Bí mật của bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới: Nghìn năm vẫn trụ vững trước mưa lũ, vì sao?

Hoàng Hiệp |

Lạc Sơn Đại Phật nổi tiếng là bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. Tuy nhiên ít ai biết rằng, bức tượng còn là "thành trì bất bại" ngay trước thiên tai lớn như bão, lũ.

Bức tượng khổng lồ giữa ngã ba sông

Lạc Sơn Đại Phật, còn gọi là Lăng Vân Đại Phật hay Gia Định Đại Phật, là tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới.

Lạc Sơn Đại Phật là bức tượng khổng lồ được điêu khắc trên vách núi từ năm 713 (sau Công nguyên) dưới triều đại nhà Đường, một triều đại mà Phật giáo được coi trọng trong dân gian. Bức tượng hiện nay tọa lạc tại thị trấn Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Không chỉ vậy, nó còn nằm ở giữa ngã ba sông Dân Giang, sông Thanh Y Giang và sông Đại Độ Hà. Sở dĩ có vị trí như vậy vì người đứng đầu khởi xướng việc xây dựng công trình Lạc Sơn Đại Phật là một vị hòa thượng tên Hải Thông.

Ông tin rằng việc xây dựng bức tượng Phật lớn giữa ngã ba sông sẽ giúp thuyền bè và người dân qua lại dễ quan sát, giác ngộ đồng thời cầu mong cho dòng chảy của sông luôn ổn định, êm đềm. Tính từ khi hoàn thành đến nay, Lạc Sơn Đại Phật đã có 1200 năm tuổi và là một niềm tự hào của người Tứ Xuyên.

Bí mật của bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới: Nghìn năm vẫn trụ vững trước mưa lũ, vì sao? - Ảnh 1.

Vị trí đặc biệt, nằm giữa ngã ba sông của Lạc Sơn Đại Phật (Ảnh: xw.qq.com)

Bức tượng miêu tả Phật Tổ ngồi trong tư thế rất bình thường, gương mặt điềm đạm, tự lưng vào vách núi, hướng ra sông. Chiều cao toàn thể bức tượng là 71 mét, riêng phần đầu có chiều cao 14,7 mét, chiều rộng của đầu 10 mét, búi tóc là khoảng 1,05 mét, tai tượng Phật dài 6,7 mét, mũi và lông mày dài 5,6 mét, miệng và mắt dài 3,3 mét, cổ cao 3 mét và vai rộng 24 mét.

Các ngón tay dài 8,3 mét, từ đầu gối đến bàn chân dài 28 mét, chiều rộng của mu bàn chân là 9 mét. Bề mặt bàn chân có thể chứa đến 100 người đứng phía trên.

Trận lụt do mưa lớn và hệ thống thoát nước ngầm trong tượng Phật ở Lạc Sơn

Vào lúc 19 giờ ngày 21 tháng 05 năm 2018, do ảnh hưởng của khối áp thấp và không khí ẩm trên mặt đất, trị trấn Lạc Sơn bắt đầu trải qua trận mưa lũ lớn trong lịch sử. Sau 12 tiếng, đến khoảng 7 giờ sáng ngày 22 tháng 05, thị trấn Lạc Sơn đã xuất hiện nhiều điểm mưa lớn, trong đó nặng nhất là tại làng Hưng Dương, huyện Nga Mi Sơn với lượng mưa 332mm.

Theo tin tức từ văn phòng Đường Sắt Tây Nam, trận lũ đã khiến sạt lở xảy ra khu vực huyện Nga Mi Sơn và huyện Sa Loan gây cản trở cho tuyến đường sắt Thành Đô – Côn Minh nên một số chuyến tàu đi qua đây sẽ bị tạm dừng.

Mặc dù nằm ở khu vực thường xuyên chịu thiên tai do mưa lũ, nhưng tượng Lạc Sơn Đại Phật lại gần như không bao giờ bị ngập úng ở các khu vực có vùng trũng hay rãnh thấp trong công trình này. 

Lý do hết sức đặc biệt, trong công trình có hệ thống thoát nước tuy đơn giản nhưng hiệu quả.

Trên đầu tượng Phật có 18 lớp chòm hình xoắn ốc, trong đó, các lớp chòm xoắn ốc số 4, số 9 và số 18 có lỗ thoát nước.

Ngoài ra còn có các khu vực thoát nước sau. Có một đường rỗng thoát nước phía sau ngực trái và một đường khác nữa ở phía sau cánh tay phải của tượng Phật. Phía sau hai tai Phật có những "hang rỗng" để dẫn nước, đồng thời hai bên tai cũng có hang nhỏ thông nhau, chiều dài hang là 9,15 mét, chiều rộng 1,26 mét, chiều cao 3,38 mét.

Phía sau hai ngực cũng có những hang rỗng, hang rỗng bên phải sâu 16,5 mét, rộng 0,9 mét, hang rỗng bên trái sâu 8,1 mét, rộng 0,95 mét, cao 1,1 mét. Tuy nhiên không có lối thông hai khu vực này với nhau.

Những công trình "nội tại" như vậy giúp nước thoát nhanh khỏi các vùng trũng trong tượng Phật, nó là một hệ thống thoát nước tương đối khoa học giúp công trình được tản nhiệt, thoáng gió, ngăn chặn sự xói mòn, phong hóa (phong hóa là quá trình phá hủy của gió và nước đối với đất đá, mà đất đá là vật liệu tạo nên Lạc Sơn Đại Phật).

Những hệ thống này cũng không phải bí mật gì, bởi rất nhiều người biết đến nó, thậm chí coi đây là kì tích trong xây dựng.

Nhà thơ nổi tiếng thời Thanh là Vương Sĩ Trinh từng ngưỡng mộ và gọi hệ thống thoát nước trong tượng Lạc Sơn Đại Phật là "Tuyền Tung Cổ Phật Kế Trung Lưu" – ám chỉ ca ngợi công trình thoát nước đơn giản mà hữu dụng này.

Bí mật của bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới: Nghìn năm vẫn trụ vững trước mưa lũ, vì sao? - Ảnh 3.

Hệ thống thoát nước thông minh từ cách đây hơn ngàn năm giúp công trình tượng Phật bằng đá này bảo tồn được nguyên bản. Ảnh: Internet

Cũng theo một vài tài liệu thì trong quá khứ từng có một công trình che chắn bằng gỗ được làm để "ngăn mưa cản nắng" cho Lạc Sơn Đại tượng Phật. Bằng chứng trên thực địa cũng cho thấy rõ khi phía dưới còn lưu lại phần móng và các phía, tay, mu bàn chân, hai bên sườn tượng Phật có các lỗ để đóng cọc.

Cụ thể công trình bằng gỗ để che cho tượng Phật được xây dựng vào thời Tống và gọi là "Thiên Ninh Các" – tức Lầu (hoặc nhà) do trời định. Đáng tiếc, công trình này đã bị phá hủy trong cuộc Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc vào thập niên 70.

Chúng ta có thể thấy hàng ngàn năm trước, để tạo dựng công trình kì vĩ như Lạc Sơn Đại Phật đã là một thành công nhưng như vậy là chưa đủ, người xưa còn phải tính toán để công trình đứng vững trước sự tàn phá của thiên nhiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại