duy nhất của họ.
RF-4E Raven là một tài sản có giá trị rất cao của Không quân Israel. Tuy nhiên nó vẫn phải nhận nhiệm vụ di chuyển vào trong không phận tranh chấp để chụp ảnh. Điều này có nghĩa RF-4E giống như F-4E, rất dễ bị SAM bắn hạ.
Do vậy Israel cần một chiếc máy bay (và hệ thống trinh sát) có khả năng chụp xiên ở tầm xa, cho phép họ theo dõi hoạt động quân sự nước ngoài từ khoảng cách tương đối an toàn trên đất Israel. Điều thú vị là thời điểm đó, một máy bay to lớn, nguy hiểm hơn và nhanh hơn bắt đầu cất cánh từ căn cứ không quân Ai Cập vào tháng 3/1971.
Máy bay trinh sát MiG-25R
Liên Xô đã đưa máy bay trinh sát tối tân MiG-25R Foxbat-B đến Ai Cập, nó không được dùng để tấn công chiến đấu cơ của Israel mà có nhiệm vụ thu thập dữ liệu tình báo cho Quân đội Ai Cập. Israel phải đối mặt với khó khăn lớn vì họ không có tiêm kích nào đủ nhanh để theo đuổi MiG-25R.
F-4E Phantom II mặc dù là chiếc phản lực cơ nhanh nhẹn nhưng nó vẫn không thể bắt kịp MiG-25R do chiếc Foxbat có thể đạt tốc độ Mach 2,83 nhờ sự trợ giúp của động cơ phản lực Tumansky R-15. Khi cần thiết phi công Foxbat còn đưa được máy bay của mình đến tốc độ kinh hoàng Mach 3,2.
(Còn tiếp)