Công trình có lượng đất bằng 4.000 kim tự tháp Giza: Chủ nhân lại không phải con người?

Nguyễn Hằng |

Nằm trong vùng đồng cỏ ở phía đông bắc Brazil, các nhà khoa học ngỡ ngàng khi phát hiện quy mô của 200 triệu gò mối cao hàng nghìn năm tuổi có diện tích bằng nước Anh.

Đặc biệt, chủ nhân của "công trình" khổng lồ này lại là những con mối. Theo báo cáo đăng trên tạp chí Current Biology, các nhà nghiên cứu khám phá ra vùng đất có tới 200 triệu gò mối có niên đại gần 4.000 năm, bao phủ diện tích khoảng 230.000km2 trong môt khu vực tương đối yên tĩnh ở đông bắc Brazil.

Cụ thể, mỗi gò đất cao khoảng 2,5 mét, rộng 9 mét, và được xây dựng từ hàng nghìn năm trước nhờ vô số những con mối.

Stephen Martin, tác giả của nghiên cứu mới, đồng thời là giáo sư, chuyên gia về côn trùng học tại ĐH Salford (Anh), cho biết rằng các gò đất không phải là những tổ mối, mà là kết quả của của những cuộc đào bới trong quá trình tạo ra mạng lưới đường hầm ở bên dưới mặt đất. Thực chất thì đây là một bãi tập kết, nơi những con mối thợ đổ đất và những thứ mà chúng đào được.

Theo nhà nghiên cứu Roy Funch tại ĐH Feira de Santana, Brazil, điều thú vị là công trình rộng lớn do loài mối xây dựng lại có niên đại tương tự như Đại kim tự tháp Giza, đó là gần 4.000 năm tuổi.

Các nhà nghiên cứu nhận định, hành vi đào bới và kiến tạo đường hầm của loài mối đã được lặp đi lặp lại trong rừng suốt hàng nghìn năm qua, và điều này dẫn tới sự hình thành của 200 triệu gò đất cao. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu ước tính rằng những con mối đã đào lượng đất lên tới 10km3 và con số này tương đương với 4.000 Đại kim tự tháp Giza.

Công trình có lượng đất bằng 4.000 kim tự tháp Giza: Chủ nhân lại không phải con người? - Ảnh 1.

Lượng đất của 200 triệu gò mối lên tới 10km3, tương đương với 4.000 Đại kim tự tháp Giza. Ảnh: Roy Funch

Hiện nay, đây được coi là một trong những cấu trúc lớn nhất do một loài côn trùng xây dựng nên.

Những gò đất này đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học sau khi một số vùng đất đã được dọn sạch để sử dụng làm đồng cỏ cách đây vài thập kỷ. Chúng nổi bật đến nỗi các nhà nghiên cứu có thể quan sát được qua hình ảnh vệ tinh của Google Earth.

Công trình có lượng đất bằng 4.000 kim tự tháp Giza: Chủ nhân lại không phải con người? - Ảnh 2.

Ảnh chụp vệ tinh về những gò mối ở Brazil. Ảnh: Stephen Martin

Kết quả của các mẫu đất lấy từ 11 gò mối lâu đời cho thấy chúng có niên đại dao động từ 690 – 3820 năm. Cụ thể, một số được hình thành cách đây hàng nghìn năm, song nhiều gò mối khác mới bắt đầu xây dựng vào khoảng hơn 600 năm trước.

Mạng lưới đường hầm bí mật của loài mối: "Giải pháp sinh tồn" lâu dài?

Theo các nhà nghiên cứu, những con mối xây dựng nhiều gò đất nhằm thiết lập hệ thống mạng lưới hầm ngầm để ứng phó với điều kiện môi trường hạn hán trong thảm thực vật caatinga ở phía đông bắc Brazil.

Đáng chú ý là mùa lá rụng hàng năm lại trở thành thời điểm lý tưởng để loài mối thu thập thức ăn, tích trữ và trở thành nguồn cung cấp cho chúng sinh tồn khi thức ăn trở nên khan hiếm.

Giáo sư Stephen Martin, cho hay: "Mạng lưới đường hầm vô cùng rộng lớn này cho phép những con mối tiếp cận những chiếc lá rụng, giúp chúng ăn được an toàn và trực tiếp từ nền rừng".

Công trình có lượng đất bằng 4.000 kim tự tháp Giza: Chủ nhân lại không phải con người? - Ảnh 3.

Những gò mối này được vô số con mối xây dựng từ hàng nghìn năm nay. Ảnh: Roy Funch

Tuy nhiên, trên thực tế, những gò mối này không phải là lối duy nhất để vào được mạng lưới đường hầm. Theo đó, những con mối thường chui ra vào ban đêm để tìm mồi và sử dụng tới hàng chục lối vào nhỏ hơn nằm ở giữa mỗi bãi tập kết.

Bằng cách kiểm tra những gò mối bị san bằng một nửa do dự án làm đường, giáo sư Martin và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng chúng không có kết cấu tổ ong phức tạp thường được thấy ở tổ mối.

Công trình có lượng đất bằng 4.000 kim tự tháp Giza: Chủ nhân lại không phải con người? - Ảnh 4.

Loài mối thường sử dụng mùi đặc trưng để đánh dấu hay phát hiện các đồng loại là "bà con" ở xa hay gần. Ảnh: Sciencenews

Mặt khác, thay vào đó, mỗi gò đất bao gồm có một đường hầm lớn nằm ở trung tâm, rộng 10cm, kết nối với mạng lưới đường hầm dưới lòng đất và một loạt các phòng chứa lá rụng hoặc ấu trùng.

Một giả thuyết cho rằng mỗi gò đất là từ một thuộc địa cạnh tranh, nhưng khi chúng chuyển mối sang một gò đất láng giềng đối thủ, chúng không bị vây hãm và tấn công. Tuy nhiên, khi thử nghiệp được tiến hành lặp lại giữa các gò đất cách nhau 50km thì phản ứng tấn công lại xuất hiện ngay lập tức. Điều này cho thấy mức giới hạn của sự hợp tác, liên kết giữa những con mối.

Trên thực tế, những con mồi thường sử dụng mùi đặc trưng để giúp đánh dấu hay phát hiện những đồng loại của chúng là ở gần hay xa.

Giáo sư Martin cho biết rằng vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về những con mối và công trình độc đáo của chúng. 

Tham khảo nguồn: Sciencealert, Independent

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại