Không nghi ngờ gì nữa, việc chuyển sang làm việc tại nhà trong khi đại dịch Covid-19 (Coronavirus) đang diễn biến phức tạp trên thế giới là biện pháp tốt nhất cho sức khỏe cộng đồng mà mọi người có thể đưa ra.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là: Khi cả thế giới hạn chế rất nhiều hoạt động ngoài trời và phần lớn chỉ tập trung vào màn hình điện thoại, máy tính bảng, laptop và máy tính để bàn thì nhu cầu gia tăng về tốc độ Internet tốc độ cao có thể làm sụp đổ toàn bộ hệ thống mạng toàn cầu không?
Giáo sư khoa học máy tính Jim Waldo - Giám đốc Công nghệ trường Đại học Harvard (Mỹ) - sẽ tường giải vấn đề này trên Popular Mechanics, mời độc giả theo dõi.
Khi bạn đang cầm điện thoại lên để đọc những dòng này tại nhà, điện thoại của bạn đang kết nối WiFi. Nhưng tại các văn phòng lớn, để có Internet cho hệ thống máy tính để bàn, người ta cần cáp Ethernet (dạng dây cáp vật lý) để kết nối các thiết bị với nhau trong mạng cục bộ.
Tất cả phần cứng trong máy trạm Workstation (là một "siêu máy tính phổ thông" có cấu hình mạnh) đó có thể được đăng nhập bằng địa chỉ MAC riêng của nó; hoặc cũng có thể được gắn vào địa chỉ IP dựa trên cổng Ethernet của riêng nó.
Để có hiệu suất sử dụng mạng Internet cao, các doanh nghiệp phải cần đến hàng tấn băng thông mạng nhằm duy trì tốc độ truyền dữ liệu tối đa trên một đường dẫn được ổn định. Tuy nhiên, đối với nhân viên văn phòng và người dùng mạng Internet thông thường, các dịch vụ online phục vụ người dùng như Youtube, mạng xã hội, phim, game... ngày càng gia tăng thì nhu cầu sử dụng mạng với tốc độ cao của người dùng cũng cứ thế tăng theo.
Bản đồ hệ thống cáp ngầm trên phạm vi toàn cầu. Nguồn: PRIMETRICA
Băng thông Internet là số lượng data tối đa có thể được truyền tải (đi qua) trong 1 giây giữa 2 máy tính với nhau thông qua một kết nối mạng được đo bằng đơn vị Kilobit, Megabit hoặc Gigabit trên giây (viết tắt là Kbps, Mbps hoặc Gbps).
Tất cả băng thông này được truyền bởi các mạng cáp quang (loại mạng Internet truyền bằng tín hiệu ánh sáng). Đường truyền dẫn là các sợi cáp quang (có thể làm từ sợi thủy tinh hoặc nhựa plastic). Để thế giới có thể kết nối với nhau trên phạm vi toàn cầu, người dùng cần cảm ơn hệ thống hơn 400 cáp ngầm khổng lồ, nằm dưới biển và kéo dài hàng ngàn dặm.
Như đã đề cập ở đầu bài, khi cả thế giới gói gọn trong các màn hình điện thoại, máy tính thì có hay không việc làm việc ở nhà sẽ làm sập mạng Internet?
Theo Giáo sư khoa học máy tính Jim Waldo - Giám đốc Công nghệ trường Đại học Harvard (Mỹ) thì làm việc online tại nhà là sự thay đổi từ mạng công ty sang thiết bị tiêu dùng.
"Tại Harvard, chúng tôi sở hữu một mạng lưới khá tinh vi có khả năng điều phối lưu lượng truyền dữ liệu trong hệ thống mạng nội bộ của trường. Tuy nhiên, trước thực tại đại dịch khiến mọi người đều học tập và làm việc ở nhà như hiện nay - và việc "online ở nhà" đồng nghĩa với câu chuyện các sinh viên và cán bộ có thể online "đi đến" bất cứ đâu trên thế giới, từ Boston (Mỹ) đến châu Á - thì điều này đòi hỏi một định tuyến (route) phức tạp hơn nhiều, cũng như cần một thiết bị đa dạng hơn. Áp lực xuất hiện là điều hiển nhiên."
Ảnh: Đại học Harvard.
Tuy nhiên, Giáo sư Jim Waldo nhận định, khả năng duy trì và mở rộng của mạng Internet là một điều tuyệt vời và chắc chắn nhu cầu cũng như cách người dùng sử dụng tài nguyên này đã kích thích sự cải thiện của Internet. Lấy ví dụ với Popular Mechanics, trang chủ của Popular Mechanics hiện tại đã lớn hơn 30 đến 50 lần so với những năm cuối 1990, với hình ảnh và video có độ phân giải cao, tốc độ phát trực tuyến được cải thiện rõ rệt.
Rõ ràng, nhu cầu của người dùng càng cao (về tốc độ mạng, hình ảnh có độ phân giải cao...) đã phần nào giúp Internet ngày càng mạnh hơn, nhanh hơn.
Tuy nhiên, mỗi bước phát triển mới trên mạng, từ những điều đơn giản như đa phương tiện đến khả năng sử dụng ngôn ngữ lập trình, đều trở thành "gánh nặng", ảnh hưởng đến sự kết nối của người khác. Do đó, đôi khi bạn sẽ thấy mạng nhà mình thật lag...
QUAN TRỌNG HƠN CẢ, đây là điểm mà Giáo sư Jim Waldo nhấn mạnh, Internet được tạo ra để xử lý mọi yêu cầu nhanh nhất có thể; cũng như có khả năng kháng lỗi một cách trơn tru. Dữ liệu của chúng ta được truyền qua lại trong một gói dữ liệu, và việc mất dữ liệu (lỗi) cũng là một phần của hệ thống mạng được thiết kế để kháng lỗi (Fault tolerance).
Hiểu đơn giản, nếu một máy chủ gặp trục trặc, các yêu cầu của người dùng sẽ được chuyển sang máy chủ khác. Nhờ Fault tolerance mà chúng ta có khả năng tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn. Nhờ hệ thống back-up (dự phòng) tự động thay thế mà Fault tolerance có thể ngăn chặn sự gián đoạn và đảm bảo tính liên tục cho người dùng.
Thay vì làm việc ở nơi công cộng, nhiều người trở về nhà và làm việc online nhiều hơn trong thời đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Internet
Trở lại với vấn đề, liệu đại dịch Covid-19 có làm sụp đổ hệ thống mạng Internet toàn cầu không, bạn đọc chỉ cần nhìn nhận vấn đề này:
Ở Mỹ, gần 7% người dân, hầu hết tất cả trong số họ sinh sông ở nông thôn, sử dụng công nghệ cung cấp sóng WiFi qua vệ tinh. Gần 15% khác không có truy cập Internet chính thức, thay vào đó họ sử dụng các mạng di động hoặc các điểm phát WiFi công cộng, hoặc đơn giản là không sử dụng - Đó là thời đại dịch Covid-19 chưa xảy ra.
Trong thời điểm hiện tại này, các địa điểm công cộng buộc phải đóng cửa, vô hình chung "cắt" mất nguồn Internet tốc độ cao của nhiều người. Các doanh nghiệp và hệ thống WiFi công cộng của họ cũng đóng cửa. Bọn trẻ quen sử dụng máy tính ở trường học, nay có thể sử dụng tại gia....
Tất cả điều này nói lên điều gì?
Giáo sư Jim Waldo chỉ nói gói gọn trong vài chữ: Đại dịch Covid-19 chỉ khiến người dùng chuyển đổi địa điểm sử dụng Internet phần lớn từ nơi công cộng về nhà mà thôi.
Nghĩa là người dùng Internet chỉ giảm việc sử dụng Internet ở nơi công cộng, và thường xuyên ở nhà dùng máy tính tại nhà hoặc nhìn vào màn hình điện thoại thường xuyên hơn thôi.
Bởi thế, sẽ không có chuyện băng thông dữ liệu bị đe dọa bởi số lượng người dùng tăng lên (bởi thực chất, số lượng người dùng vẫn như thế), do đó, câu trả lời cho câu hỏi đặt ra đầu bài là: Đại dịch Covid-19 khó có thể làm sụp đổ hệ thống mạng Internet toàn cầu!
Đại dịch Covid-19 đang làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người trên thế giới. Tính đến ngày 25/3/2020, theo số liệu cập nhật của Worldometer, trên toàn thế giới ghi nhận tổng 422.945 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm phổi cấp. Trong đó, số người tử vong tính đến nay là 18.907 trường hợp.
Bài viết sử dụng nguồn: Popular Mechanics
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.