Bí mật bãi thử bom hạt nhân của Trung Quốc

Nguyễn Đình Thiêm |

Ở Tân Cương có một nơi diện tích chỉ bằng tỉnh Giang Tô nhưng không thể tìm thấy trên bản đồ, nó bị nhấn chìm vì nằm sâu trong sa mạc Gô Bi mênh mông.

Đây là bãi thử nghiệm bom nguyên tử và bom nhiệt hạch Lốp No thuộc khu căn cứ Mã Lan. Lốp No trở thành từ thay thế nói về các cuộc thử nghiệm bom hạt nhân của Trung Quốc. Ngày nay Mã Lan trở thành cơ sở giáo dục và hiện đang được mở cửa với thế giới bên ngoài.

Mã Lan, tên của một loài hoa

Căn cứ Mã Lan nằm ở huyện Hòa Thạc thuộc khu tự trị Tân Cương. Nó nằm trong vùng sa mạc rộng lớn bao gồm bãi thử Lốp No. Đây là bãi thử nghiệm hạt nhân duy nhất và sớm nhất của Trung Quốc.

Những người đầu tiên đến đây là đội quân do tướng Trương Uẩn Ngọc dẫn đầu. Ông Trương Uẩn Ngọc tham gia Bát Lộ Quân năm 1937 và được trưởng thành trong chiến tranh chống Nhật và chiến tranh giải phóng đất nước Trung Hoa, từ một người lính phổ thông trở thành tham mưu trưởng và được trao trọng trách đi tìm nơi làm bãi thử hạt nhân của quân đội Trung Quốc.

Bí mật bãi thử bom hạt nhân của Trung Quốc - Ảnh 1.

Quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc.

Vào ngày 24 tháng 12 năm 1958, tướng Trương Uẩn Ngọc dẫn một đội quân từ Đôn Hoàng đi đến Lốp No. Phải đến mùa xuân năm sau đội quân mệt mỏi mới phát hiện ra hồ nước Bác Tư Đằng trong vắt giữa vùng hoang vu khô cằn.

Sau khi thị sát các vùng xung quanh, ông báo cáo với bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc rằng nơi đây đất rộng người thưa rất thích hợp để làm bãi thử hạt nhân.

Nguồn gốc tên gọi Mã Lan cũng là do tướng Trương Uẩn Ngọc đặt theo tên một loại hoa có nhiều ở vùng này, khi đến đây ông thấy vùng này hoang vu không một bóng người nhưng lại có loài hoa Mã Lan rất đẹp nên ông đặt tên cho nơi này là Mã Lan.

Như vậy, vị tướng Trương Uẩn Ngọc chính là người sáng lập ra căn cứ Mã Lan đồng thời ông cũng là người chỉ huy lãnh đạo toàn bộ công việc của căn cứ Mã Lan sau này.

Những năm sau đó, căn cứ Mã Lan bắt đầu được kiến thiết xây dựng. Toàn bộ căn cứ có diện tích khoảng 100 ngàn km2 tương đương với diện tích của tỉnh Giang Tô chủ yếu để làm khu nghiên cứu lý thuyết, phân tích thử nghiệm, chỉ huy các vụ thí nghiệm nổ bom hạt nhân cùng các nhiệm vụ khác…

Bắt đầu từ năm 1960 đã có một số lượng lớn các nhân viên nghiên cứu khoa học và quân nhân đến Mã Lan để xây dựng bãi thử nghiệm hạt nhân Lốp No. Thời gian sau đó, một số lượng lớn các gia đình của các nhân viên nghiên cứu và quân đội đã đến Mã Lan an cư lập nghiệp và bên bờ hồ Bác Tư Đằng xuất hiện một thôn gọi là “thôn Mã Lan”.

Qua một thời gian ngắn khu căn cứ thử nghiệm hạt nhân đã có không dưới 10 vạn nhân viên kỹ thuật và quân đội đến đây làm việc. Các đoàn xe chở vật tư, các máy móc tinh xảo và thiết bị kỹ thuật từ khắp nơi trên toàn quốc ùn ùn đổ về căn cứ Mã Lan.

Những điều ít biết về Mã Lan

Ngày 13 tháng 6 năm 1959, Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc chính thức ra quyết định lấy Mã Lan làm căn cứ thử nghiệm hạt nhân và đây cũng là ngày thành lập căn cứ Mã Lan.

Mã Lan là cơ sở thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc. Ở đây có điều kiện địa lý tuyệt vời, có nguồn nước và không nằm trong vành đai động đất.

Diện tích rộng cách rất xa không có khu dân cư và cho phép khi bom hạt nhân nổ các khu dân cư xung quanh đều nằm trong phạm vi an toàn. Khu vực thử nghiệm các vụ nổ hạt nhân Lốp No ở phía Đông nam Mã Lan rộng khoảng 300 km2 có một con đường chạy thẳng vào khu trung tâm gọi là “Thông Kinh lộ”.

Bắt đầu từ tháng 10 năm 1963 các bộ phận quân đội ở Lan Châu, Thẩm Dương, Tế Nam và Bắc Kinh… liên tục nhận được thông tri điều động “lực lượng đặc biệt” đến một “cơ sở đặc biệt” ở Tân Cương.

Họ cũng không biết “lực lượng đặc biệt” phải làm những gì chỉ biết là trải qua nhiều lần di chuyển đến chỗ này, qua chỗ nọ rồi cuối cùng là đến một nơi thần bí trong sa mạc hoang vu.

Không ai rõ nhiệm vụ của mình là gì nhưng kỷ luật quân đội không cho phép họ thắc mắc, họ chỉ được biết nơi đóng quân là Mã Lan. Các binh sĩ cũng chỉ được báo với gia đình rằng mình có nhiệm vụ “canh gác một căn cứ” và không được nhắc đến cái tên Mã Lan.

Chỉ trong 2 năm, Mã Lan từ một khu hoang vắng ít người biết đến trở thành một trung tâm quân sự có hàng vạn binh sĩ. Với một đội ngũ phát triển mạnh mẽ, quân đội ở đây đã thành lập 124 đoàn xây dựng công trình, 546 bệnh viện, cơ sở hậu cần, xưởng sửa chữa xe cùng với 36 đoàn xe và các đơn vị hóa học.

Quân đội tập kết ở Mã Lan bắt đầu có các nhiệm vụ cụ thể: Kiến thiết doanh trại, canh gác bảo vệ, vận chuyển vật tư thiết bị, huấn luyện hàng ngày, tất cả đều tiến hành một cách có trật tự.

Chứng kiến vụ nổ hạt nhân thành công

Quả bom nguyên tử đầu tiên đã phát nổ thành công vào lúc 3 giờ chiều ngày 16 tháng 10 năm 1964.

Từ ngày 15 tháng 10 năm 1964, tất cả binh sĩ và nhân viên kỹ thuật được lệnh rút về sân bay Khai Bình cách địa điểm thử nghiệm vụ nổ khoảng 80km. Chiều ngày 16 tháng 4 họ được trang bị kính bảo hộ màu đen đứng chờ đợi quả bom nguyên tử huyền thoại phát nổ.

Bí mật bãi thử bom hạt nhân của Trung Quốc - Ảnh 2.

Đám mây hình nấm khi bom nổ.

Vào lúc ba giờ chiều, các sĩ quan binh lính và nhân viên kỹ thuật được lệnh quay lưng về phía bãi thử và bịt tai lại chờ chứng kiến sự thành công của cuộc thử nghiệm. Bỗng nhiên một luồng ánh sáng chói lòa như một mặt trời thứ hai xuất hiện và tiếp theo là một tiếng nổ long trời lở đất từ phía xa truyền lại.

Sau tiếng nổ mọi người mới quay đầu lại. Thông qua kính bảo hộ họ nhìn thấy một quả cầu lửa rất lớn ở phía quả bom nổ. Khi quầng sáng chói lòa tan dần, họ bỏ kính bảo hộ và nhìn thấy khói lửa cuồn cuộn không ngừng bốc lên cao tạo thành một đám mây hình nấm và đám mây hình nấm không ngừng cuộn khói bụi ở dưới mặt đất lên hình thành một cái đuôi dài.

Sau cuộc nổ hạt nhân, các nhà khoa học và binh sĩ nhảy lên vỗ tay reo mừng: “Thắng lợi rồi!”. “Thành công rồi!”. “Mao Chủ tịch muôn năm!” Ngày hôm đó rất nhiều người đã rơi nước mắt và cũng ngay sau đó trong loa truyền thanh vang lên lời động viên của Thủ tướng Chu Ân Lai: “Các bạn đã rất gian khổ!”.

Ngày 16 tháng 10 năm 1964 Trung Quốc đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên ở bãi thử Lốp No, thuộc khu căn cứ Mã Lan, Tân Cương… Ngày 17 tháng 6 năm 1967, Trung Quốc lại thử thành công quả bom khinh khí nhiệt hạch đầu tiên cũng ở bãi thử Lốp No.

Ngày 23 tháng 9 năm 1969 cũng tại bãi thử hạt nhân Lốp No, Trung Quốc đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên ở dưới lòng đất.

Những bí mật chưa được nói

“Được nhìn thấy cảnh tượng vô cùng hùng vĩ, được tham gia nhiệm vụ vô cùng vinh quang, nhưng niềm vui chỉ là niềm vui của riêng mình vì không có cách gì để báo cho người thân biết được, không thể chia sẻ cho người khác nỗi vui mừng này”.

Một cựu binh xuất ngũ từ biệt Mã Lan sau khi kết thúc cuộc thử nghiệm nhưng lại có một nhiệm vụ vĩnh viễn không bao giờ được ngừng nghỉ - đó là thỏa thuận “bảo mật” những quân nhân và nhân viên làm việc ở đây được lệnh giữ bí mật những gì mình đã chứng kiến cho đến khi xuống mồ.

Bí mật bãi thử bom hạt nhân của Trung Quốc - Ảnh 3.

Hiện trường sau vụ nổ.

“Tôi không dám nghĩ rằng sẽ có một ngày được nói điều này”. Hầu hết những cựu chiến binh sau khi phục viên trở về quê hương tiếp tục cuộc sống bình thường đều phải kiên trì với thỏa thuận bí mật, thậm chí một số cựu chiến binh sau khi phục viên sức khỏe có vấn đề có liên quan đến công việc khi làm ở Mã Lan nhưng vẫn không dám nói với bác sĩ là mình làm gì, ở đâu”.

Mãi cho đến năm 90 của thế kỷ 20, khi trên tivi phát một số phim tài liệu như “Tiếng nổ lớn ở phía đông”, “Cờ đỏ năm ngôi sao vàng phấp phới tung bay”… họ mới biết được thời gian ấy là mình đã làm công việc rất bí mật và cuối cùng công việc bí mật đó mọi người cũng sẽ biết.

Thời đó, do yêu cầu bảo mật, đơn vị và nơi công tác phải giữ kín như bưng, trên không được cho bố mẹ biết, dưới không được cho vợ con hay. Điều này cũng đã được cấp trên quy định: “Không có việc thì không viết thư, nếu có việc thì ít viết thư, khi viết thư không được tiết lộ bí mật”. Toàn bộ thư từ đều bị kiểm duyệt trước khi gửi đi.

Thời gian này địa chỉ hòm thư của đơn vị là: Hòm thư 152 Ô Lỗ Mộc Tề, thực tế Ô Lỗ Mộc Tề cách Mã Lan những hơn 500 Km. Lúc đó viết thư về nhà và đợi nhận được thư phản hồi thì phải mất hơn 1 tháng; đặc biệt khi đang chấp hành nhiệm vụ có khi hàng nửa năm không liên lạc được với gia đình.

Mã Lan ngày nay

Trong mấy chục năm, bãi thử Lốp No ở căn cứ Mã Lan đã tiến hành thử thành công hơn một chục vụ nổ hạt nhân để cho Trung Quốc bước vào hàng ngũ những cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này làm cho người Trung Quốc tự hào và các cường quốc khác phải lo ngại.

Bí mật bãi thử bom hạt nhân của Trung Quốc - Ảnh 5.

Mã Lan ngày nay.

Ngày nay, căn cứ Mã Lan đã trở thành một cơ sở giáo dục và cái “thôn Mã Lan” bé nhỏ ngày xưa đã trở thành một thành phố hiện đại điển hình với những rừng cây xanh và những hồ nước trong veo.

Diện tích sinh sống của khu vực Mã Lan rộng khoảng 7km2, các khu vực sinh hoạt được thiết kế như một thành phố thu nhỏ. Qua hơn 30 năm kiến thiết xây dựng, bộ mặt Mã Lan đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Ngày nay rất nhiều du khách đến Mã Lan chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của Mã Lan và tham quan những “di sản” của các cuộc thử bom hạt nhân trước đây.

Hiện nay trên đỉnh hội trường quân đội ở đầu quảng trường Mã Lan có khắc hai chữ màu đỏ “Mã Lan” rất bắt mắt, nó cho du khách biết rằng đây là Mã Lan, là bãi thử hạt nhân của Trung Quốc.

Bây giờ các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã được đình chỉ nhưng cái tên Mã Lan đã trở thành một huyền thoại cũng như bí mật đối với rất nhiều người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại