Tôi sẽ nhớ mãi cái ngày xin nghỉ việc ở công ty cũ. Tôi đắn đo rất lâu trước khi soạn tâm thư gửi cho chị quản lý. Trong đó, tôi chẳng những trình bày lý do muốn tạm dừng công việc mà còn bày tỏ sự biết ơn, thiện chí hỏi xem liệu sự biến mất đột ngột của mình có ảnh hưởng đến công ty hay không? Tuy nhiên, rất nhanh, chị gửi lại cho tôi vỏn vẹn một dòng: “Nếu em cảm thấy không làm được nữa thì cứ nghỉ ngơi đi.”
Vốn rất có cảm tình với công việc và công ty vì dù sao thì đây cũng là nơi tôi đầu tiên tôi làm khi ra trường và chỉ còn 5 ngày nữa sẽ tròn 3 năm gắn bó. Vậy mà, lời đồng ý cho nghỉ việc chóng vánh khiến tôi hụt hẫng suốt mấy tuần liền. Tôi nói lời tạm biệt tới các thành viên trong nhóm và nhận lại được những “cái tym”. Tôi lên công ty xin lại giấy tờ, gặp những người đã cùng làm việc với mình ở thang máy, họ chỉ gật đầu đáp lại lời chào của tôi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels.
Trước nay được gọi là “cùng hội cùng thuyền”, phối hợp công việc nhịp nhàng, luôn nằm trong top đầu của công ty. Chỉ có điều, chúng tôi chưa bao giờ chia sẻ về cuộc sống, đời tư cá nhân của nhau. Tôi phải nhập viện vì chạy deadline, đồng nghiệp sẽ lo lắng vì phải gánh thêm phần công việc, sếp thì sợ bị sếp tổng hỏi han. Nhà đồng nghiệp có tang, chúng tôi vào bình luận gửi lời chia buồn giống y chang nhau.
Công thức trò chuyện hằng ngày của nhóm chúng tôi chỉ là “Xong việc này chưa em”, “Bao giờ gửi lại thế”, “Có gửi nhanh lên không đến hạn rồi”, “Chị đã nhận được rồi nhé”, “Ôi sao lại như này, phải sửa nhanh đi”...
Nếu như thấy tình huống phía trên rất giống với chuyện ở nơi làm việc của bạn, không cần nghi ngờ gì nữa, tôi đang kể về nơi đó đó. Còn nếu như bạn thấy nhân vật là chính mình, cũng đừng nghĩ ngợi quá nhiều. Câu chuyện ở trên là do xâu chuỗi một loạt sự việc và kết hợp với trí tưởng tượng phong phú của người viết. Nhưng quả thật, ở chốn văn phòng đang tồn tại một tình trạng như vậy.
TÌNH TRẠNG PHỔ BIẾN Ở CHỐN VĂN PHÒNG ĐƯỢC GỌI TÊN
Mỗi người sinh ra và lớn lên đều có hoàn cảnh sống, môi trường sống và định hướng giáo dục khác nhau. Từ đó cũng hình thành nên những suy nghĩ, quan điểm và tính cách khác biệt. Mà ở môi trường công sở là nơi quy tụ hàng loạt mảnh ghép trái tính trái nết.
Ảnh minh họa. Nguồn: Karolina Grabowska
Nếu như bạn gặp đúng mảnh ghép khớp với mình thì hai người sẽ trở thành đồng nghiệp tốt, thậm chí thân nhau như người cũng gia đình. Lúc ấy, hai bên sẽ cởi mở chia sẻ về và hỗ trợ nhau trong công việc lẫn cuộc sống. Nhiều nghiên cứu trong tâm lý học cũng cho rằng có bạn thân trong công việc sẽ làm tăng sự hài lòng và hiệu quả, hiệu suất làm việc.
Ngay chính nhân vật ở phần đầu cũng thừa nhận, trong công việc, họ đã phối hợp cực kỳ ăn ý và đạt được thành tích cao. Tuy nhiên, không khó để nhận ra giữa người nhân viên ấy và các đồng nghiệp hoàn toàn không có sự kết nối nào. Do đó, việc bạn đi hay ở lại cũng không ảnh hưởng tới cơm áo gạo tiền nhà người ta. Thậm chí, bạn đi rồi, người ta lại đỡ phải vất vả cạnh tranh cơ hội làm việc.
“Tôi rất yêu thích công việc đó nhưng tôi không thể chịu đựng được cảm giác xa cách giữa các thành viên trong team.”, Hồng Hạnh - một nhân viên sáng tạo nội dung vừa quyết định nghỉ việc bộc bạch.
Và mỗi khi có những câu chuyện tương tự như trên được chia sẻ ở các hội nhóm thì dân văn phòng lâu năm thường thở dài gọi đây là tình trạng “Đi làm là đồng nghiệp tốt, tan làm không quen biết”.
LÀ BÍ KÍP GIÚP DÂN VĂN PHÒNG "NÉ" DRAMA
Thông thường, con người có 4 kiểu tính cách phổ biến, được gọi tên bằng 4 con vật: sư tử là chúa tể sơn lâm, bá đạo, tượng trưng cho tính cách ái kỷ; con công hay xòe đuôi khoe bộ lông sặc sỡ, tượng trưng cho tính cách kịch tính, luôn muốn được lên sàn diễn; cú là biểu hiện của sự uyên thâm, tượng trưng cho kiểu người muốn theo đuổi sự hoàn hảo; gấu túi lúc nào cũng ôm chặt lấy thân cây, đương nhiên mang hàm ý chỉ người thích ỷ lại.
Ảnh minh họa. Nguồn: Karolina Grabowska.
Nếu như ở văn phòng của bạn có người luôn cố tình tạo ra những khung cảnh để bản thân tỏa sáng nhất,thích làm quá, đi đến đâu cũng nhận bạn bè rồi “buôn dưa lê” về mọi drama trên đời, thì khả năng cao người đồng nghiệp này thuộc kiểu tính cách kịch tính đấy. Nhưng lúc này, vấn đề “đi làm là đồng nghiệp tốt, tan làm không quen biết” cũng không phải là một quan điểm tiêu cực.
Tiến sĩ - bác sĩ Lâm Dục Hiên, một chuyên gia tâm lý người Đài Loan có nhiều năm kinh nghiệm đi làm công sở đã gọi vấn đề trên là một bí kíp giúp dân văn phòng “trị” người thuộc kiểu tính cách kịch tính. Trong cuốn sách Giải Mã Chốn Văn Phòng, ông nhận định: “Câu này nói ra thì dễ nhưng thực hiện rất khó. Khó ở chỗ đồng nghiệp tốt rất dễ biến thành bạn thân, ranh giới giữa việc công và việc tư nhiều lúc không thể phân định rõ ràng.”
Một tình trạng thường thấy trong nhiều công ty ở Việt Nam là các vị sếp rất thích tiệc tùng, nhậu nhẹt sau mỗi giờ làm việc, đã thế còn yêu cầu phòng ban nào cũng phải có người tham gia. Thế rồi, các nhân viên lại chia ca cho nhau, người nào còn độc thân thì bắt buộc phải đi, ai đã có gia đình sẽ được miễn, tự động ở nhà.
Song, có 2 câu hỏi lớn được đặt ra: Đi nhậu có phải là công việc không? Nếu là công việc thì bắt buộc toàn bộ nhân viên phải có mặt chứ? Còn nữa, chuyện ai có gia đình, có con hay chưa tại sao lại thành tiêu chí để phân chia khối lượng công việc?
Do vậy, để rõ ràng giữa việc công và việc tư, chúng ta nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như việc sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng chẳng hạn. Nếu như đã để Facebook, Telegram, Zalo cho công việc, thì bạn không nên khoe những bức hình đi ăn, đi chơi, đi “quậy đục nước” cùng bạn bè và gia đình. Và nếu chọn Instagram hay Zalo cho chuyện riêng tư thì bạn cũng phải cân nhắc có nên sáng nào cũng up hình chụp trong thang máy công ty hay đi gặp đối tác?
CÓ NÊN THÂN THIẾT VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Trần Thương Thương (25 tuổi) cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể cân bằng giữa việc làm đồng nghiệp tốt và làm bạn tốt ngoài đời: “Khoảng thời gian 2 năm trước, tôi quyết định rời Hà Nội vào làm cho chi nhánh ngân hàng ở Vũng Tàu. Lúc mới đến, tôi luôn cảm thấy lạc lõng, bơ vơ ở một thành phố xa lạ. Và nếu như không có những người đồng nghiệp niềm nở, nhiệt tình giúp đỡ tôi hòa nhập thì chắc là tôi đã mua vé về lại lâu rồi.”
“Đương nhiên, mỗi người đều có những bí mật không thể nói ra, nhưng chúng tôi vẫn luôn cùng nhau đi ăn, mua sắm, du lịch và chia sẻ về những khó khăn trong cả công việc lẫn chuyện tình cảm, gia đình. Các chị đồng nghiệp còn giới thiệu đối tượng cho tôi”, nữ nhân viên ngân hàng chia sẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Artem Podrez.
Lê Phước (35 tuổi) cũng thừa nhận trong hơn 10 năm đi làm, anh nhiều lần gặp phải tình trạng trên: “Có một số người như thế, riêng tôi thì không. Đã quen nhau thì gặp nhau chào một chút và nở nụ cười thật tươi, con người chứ có phải rô bốt đâu mà cố tỏ ra vô tri. Bạn có thể đi ăn trưa, tán dóc cùng đồng nghiệp nhưng không nhất thiết phải mời họ về nhà."
Làm nhân viên IT, Nguyễn Đức Toàn (32 tuổi) nhận thấy mình là người hướng nội, ngại chia sẻ và cũng không thích bị quan tâm quá nhiều: “Tôi thấy duy trì quan hệ vừa thân - vừa lạ như này cũng hay. Trong công việc, tôi sẽ dùng thực lực để so kè với các đồng nghiệp ở một công việc, nhiệm vụ cụ thể. Còn ngoài đời, tôi muốn cuộc sống của mình được tôn trọng nên tôi cũng phải tôn trọng mọi người trước.”
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề “đi làm là đồng nghiệp tốt, tan làm không quen biết”, song, người viết cho rằng, quan trọng nhất là ở suy nghĩ của mỗi người. Tuy cần hòa nhập với đồng nghiệp và môi trường văn phòng nhưng nếu cố biến mình thành một con người khác hẳn bạn sẽ rất mệt. Mà tình bạn thật sự với đồng nghiệp cũng chỉ có khi bạn là chính mình.