Bí ẩn ngay từ cái tên: Nắm đấm thép khổng lồ của Triều Tiên nhấn chìm Seoul trong biển lửa

Linh Lâm |

Nguồn gốc của pháo Koksan Triều Tiên là một bí ẩn, thậm chí định danh M1978 Koksan cũng không phải là tên gọi thật của nó.

Phía bắc thủ đô Seoul, Hàn Quốc chỉ cách biên giới với Triều Tiên hơn 30 dặm một chút, vẫn trong phạm vi tấn công của hàng trăm khẩu pháo Triều Tiên - đây là khu vực mà Bình Nhưỡng từng đe dọa biến thành "biển lửa".

Các nhà quy hoạch thành phố Seoul đã phải liều lĩnh xây dựng thêm hơn 23 km2 hầm tránh bom để phòng bị tình huống xấu nhất.

Mặc dù mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía các tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng (có thể mang đầu đạn hạt nhân) gây ra mối lo ngại lớn hơn nhưng những hậu quả mà thành phố 10 triệu dân có thể phải hứng chịu nếu bị đạn pháo với đương lượng nổ lớn hoặc đạn pháo hóa học tấn công vẫn khiến người ta phải "dựng tóc gáy" nếu nghĩ tới.

Tuy nhiên, chỉ một số lượng nhỏ các hệ thống pháo của Triều Tiên có tầm bắn đủ dài để đe dọa Seoul từ phía bên kia khu phi quân sự DMZ. Đứng đầu trong số đó là 500 khẩu pháo tự hành Koksan "khổng lồ" 170mm. Hệ thống này đã được thử nghiệm chiến đấu và có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 60km khi sử dụng đạn rocket.

Bí ẩn ngay từ cái tên: Nắm đấm thép khổng lồ của Triều Tiên nhấn chìm Seoul trong biển lửa - Ảnh 1.

Một khẩu pháo Koksan tại Ramadi (Iraq) năm 2008.

Koksan là hậu duệ của mẫu pháo tầm xa khổng lồ, được phổ biến rộng rãi vào nửa đầu thế kỷ 20, có nhiệm vụ "bẻ gãy" các công sự được phòng thủ nghiêm ngặt và tấn công các mục tiêu giá trị cao của đối phương, như kho đạn, sở chỉ huy, chốt hậu cần và các tổ hợp pháo.

Trong những năm 1950, các khẩu pháo hạng nặng này được tăng cường triển khai trên xe pháo tự hành bọc thép hạng nhẹ và bắn các loại đạn hạt nhân chiến thuật.

Về sau, một số hệ thống như M107 175mm và M110 203mm của Mỹ đã bị loại khỏi biên chế, bởi đã có các phương tiện chiến tranh khác đảm nhận vai trò của chúng, như máy bay quân sự, tên lửa chiến thuật và loại đạn pháo cải tiến dùng cho các khẩu pháo 155mm.

Tuy nhiên, địa hình đồi núi, nhiều chướng ngại trên bán đảo Triều Tiên và các tuyến phòng thủ chặt chẽ ở khu DMZ khiến các phẩu pháo này trở thành vũ khí hữu hiệu.

Cần nhắc lại rằng, pháo tự hành hạng nặng của Mỹ từng đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Triều Tiên. Chúng đã đẩy lùi các cuộc tấn công "biển người" của Triều Tiên và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, bộ binh Triều Tiên không thể trông cậy vào sự hỗ trợ của không quân hay các loại vũ khí dẫn đường chính xác khác.

Nguồn gốc của pháo Koksan Triều Tiên là một bí ẩn, thậm chí định danh M1978 Koksan cũng không phải là tên gọi thật của nó, mà chỉ đơn giản là tên một huyện của Triều Tiên - nơi tình báo Mỹ lần đầu tiên phát hiện ra hệ thống pháo này vào năm 1978.

Hầu hết các loại vũ khí nội địa của Triều Tiên đều có nguồn gốc từ các thiết kế Liên Xô nhưng trong lịch sử, Liên Xô chưa từng phát triển vũ khí nào có cỡ nòng 170mm.

Thay vào đó, Koksan có thể có nguồn gốc từ các hệ thống pháo phòng thủ bờ biển của Nhật hoặc pháo K18 mà Đức từng sử dụng trong Thế chiến II.

M1978 Koksan gồm một khẩu pháo cỡ nòng "khổng lồ" được đặt trên khung gầm xe tăng Type 59 Trung Quốc, tuy nhiên, kíp nạp đạn và vận hành pháo lại không được che chắn trước hỏa lực đối phương, tương tự như pháo M107 và M110 của Mỹ.

Mẫu M1978 không có khả năng mang đạn dự trữ, vì thế, chúng phải phụ thuộc vào các xe chở đạn (không bọc thép) hoặc các lán đạn đã được bố trí sẵn từ trước để duy trì hỏa lực bắn phá.

Pháo binh Triều Tiên có khả năng sẽ bắn từ các trận địa pháo HARTS qua biên giới. Nhiều trận địa pháo được bố trí sâu bên trong sườn núi, được thiết kế khéo léo để ngụy trang và bảo vệ, một số thậm chí còn có chỗ ở và sinh hoạt. Thật khó để đánh địch khi có một dãy núi chắn ở giữa.

Hệ thống pháo Koksan từng được sử dụng trong các cuộc tấn công chiến lược, bởi vào năm 1987, trong thời kỳ chiến tranh Iran-Iraq, Triều Tiên đã bán một số tiểu đoàn pháo Koksan cho Iran. Đến gần đây, mẫu pháo này vẫn xuất hiện trong các cuộc duyệt binh quân sự do Tehran tổ chức.

Bí ẩn ngay từ cái tên: Nắm đấm thép khổng lồ của Triều Tiên nhấn chìm Seoul trong biển lửa - Ảnh 2.

Pháo tự hành M1978 Koksan của Iran

Năm 1986, lực lượng Iran đã chiếm giữ được bán đảo Al-Faw, nằm gần các mỏ dầu ở Kuwait (khi đó là đồng minh lớn cả Iraq). Vì thế, các hệ thống pháo Koksan đã được triển khai để bắn phá các mỏ dầu này, làm gián đoạn quá trình sản xuất tại đó.

Tới năm 1988, các lực lượng Iraq, được hỗ trợ bởi vũ khí hóa học, đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ trong kỳ lễ Ramadan và tiêu diệt các vị trí đóng quân của Iran. Một số khẩu Koksan bị thu giữ, sau này được các sĩ quan Mỹ "mổ xẻ".

Bí ẩn ngay từ cái tên: Nắm đấm thép khổng lồ của Triều Tiên nhấn chìm Seoul trong biển lửa - Ảnh 3.

Một khẩu pháo Koksan tại Ramadi được Thủy quân lục chiến Mỹ kéo đi năm 2008.

Trong khoảng thời gian đó, Triều Tiên bắt đầu triển khai biến thể M1989 của pháo Koksan. Phiên bản này có tầm bắn dài hơn và vững chắc hơn - nó được đặt trên khung gầm có khoang bảo vệ cho kíp vận hành 4 thành viên, tương tự như hệ thống pháo 2S7 Pion của Liên Xô.

Trong các cuộc duyệt binh, người ta thường thấy một thành viên trong kíp vận hành mang theo tên lửa phòng không vác vai Strela hoặc Igla.

4 xe tiếp đạn đi kèm với các xe pháo Koksan. Phiên bản M1989 đã được bổ sung khả năng mang 12 quả đạn pháo trong khoang. Tính năng mới nhất này cho phép M1989 có thể bắn 3-4 quả đạn/phút trước khi giảm tốc độ xuống 1 quả đạn/phút.

Bí ẩn ngay từ cái tên: Nắm đấm thép khổng lồ của Triều Tiên nhấn chìm Seoul trong biển lửa - Ảnh 4.

M1989 với đầu xe khác và khung xe tăng T-62

Seoul sẽ bị hủy diệt trong "biển lửa"?

Năm 2012, Viện Nautilus đã công bố một nghiên cứu rất chi tiết tranh luận rằng, mối đe dọa từ phía các hệ thống pháo Koksan và pháo phản lực phóng loạt tầm xa 240mm của Triều Tiên đang bị phóng đại.

Gần đây, trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Kyle Mizokami cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Trước tiên, để tấn công được rìa phía tây bắc Seoul, ngay cả các hệ thống pháo tầm xa như Koksan cũng cần được triển khai trên một dải rất hẹp ở rìa DMZ. Khi đó, chúng sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc không kích, tấn công trên bộ.

Ngoài ra, phải mất nhiều tháng oanh tạc mới có thể tàn phá các thành phố như Aleppo ở Syria hay Grozny ở Chechnya, tuy nhiên, hỏa lực của Triều Tiên có lẽ chỉ kéo dài được trong vài tuần.

Chưa hết, không có điều gì chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ tập trung hỏa lực tấn công vào các mục tiêu dân sự, bởi họ sẽ phải trả "chi phí cơ hội" đắt đỏ nếu không tiêu diệt đúng các mục tiêu quân sự thực sự trong số này, và thậm chí có thể khiến hàng trăm công dân Trung Quốc đang sinh sống tại thủ đô Seoul thiệt mạng, khiến Bắc Kinh "nổi cơn thịnh nộ".

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố cần cân nhắc. Thứ nhất, Seoul có dân số gấp nhiều lần thành phố Aleppo hay Grozny, vì thế, tỷ lệ thương vong sẽ lớn hơn.

Phần lớn thương vong do các cuộc pháo kích thường xảy ra trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công, khi người dân không kịp trú ẩn, vì thế, một cuộc tấn công chớp nhoáng, bất ngờ vẫn có thể gây ra thương vong lớn.

Thậm chí, bản báo cáo của Nautilus cũng dự đoán mức thương vong lên tới 29.000 người, dù số người chết này không có nghĩa thành phố "bị san phẳng".

Tuy nhiên, sự hoảng loạn sau đó có thể khiến hàng ngăm trong số hàng nghìn người tị nạn tràn qua các tuyến đường bị hạn chế, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như trong chiến tranh Triều Tiên.

Thứ hai, các hệ thống pháo của Triều Tiên còn có thể làm gia tăng mức độ tàn phá, hỗn loạn bằng cách sử dụng đầu đạn hóa học (dù chưa có xác nhận chính thức về việc Triều Tiên có đầu đạn hóa học cho các hệ thống pháo Koksan).

Cuối cùng, nếu Mỹ-Hàn buộc phải sử dụng các nguồn lực không tương xứng để đối phó với mối đe dọa từ các hệ thống pháo chiến lược của Triều Tiên thì thứ vũ khí này có lẽ đã đạt được mục tiêu định sẵn dành cho chúng.

Sự hiện diện của các khẩu pháo khổng lồ dọc biên giới làm nổi bật một điều: Cuộc xung đột giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ có một cái giá khủng khiếp, đó là mạng sống của hàng triệu dân thường.

Đối với Hàn Quốc, Koksan có thể gây ra hậu quả khủng khiếp nếu được triển khai nhằm vào các mục tiêu dân sự, dù không lớn như quy mô mà Bình Nhưỡng đe dọa do tầm bắn của chúng, cơ sở hậu cần của Triều Tiên vẫn còn những hạn chế nhất định. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng cần dè chừng các cuộc phản công của Hàn Quốc.

Đối với Triều Tiên, việc sử dụng các phẩu pháo này trong các cuộc tấn công đô thị nhằm tối đa hóa mức độ thương vong về người còn có thể kích động sự đáp trả mạnh mẽ từ các bên liên quan, khiến chính quyền Bình Nhưỡng có nguy cơ bị hủy diệt.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Sébastien Roblin, thạc sĩ về Giải quyết xung đột từ Đại học Georgetown (Mỹ).

Một cuộc tập trận của pháo binh Triều Tiên

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại