Máy bay, tên lửa hành trình không kích dồn dập: Iraq, Lybia,... đồng loạt sụp đổ

Xuân Tuyên |

Đồng minh sử dụng 400 tên lửa hành trình phóng từ biển, 100 tên lửa từ trên không, gần 2.500 vũ khí chính xác cao chỉ trong 2 ngày (22-23/3/2003), Iraq mất sức kháng cự hoàn toàn.

Quá trình phát triển của nghệ thuật quân sự cho thấy sự thay đổi liên tục các phương pháp tiến hành chiến tranh, chiến dịch và chiến đấu để tìm cách sử dụng lực lượng và phương tiện hợp lý hơn. Sự phát triển này có cấu trúc tuần hoàn, trong đó mỗi chu kỳ đều phát triển theo vòng xoáy ốc.

Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 được đánh dấu bằng hàng loạt cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang quy mô lớn. Đương nhiên, mỗi cuộc chiến kể trên nói về vấn đề sử dụng lực lượng và phương tiện đều có đặc điểm riêng.

Tuy vậy, những năm gần đây việc tiến hành những cuộc chiến đó ngày càng có nhiều điểm chung – đó là những nét đặc trưng của nghệ thuật quân sự hiện đại.

Tác chiến hiện đại: Không kích dồn dập, đập tan sức kháng cự

Trong những thập kỷ gần đây, chiến dịch đường không (CDĐK) trở thành một phần quan trọng của chiến tranh cục bộ, nó mở màn cho các cuộc chiến trên bộ, nhằm tiêu diệt các mục tiêu then chốt của cơ sở hạ tầng và cơ quan chỉ huy của đối phương, chiếm ưu thế trên không và giảm tối đa khả năng đánh trả của các cụm quân địch.

Để giải quyết nhiệm vụ này, đòn tiến công đường không được tiến hành và thực hiện chiến dịch chế áp điện tử…. Thời gian và cơ cấu của CDĐK có thể rất khác nhau.

Ví dụ, CDĐK trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 kéo dài gần 1 tuần (từ 17/1 đến 23/2/1991) chia làm 3 đợt chiến dịch. CDĐK thứ nhất (17-19/01/1991) thực hiện trinh sát chi tiết đối phương và đánh đòn tập trung nhằm chiếm ưu thế trên không.

Sau đó, từ 20/01 đến 10/02/1991, không quân hoạt động chiến đấu có hệ thống nhằm tiếp tục thăm dò đối phương và tiêu diệt các mục tiêu được phát hiện. Và cuối cùng, giai đoạn từ 11-23/02/1991 không quân tập kích các mục tiêu còn sót, lọt, chưa tiêu diệt được.

Máy bay, tên lửa hành trình không kích dồn dập: Iraq, Lybia,... đồng loạt sụp đổ - Ảnh 1.

"Con đường chết chóc" của Quân đội Iraq.

Nhiệm vụ đánh phá chủ yếu của chiến dịch này do đợt đầu tiên đảm nhiệm. Đợt này chỉ kéo dài 3 ngày đêm (từ 17 đến 19/01) và chỉ có một trận tập kích đường không tập trung bằng tên lửa và 6 trận đánh tập trung của không quân.

Trong ngày đầu tiên diễn ra một trận tập kích bằng tên lửa và hai trận của không quân (100 quả tên lửa phóng từ biển và 1.300 phi vụ) nhằm tiêu diệt và chế áp hệ thống phòng không của Irắc, phá hủy hệ thống điều hành quốc gia và chỉ huy quân sự, tiêu diệt các mục tiêu công nghiệp quốc phòng, khu vực bố trí tên lửa chiến thuật-chiến dịch và sân bay.

Ngày thứ hai, không quân đánh 2 trận tập trung (1.100 phi vụ) với mục đích tiến hành trinh sát đường không, tiêu diệt các mục tiêu công nghiệp quốc phòng, đánh phá các khu vực đóng quân, phá hủy kỹ thuật chiến đấu, tiếp tục đánh các mục tiêu còn sót lại sau các trận tập kích trước.

Sang ngày thứ ba, cũng diễn ra 2 trận đánh của không quân (900 phi vụ) với nhiệm vụ trinh sát đường không, đánh phá các khu vực đóng quân, phá hủy kỹ thuật chiến đấu, cũng như tiếp tục đánh các mục tiêu còn sót lại sau các trận tập kích trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia phương Tây, hiệu quả chiến dịch rất cao. Không quân đồng minh đã chế áp thành công tới 70-80% hệ thống phòng không của đối phương, giành ưu thế trên không, phá hủy 50% sở chỉ huy và 30% hệ thống cầu, đường. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu diệt sinh lực không cao vì nhiều trận đã đánh nhầm mục tiêu giả.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch "Con cáo sa mạc" của cuộc chiến chống Irắc năm 1998, quân đội đồng minh đã tiến hành chiến dịch tiến công đường không trong vòng 4 ngày đêm với 9 trận đánh bằng tên lửa.

Trong chiến dịch này có tới 400 quả tên lửa hành trình được phóng, tiến hành 630 phi vụ máy bay chiến dịch và chiến thuật, kết quả tiêu diệt hơn 100 mục tiêu quan trọng của đối phương.

Vào ngày đầu của chiến dịch, với khoảng cách thời gian 3 tiếng diễn ra 2 trận đánh với 200 tên lửa hành trình và 70 phi vụ, tiêu diệt 50 mục tiêu của đối phương.

Trong cuộc chiến tranh Nam Tư, lực lượng NATO (chiến dịch "Sức mạnh đồng minh") đã tiến hành CDĐK kéo dài 78 ngày đêm, sử dụng tới 870 tên lửa hành trình các loại, thực hiện 30 nghìn phi vụ.

Chiến dịch tiến công đường không đầu tiên diễn ra trong 2 ngày đêm (24-25/3/1999) và có 2 trận đánh bằng tên lửa. Đội hình chiến đấu của mỗi trận gồm 3 lớp như sau: lớp tên lửa hành trình, lớp đột phá hệ thống phòng không và lớp tiến công.

Máy bay, tên lửa hành trình không kích dồn dập: Iraq, Lybia,... đồng loạt sụp đổ - Ảnh 2.

Xác máy bay tàng hình F-117A bị PK-KQ Nam Tư bắn rơi.

Trận đánh bằng tên lửa đầu tiên đã phóng 66 tên lửa phóng từ biển, 48 tên lửa từ trên không và thực hiện 190 phi vụ. Trận thứ hai – 117 tên lửa phóng từ biển, 32 tên lửa phóng từ trên không và thực hiện gần 100 phi vụ.

Chiến dịch đường không đầu tiên này đạt kết quả mỹ mãn. Sau chiến dịch, lực lượng phòng không của Nam Tư đã mất sức kháng cự đến mức để mặc không quân đồng minh NATO oanh kích không chỉ các mục tiêu quân sự mà cả các cơ sở công nghiệp và hạ tầng trên toàn lãnh thổ Nam Tư.

Hoạt động chiến đấu của lực lượng đa quốc gia diễn ra ở Afghanistan năm 2001 (chiến dịch "Tự do bền vững" bắt đầu bằng các trận đánh bằng tên lửa vào ban đêm từ ngày 7 đến 8/10/2001). Trận đầu tiên kéo dài gần 1 ngày đêm có 2 loạt đánh bằng tên lửa.

Đội hình của loạt đánh tên lửa thứ nhất có 15 máy bay ném bom chiến lược và 25 máy bay tấn công của không quân hải quân, loạt thứ hai có 8 máy bay ném bom chiến lược và 15 máy bay tấn công.

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra loạt trận đánh này còn có 65 tên lửa hành trình được phóng từ biển và trên không. Kết quả của trận đầu tiên này là đồng minh đã tiêu diệt 85% trong số 31 mục tiêu đã định.

Trận thứ hai diễn ra trong 2 ngày 9-10/10/2001 trong phạm vi bắt đầu chiến dịch không-bộ ở Mazar al Sharif với 2 loạt trận không kích và kết quả là đã phá hủy hệ thống phòng không của Afghanistan.

Sau đó, Không quân Mỹ chuyển sang hoạt động chiến đấu có hệ thống, tiến hành cuộc chiến tranh tiêu hao. Không quân mỗi ngày thực hiện 10 phi vụ chiến đấu, tiến hành trinh sát và đánh các mục tiêu riêng lẻ.

Năm 2003, trong chiến dịch "Tự do cho Irắc", lực lượng đồng minh tiến hành chiến dịch tiến công đường không trong 2 ngày (22-23/3/2003) bằng 2 trận đánh với 400 tên lửa hành trình phóng từ biển, 100 tên lửa từ trên không, gần 2,5 nghìn vũ khí chính xác cao và thực hiện tới 4 nghìn phi vụ.

Cuộc chiến tranh chống Libya của các nước đồng minh dưới hình thức chiến dịch đường không kéo dài hơn 7 tháng (từ 18/3 tới 1/10/2011). Trong quá trình chiến dịch, không quân đồng minh thực hiện gần 24 nghìn phi vụ, trong đó có 8.941 phi vụ chiến đấu.

Chiến dịch đường không được bắt đầu bằng hoạt động tiến công đường không diễn ra từ 19-21/3/2011 gồm 3 trận oanh kích bằng tên lửa. Ngày 19/3 tàu của hải quân Mỹ và Anh phóng 112 quả tên lửa Tomahawk, tiêu diệt 20 trong tổng số 22 mục tiêu đã định.

Những ngày tiếp theo, gánh nặng nhiệm vụ đè lên vai lực lượng không quân. Kết quả của chiến dịch tiến công đường không là chế áp thành công hệ thống phòng không của Libya và các sở chỉ huy chính của quân đội chính phủ.

Tiếp theo, lực lượng đồng minh tiến hành hàng loạt trận tập kích bằng không quân cả ngày lẫn đêm. Lãnh thổ Libya thực tế đã trở thành bãi thử nghiệm các loại vũ khí hàng không mới của NATO.

Chẳng hạn, lần đầu tiên các vũ khí trang bị sau được sử dụng như: tên lửa hành trình chiến thuật Tomahawk Block IV, máy bay tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon với tên lửa hành trình Storm Shadow, tên lửa chính xác cao AASM để tiêu diệt xe bọc thép.

Máy bay, tên lửa hành trình không kích dồn dập: Iraq, Lybia,... đồng loạt sụp đổ - Ảnh 3.

Binh sĩ Mỹ tiến vào Thủ đô Baghdad, Iraq tháng 4/2003.

Biến hóa khôn lường

Trong một số cuộc chiến tranh cục bộ, để củng cố kết quả có được trong chiến dịch đường không, tiêu diệt các cụm quân và chiếm các mục tiêu then chốt trên lãnh thổ đối phương, chiến dịch không-bộ được tiến hành.

Thực chất, chiến dịch này là phương thức chính để chống đối phương phòng ngự cơ động, được sử dụng thành công sau chiến tranh Arập-Israel năm 1973 vì nó bảo đảm đồng thời tiêu diệt địch trong suốt chiều sâu đội hình và ngăn cản mọi sự cơ động của lực lượng và phương tiện trong quá trình chiến dịch.

Chiến dịch không-bộ là sự kết hợp giữa bao vây theo chiều thẳng đứng và cạnh sườn các cụm quân đối phương đồng thời tiêu diệt các cụm quân lớn hơn. Sử dụng không quân để trinh sát và đấu tranh điện tử, đánh phá các mục tiêu còn sót lại và các mục tiêu mới xuất hiện, đổ quân đổ bộ đường không.

Bộ binh cơ động nhanh theo chiều sâu qua những khoảng vỡ đội hình chiến đấu của đối phương và tiến hành bao vây các khu vực (mục tiêu) quan trọng. Trong trường hợp này đã thiếu một mặt trận tiến công thống nhất. Bộ binh tấn công các cụm quân chiến đấu chiến thuật riêng rẽ theo các hướng chiến dịch.

Sử dụng tốp nhỏ quân đổ bộ đường không, thực hiện đột kích, đánh vu hồi, bao vây lực lượng địch để không quân lục quân đánh tiêu diệt theo lệnh gọi. Đồng thời, không quân lục quân mở đường cho các tốp chiến thuật bằng cách thông báo cho chỉ huy về tình hình địch, về các lỗ hổng trong đội hình chiến đấu.

Máy bay, tên lửa hành trình không kích dồn dập: Iraq, Lybia,... đồng loạt sụp đổ - Ảnh 4.

Thủy quân lục chiến Mỹ tập kết ở Kuwait, chuẩn bị tràn sang Iraq năm 2003.

Thông tin nhận được ngay lập tức được xử lý và sử dụng để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu đặt ra. Lúc này nhiệm vụ trước hết không phải là đánh tan các cụm quân lớn của đối phương mà cần đẩy nhanh nhịp độ theo chiều sâu và đánh chiếm các khu vực phòng thủ then chốt của chúng.

Một số trường hợp riêng biệt (chiến dịch ở Afghanistan năm 2011), sau khi tiến hành các chiến dịch lớn, Quân đội Mỹ chuyển sang thực hiện các chiến dịch đặc biệt.

Mục đích chính của họ là đánh chiếm các khu vực (mục tiêu) then chốt của Afghanistan để xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ (Nam Kandahar, Bagram) và tiêu diệt thủ lĩnh và đội quân Al-Qaeda (Tora-Bora).

Tóm lại, các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 đều có đặc điểm chung là tiến hành chiến dịch đường không và sử dụng hàng loạt vũ khí chính xác cao, chiến dịch không-bộ, chiến dịch đặc biệt và sử dụng rộng rãi các tốp chiến thuật.

Việc tác động lên đối phương bằng các trận tập kích tập trung bằng tên lửa và đánh từ trên không đã không chỉ có ý nghĩa quyết định mà còn trở thành biện pháp chính để đạt mục tiêu chính trị-quân sự của cuộc chiến.

Có lẽ, xu hướng này sẽ vẫn được duy trì trong tương lai. Hiện tại, hoạt động của bộ binh trong phạm vi chiến dịch không-bộ hoặc chiến dịch đặc biệt vẫn không mất tính cấp thiết. Ở đây, chiến dịch đặc biệt có ưu thế trong chiến đấu với các đơn vị vũ trang bất hợp pháp, với các nhóm khủng bố và những tên cầm đầu.

Hoạt động mạnh mẽ của các cụm quân chiến đấu hiệp đồng với quân đổ bộ đường không chiến thuật bảo đảm hiệu quả cao của các chiến dịch quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại