Trong cuộc phỏng vấn với kênh Sputnik Hàn Quốc, chuyên gia an ninh Lee Suhyeong tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia đã bình luận về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng như tiết lộ điều thực sự ẩn sau chiến lược quân sự của nước này.
Mới đây ngày 12/2, Bình Nhưỡng đã phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung từ một tỉnh ở phía Bắc bay qua quãng đường 480 km rồi rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Với khoảng cách 195 km, Seoul trở thành mục tiêu trong tầm ngắm của Bình Nhưỡng.
Quân đội Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên có thể đã vận dụng loại công nghệ được sử dụng cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) để phát triển loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ phóng tên lửa ngày 12/2. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Theo chuyên gia Lee, chương trình hạt nhân của Triều Tiên không hề đe dọa trực tiếp tới Mỹ (vì quốc gia này nằm cách xa Triều Tiêu và ngoài tầm bắn của tên lửa), mà nhắm đến các đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác.
"Mỹ cần đảm bảo cho sự an toàn của các đồng mình trước tiên để tiến hành tấn công phủ đầu Triều Tiên", ông Lee chia sẻ với Sputnik Hàn Quốc. Đó cũng chính là lý do mà Bình Nhưỡng tập trung mọi nỗ lực để phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Về phương diện này, chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng được dựa trên chiến thuật của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Khi đó, Liên Xô đã chế tạo các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chẳng hạn như SS-4 và SS-5 có khả năng nhắm trúng các đồng minh của Washington ở châu Âu.
Do thiếu công nghệ để phát triển tên lửa chiến lược mạnh tương đương với tên lửa Mỹ cũng như có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ, chính phủ Liên Xô đã quyết định ngăn chặn khả năng tấn công phủ đầu của Mỹ bằng cách chế tạo một thứ vũ khí có thể tấn công những đồng minh thân cận của Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo (phải) thăm Bộ Chỉ huy Không quân tại Icheon ngày 13/2 nhằm nâng cao cảnh giác trước khả năng Bình Nhưỡng thực hiện các hành động khiêu khích. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Ông Lee Suhyeong cho rằng chiến lược trên đã được giới chức Triều Tiên áp dụng cho chiến lược hạt nhân của nước này.
"Nếu Washinton không đảm bảo an toàn cho đồng minh thì một cuộc tấn công phủ đầu sẽ trở thành điều không thể và đây chính là ý tưởng chủ đạo mà chiến lược quân sự của Triều Tiên dựa vào", chuyên gia Lee lý giải.
Triều Tiên tự tuyên bố nước này là một cường quốc hạt nhân từ năm 2005. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với Nga và Trung Quốc đã tham dự bán đàm phán 6 bên với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên trong khoảng thời gian từ năm 2003 - 2009. Sau đó, Bình Nhưỡng đã rút khỏi bàn đàm phán.
Theo bài viết đăng trên trang mạng của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor (Mỹ) ngày 20/2, Triều Tiên vẫn nỗ lực phát triển khả năng đánh chặn toàn diện bằng vũ khí hạt nhân và hiện nước này đang đạt được nhiều tiến bộ.
Stratfor nhận định vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung hôm 12/2, mà Triều Tiên xác nhận là "thành công", đã chứng tỏ Bình Nhưỡng đã đạt được mục tiêu từng một thời xa vời và một số vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của quốc gia này đã khiến dư luận khu vực quan ngại.