Bỉ, Hà Lan và Luxembourg luân phiên tuần tra không phận ba nước

Từ 1/1/2017, máy bay quân sự F-16 của Bỉ và Hà Lan sẽ luân phiên tuần tra bảo vệ bầu trời cho khối Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), theo một quyết định được thông qua ngày 21/12 vừa qua tại thành phố Rotterdam, Hà Lan.

Kể từ ngày 1/1, các phi đội máy bay tuần tra của Bỉ và Hà Lan sẽ hỗ trợ lẫn nhau và thay phiên nhau đảm nhiệm việc giữ gìn an ninh không phận của ba nước Benelux. Đợt đầu từ 1/1 đến 10/5, hai máy bay tiêm kích của Bỉ sẽ đảm trách nhiệm vụ trên.

Trong thời gian này, máy bay của Hà Lan sẽ được huy động cho các sứ mệnh khác, có thể là phục vụ các nhiệm vụ quốc tế. Trong bốn tháng tiếp theo, Hà Lan sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ bầu trời chung và sau đó tiếp tục luân phiên.

Khi máy bay của Hà Lan bay vào không phận Bỉ sẽ phải tuân thủ sự chỉ huy của giới chức Bỉ và ngược lại. Do Luxembourg không có lực lượng không quân nên sẽ nhận được sự hỗ trợ của hai nước Bỉ, Hà Lan.

Trước đó, Hà Lan đã có đội tuần tra của riêng mình dưới tên gọi QRA (đội phản ứng nhanh khẩn cấp), bao gồm 2 máy bay F-16 cùng một số lực lượng hỗ trợ. Những máy bay này phải luôn sẵn sàng cất cánh trong vòng tối đa 15 phút và trực chiến 24/24 giờ tất cả các ngày trong năm.

Bỉ, Hà Lan và Luxembourg luân phiên tuần tra không phận ba nước - Ảnh 1.

Máy bay tiêm kích F-16. Ảnh: EPA/TTXVN

Bỉ cũng bố trí 2 chiến đấu cơ làm nhiệm vụ tuần tra và đảm nhiệm thêm cả không phận Luxembourg. Nhiệm vụ của các máy bay tuần tra tương đối nặng nề. Trước tiên, họ phải thực hiện các nhiệm vụ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), ví dụ như chặn các máy bay quân sự trên bầu trời biển Bắc.

Ngoài ra, các máy bay chiến đấu này cũng làm nhiệm vụ bảo vệ không phận Bỉ với việc ngăn chặn các máy bay xâm nhập vào không phận Bỉ mà không được phép hoặc hỗ trợ các máy bay dân sự gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, các phi đội này cũng thực hiện chức năng chống lại những âm mưu khủng bố giống kịch bản vụ 11/9 tại Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Laurence Mortier cho biết nhiệm vụ của phi đội tuần tra là phải bay đều đặn, tuy nhiên ông không thể tiết lộ tần suất bay của những máy bay này.

Việc hợp tác quân sự chung giữa ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg ít nhiều cho thấy sự trở lại của khối Benelux trên trường quốc tế. Từ khi Liên minh châu Âu (EU) ra đời, vai trò trên thực tế của khối Benelux đã bị lu mờ đáng kể.

Theo nhà sử học Pascal Deloge, khối Benelux là một cơ cấu ít nhiều đã lỗi thời. Dù ba nước vẫn đạt được thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể trong khuôn khổ liên minh Benelux nhưng sẽ không có chuyện quay lại kiểu gắn kết như trước đây.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại