Nga có khoảng 40 thành phố khép kín với 1,5 triệu người đang sống trong bí mật.
Theo RBTH, thành phố khép kín là một phần di sản của Liên Xô trong quá khứ. Khi Liên Xô tham vọng cạnh tranh với Mỹ về mặt quân sự, nhiều thành phố khép kín đã được thành lập, trở thành nơi nghiên cứu, phát triển vũ khí và công nghệ quân sự bí mật.
Những thành phố khép kín không được đánh dấu trên bản đồ và sự tồn tại của chúng được giữ bí mật với người nước ngoài và ngay cả công dân Liên Xô. Cư dân tại đây làm việc tại các nhà máy bí mật và không ai có thể ra vào mà không có giấy phép đặc biệt. Đổi lại, chính phủ cung cấp cho những người này căn hộ, đảm bảo việc làm, thực phẩm và dịch vụ y tế ưu đãi.
Cho đến ngày nay, gần 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga vẫn duy trì tình trạng bí mật của một số thành phố. Dưới đây là 5 thành phố khép kín vẫn đang tồn tại.
1. Norilsk
Băng giá, nhiệt độ cực thấp và những đêm dài không có ánh sáng mặt trời là những gì mà cư dân của thành phố khai thác mỏ phía Bắc Vòng Bắc Cực này đang trải qua.
Norilsk hiện là trung tâm khai thác công nghiệp của Nga, được thành lập vào những năm 1920, khi chính phủ Liên Xô quyết định khai phá và tận dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú trong khu vực.
Norilsk có khí hậu khắc nghiệt với những đêm dài đằng đẵng.
Trong quá khứ, các tù nhân trong trại cải tạo được điều đến tổ hợp khai thác và luyện kim ở Norilsk. Nhiều người trong số họ đã chết vì khí hậu và điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Mặc dù có tầm quan trọng chiến lược, Norilsk không phải là một thành phố khép kín cho đến năm 2011, khi chính phủ Nga tuyên bố rằng tình trạng mới của thành phố sẽ giúp cải thiện điều kiện sống của cư dân, vì họ sẽ được hưởng thêm các phúc lợi xã hội dành riêng cho các thành phố khép kín.
Tuy nhiên, khi quy chế mới có hiệu lực, nó cũng hạn chế người nước ngoài tiếp cận với khu công nghiệp này ở vùng băng giá vĩnh cửu Siberia.
Để vào một trong những thành phố khắc nghiệt nhất trên Trái đất hiện nay, bất kỳ người nước ngoài nào, kể cả các nhà báo, đều phải xin giấy phép trước và cũng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ được cấp.
2. Zheleznogorsk
Zheleznogorsk.
Ban đầu được gọi là Krasnoyarsk 26, thành phố khép kín này được thành lập vào năm 1950 để sản xuất plutonium cho vũ khí. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành nghiên cứu và phát triển các hệ thống vũ trụ, trong đó có chương trình định vị toàn cầu GLONASS nổi tiếng - một giải pháp thay thế GPS do Mỹ phát triển.
Một số nguồn tin nói rằng thành phố có các cơ sở hạt nhân giống như trong các bộ phim, được xây dựng bên trong các hang động có những ngọn núi bao quanh - được thiết kế để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân.
Những thông tin truyền miệng cho biết, những nỗ lực thâm nhập của các cơ quan tình báo nước ngoài vào thành phố không bao giờ thành công.
3. Znamensk (Kapustin Yar)
Znamensk.
Thành phố này bị đóng cửa vì một lý do đơn giản, nó là khu định cư chính ở vùng lân cận Kapustin Yar, một địa điểm phóng và phát triển tên lửa của Nga ở vùng Astrakhan.
Bãi phóng tên lửa được xây dựng vào cuối những năm 1940 và được sử dụng làm nơi thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Liên Xô trước khi được chuyển thành trung tâm vũ trụ vào năm 1962 để phóng các vệ tinh nghiên cứu loại nhỏ.
Những thử nghiệm quân sự bí mật tại đây đã tạo ra những tin đồn dai dẳng về sự xuất hiện của UFO trong khu vực. Một số người cho rằng một vụ tai nạn UFO đã xảy ra ở thành phố vào những năm 1950, so sánh nơi đây với những địa điểm UFO nổi tiếng khác như ở Roswell của Mỹ.
Trong những năm đầu của cuộc chạy đua không gian giữa Mỹ và Liên Xô, cũng có những suy đoán chưa được xác thực về việc Liên Xô đã cố gắng đưa người lên vũ trụ trước cả Yuri Gagarin. Znamensk chính là nơi được chỉ định thực hiện những vụ phóng bí mật này.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, địa điểm này tạm thời không còn hoạt động, nhưng nó bắt đầu hoạt động trở lại vào năm 1999, khi quân đội Nga được tái triển khai đến Kapustin Yar.
4. Sarov
Sarov.
Ở thời kỳ Sa hoàng, Sarov được biết đến như một thánh địa, nơi có một tu viện cổ được xây dựng bên cạnh sông Sarov. Sau cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917, thánh địa đã bị tháo dỡ.
Vài năm sau, địa điểm này được chuyển thành một trong những khu vực bí mật và chiến lược quan trọng nhất của toàn Liên bang Xô Viết. Chính tại đó, nhà khoa học vật lý hạt nhân Liên Xô Igor Kurchatov đã phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô, còn được gọi là RDS-1 hoặc Thiết bị 501.
Vào thời điểm đó, Sarov đã biến mất khỏi tất cả các bản đồ và không ai được phép ra vào thành phố mà không có sự cho phép đặc biệt, trừ những người tham gia dự án bí mật.
Ngày nay Sarov vẫn là một thành phố khép kín, vì viện nghiên cứu được xây dựng trên cơ sở những thí nghiệm đầu tiên của Liên Xô với vũ khí nguyên tử vẫn còn hoạt động.
Tuy nhiên, người ngoài giờ đây có thể dễ dàng "xâm nhập" thành phố hơn. Họ sẽ được yêu cầu giao hộ chiếu, điện thoại và máy ảnh trước khi bước chân vào.
5. Severomorsk
Severomorsk.
Thành phố phía Bắc Vòng Bắc Cực này là một căn cứ của Hạm đội Phương Bắc thuộc hải quân Nga và được coi là tiền đồn phòng thủ chiến lược của Nga ở Bắc Cực.
Mặc dù căn cứ hải quân đã hoạt động từ những ngày đầu thời kỳ Liên Xô, thành phố chỉ nhận được quy chế của một thành phố khép kín vào năm 1996, sau khi Liên bang Xô viết tan rã.
Chính từ Severomorsk, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov nổi tiếng đã được điều động tham gia chiến dịch Syria của Nga năm 2017.
Trong thành phố có đầy đủ các bảo tàng dành riêng cho lịch sử của Hải quân Nga. Nơi đây có khí hậu khắc nghiệt và độ ẩm cao, bóng tối kéo dài 24 giờ một ngày từ đầu tháng 12 đến giữa tháng 1.
Tuy nhiên, không người nước ngoài nào được phép tận hưởng những điều kỳ diệu của đêm vùng cực tại thành phố.