Trung Quốc tung vũ khí bí mật, chiến đấu cơ Mỹ chưa kịp bắn trả đã "tan xác"

Linh Lâm |

Vũ khí mới của Trung Quốc có thể bắn trúng máy bay Mỹ ở khoảng cách gấp 2 lần khoảng cách mà máy bay Mỹ có thể bắn trả.

Theo National Interest, quân đội Trung Quốc có vẻ đã bắn thử nghiệm một loại tên lửa không-đối-không mới với tầm bắn siêu xa và sức hủy diệt mạnh mẽ.

Nếu những thông tin về việc này là đúng thì vũ khí mới của Trung Quốc có thể bắn trúng máy bay Mỹ ở khoảng cách gấp 2 lần khoảng cách mà máy bay Mỹ có thể bắn trả.

Hình ảnh tiết lộ về mẫu tên lửa mới được lan truyền vào tháng 11/2016. Trong bức ảnh này, nó được gắn dưới cánh một máy bay chiến đấu J-16 của Không quân Trung Quốc.

Chiếc J-16 được cho là đã bắn thử ít nhất 1 quả tên lửa mới và đánh trúng mục tiêu đường không.

Trung Quốc tung vũ khí bí mật, chiến đấu cơ Mỹ chưa kịp bắn trả đã tan xác - Ảnh 1.

Hình ảnh mẫu tên lửa mới dưới cánh tiêm kích J-16 Trung Quốc (Ảnh: War is Boring)

Trung Quốc đã phát triển các tên lửa không-đối-không với tiến độ nhanh không kém phát triển máy bay chiến đấu. Tên lửa không-đối-không tầm bắn siêu xa mới (very-long-range air-to-air missile – VLRAAM) xuất hiện tương đối bất ngờ. Giới quan sát nước ngoài có vẻ không hay biết Trung Quốc gọi loại tên lửa mới là gì.

Dữ liệu kỹ thuật của mẫu tên lửa mới được giữ bí mật nhưng ít nhất, các bức ảnh mà Bắc Kinh "vô tình" để lộ cũng cho phép hình dung về kích thước của tên lửa. Trên cơ sở này, dựa trên các nghiên cứu khoa học công khai, có thể dự đoán một số khả năng của nó.

Trong các bức ảnh, VLRAAM có chiều dài bằng 1/3 chiều dài của chiếc J-16. Như vậy, áng chứng nó dài khoảng 6m, có đường kính khoảng 0,3m

Với kích thước này, VLRAAM lớn hơn nhiều so với tên lửa không-đối-không có tầm bắn xa nhất của quân đội Mỹ hiện nay – AIM-120 AMRAAM.

Tên lửa AMRAAM chỉ dài 3,7m và có đường kính 0,17m. Phiên bản mới nhất, AIM-120D có tầm bắn tối đa 150km.

Trung Quốc tung vũ khí bí mật, chiến đấu cơ Mỹ chưa kịp bắn trả đã tan xác - Ảnh 2.

Tên lửa AIM-120 (Ảnh: Wiki)

Mẫu tên lửa mới của Trung Quốc có kích thước gần giống tên lửa không-đối-không K-100 của Nga. Mặc dù đã bị dừng phát triển 25 năm nay, nhưng trên lý thuyết, K-100 có thể đánh trúng các mục tiêu cách xa tới 320km khi được phóng từ máy bay.

Để đạt được tầm bắn này, VLRAAM được cho là sử dụng động cơ rocket mạnh mẽ, cho phép nó đạt tốc độ "siêu vượt âm", lên tới Mach 6, gấp đôi tốc độ tối đa của AIM-120D.

Theo tạp chí Popular Science, khi được phóng từ máy bay đang bay ở độ cao 15km, VLRAAM có thể leo lên độ cao khoảng 30km rồi bay hơn 160km trước khi lao xuống tấn công mục tiêu.

Ngoài ra, có thông tin VLRAAM trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động, trong khi AIM-120D chỉ có radar quét cơ khí – loại radar cũ hơn và kém hiệu quả hơn.

Tất nhiên, tên lửa tầm siêu xa cũng trở nên vô dụng nếu không có hệ thống ngắm mục tiêu tốt.

Máy bay cần nhận diện được đối phương trước khi tấn công, trừ phi người điều khiển nó chấp nhận tiêu diệt tất cả các mục tiêu trong tầm ngắm, dù đó là máy bay địch, máy bay chở khách hay thậm chí là máy bay đồng minh.

Khó khăn trong việc nhận diện bạn-thù đã khiến Hải quân Mỹ không thể triển khai thành công tên lửa không-đối-không tầm xa AIM-54 trong chiến đấu. Họ đã phải loại biên mẫu tên lửa này vào năm 2004 để nhường chỗ cho một loại tên lửa mới rẻ hơn và khả thi hơn là AMRAAM.

Quân đội Trung Quốc có vẻ đang nghiên cứu giải pháp để giải quyết vấn đề nhận dạng mục tiêu, họ đã đề xuất xây dựng một mạng lưới mục tiêu bằng máy bay không người lái tầm cao Divine Eagle.

Divine Eagle có thể truyền dữ liệu mục tiêu sang máy bay chiến đấu mang tên lửa VLRAAM, hoặc truyền trực tiếp dữ liệu cho tên lửa nếu tên lửa này tích hợp hệ thống liên kết dữ liệu.

Về ý tưởng, mạng lưới cảm biến của Trung Quốc sẽ tương tự như mạng lưới của Mỹ, tức là kết nối các phương tiện cảm biến khác nhau với máy bay chiến đấu, tàu chiến trang bị tên lửa AMRAAM và tên lửa phòng không phóng từ trên biển.

Mặc dù có những bước tiến lớn trong ngắm bắn mục tiêu nhưng quân đội Mỹ lại đang tụt hậu về tên lửa phóng từ trên không. Lầu Năm Góc vẫn chưa bắt đầu phát triển tên lửa không-đối-không tầm xa mới để thay thế AIM-120D.

Mỹ đã đi trước nhiều năm trong việc triển khai mạng lưới cảm biến nhưng cuộc thử nghiệm tháng 11/2016 dường như cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực tên lửa tầm xa. Trong khi đó, đây là loại vũ khí có thể tận dụng triệt để các mạng lưới cảm biến như thế này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại