Bí ẩn cuộc đời siêu điệp viên Cynthia - Bài 2: Bản mật mã Hải quân Pháp

Thanh Hà |

Stephenson biết rằng lấy bản mật mã Hải quân Pháp là một nhiệm vụ khó hơn gấp bội so với những công việc trước kia Cynthia đã từng thực hiện. Không có người quen trong mục tiêu nên Cynthia sẽ phải bắt đầu từ con số 0.

Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng với vỏ bọc nhà báo, Cynthia sẽ nhanh chóng tìm được cớ để tiếp xúc với một nhân vật cao cấp nào đó trong Đại sứ quán Pháp-điều sẽ dẫn cô tới con đường thành công.

Tìm chìa khóa

Nhận nhiệm vụ, Cynthia khởi đầu bằng những chuyến thăm thường xuyên tới nhà bạn bè, dĩ nhiên là có trọng tâm, tập trung chủ yếu vào một người quen ở Chile lấy chồng là bá tước người Đức, một người lấy chồng làm quan chức trong chính quyền Vichy (tại Pháp, chính phủ Vichy do Quốc trưởng Philippe Pétain đứng đầu lúc này đang hợp tác với phe Trục).

Câu chuyện của 3 người phụ nữ bắt đầu từ thời trang, ẩm thực… rồi Cynthia lái sang chủ đề ngoại giao. Khéo léo như vô tình, Cynthia hỏi bạn có biết ai phụ trách báo chí ở Pháp không. "Đó là Charles Brousse, một anh chàng điển trai"-bạn của Cynthia chia sẻ.

Tiếp tục khai thác, Cynthia biết thêm, trước đây Brousse là phi công lái máy bay tiêm kích trong lực lượng Hải quân Pháp, đã từng là ủy viên tình báo Anh-Pháp, rất có cảm tình với nước Anh. Từ những thông tin quý giá đó, Cynthia xác định ngay Brousse sẽ là cánh cửa mở vào Đại sứ quán Pháp.

Tháng 5-1941, Cynthia gọi điện đến Đại sứ quán Pháp tại Washington, xin gặp Tùy viên báo chí Charles Brousse, giới thiệu là phóng viên tự do muốn phỏng vấn Đại sứ Gaston Henry Haye.

Đề nghị của Cynthia nhận được sự đồng ý của ngài đại sứ, lịch phỏng vấn cụ thể được giao cho Brousse sắp xếp. Để cho công việc được suôn sẻ, trước khi gặp mặt, Cynthia thường xuyên liên lạc với Brousse hỏi han trò chuyện nên đã gây được thiện cảm bước đầu.

Quả nhiên không ngoài dự định, ngay lần gặp đầu tiên tại cổng đại sứ quán, Brousse đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp quyến rũ, quý phái của Cynthia. Sau một hồi nói chuyện thân mật, Brousse đã cung cấp cho Cynthia thông tin quý giá về vị đại sứ khó tính và cho cô những lời khuyên bổ ích để lấy lòng được vị đại sứ này.

Rõ ràng, mới chỉ trong lần gặp đầu tiên, trên cương vị của mình, lẽ ra Brousse nên dò hỏi kỹ càng đối phương nhưng thay vào đó anh lại cung cấp những thông tin có lợi cho Cynthia, thì mới thấy Cynthia khéo léo như thế nào.

Sau cuộc phỏng vấn Đại sứ Haye, Cynthia nhận được một bó hoa hồng và lời mời ăn trưa tại khách sạn Carlton từ Brousse. Câu chuyện quanh bàn ăn khiến hai người khám phá thêm sự đồng điệu. Và điều gì đến cũng đến, trong hơi men của ly rượu nồng, hai người bị kích thích, hút chặt lấy nhau.

Trong khi đó, tại New York, Stephenson lòng nóng như lửa đốt. Những thông tin mật từ tổng hành dinh London và cơ quan tình báo Hải quân Anh cho thấy nhiều khả năng Đại sứ quán Pháp tại Washington đã cung cấp thông tin về hạm đội Anh vượt Thái Bình Dương cho Hải quân Pháp.

Các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng Anh nóng lòng muốn biết thông tin đó được người Pháp chuyển cho người Đức khi nào và cụ thể ra sao.

Lúc này, hầu như Cynthia chưa khai thác được thông tin gì từ Brousse. Quan hệ của hai người đang tiến triển tốt đẹp thì Bộ ngoại giao Pháp thông báo kế hoạch cắt giảm nhân viên cơ quan đại diện ở nước ngoài. Không may, Brousse nằm trong số đó.

Tuy nhiên, Đại sứ Haye mở đường là Brousse có thể ở lại nếu anh chấp nhận làm công việc cũ nhưng chỉ nhận một nửa số tiền lương. Trong điều kiện giá cả đắt đỏ thì đây là một thách thức khá lớn đối với Brousse.

Nghĩ tới nghĩ lui, Brousse quyết định gặp Cynthia nói rõ hoàn cảnh và chính thức cầu hôn cô, mong muốn Cynthia về Pháp với mình. Mặc dù rất thấu hiểu và yêu Brousse nhưng Cynthia không thể tự quyết định nên cô kéo dài thời gian trả lời, báo cáo tình hình lên cấp trên.

Tuy nhiên, cô nhận được gáo nước lạnh từ cấp trên trực tiếp. Ông ta cho rằng cô đã vi phạm quy định nghề nghiệp khi để cuốn quá sâu vào chuyện tình cảm với đối tượng khai thác tin. Cynthia nổi xung và nói rằng cô yêu Brousse vì anh làm trong Đại sứ quán Pháp và có khả năng cung cấp tin tình báo cho phía Anh.

Sau một hồi tranh luận kịch liệt, cuối cùng Cynthia và cấp trên trực tiếp đi đến thống nhất:

Cynthia nói rõ thân phận nhưng là làm việc cho Mỹ (lúc này, Washington vẫn giữ thái độ trung lập, chưa quyết định tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai); đồng thời thuyết phục Brousse cộng tác, sao chép lại cho Cynthia tất cả những thư từ, công hàm, điện mật liên quan đến chiến tranh để nhận khoản thù lao xứng đáng.

Thật sự đây là canh bạc sống chết đối với Cynthia nhưng cô vẫn quyết định thử. Đến gặp Brousse, Cynthia vào đề chầm chậm, sau đó cô gợi mở về tương lai, sự đau khổ nếu hai người phải chia cắt.

Quan sát nét mặt Brousse trở nên buồn thảm, Cynthia tiết lộ mình là điệp viên, làm việc cho cơ quan tình báo Mỹ và mong muốn Brousse cùng tham gia. Sự việc quá bất ngờ, Brousse chuyển trạng thái tâm lý từ sững sờ rồi trở nên kích động. Anh chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ phản bội tổ quốc.

Đã lường trước được tình huống này, Cynthia giở tuyệt chiêu kéo Brousse vào phòng ngủ vỗ về, an ủi, chiều chuộng. Cuối cùng, Brousse cũng nhận lời. Sau một hai lần đầu bỡ ngỡ, Brousse trở thành người cần mẫn cung cấp thông tin tình báo cho Cynthia.

Chỉ cần Cynthia vui, bất kể đó là công hàm, điện mật hay văn kiện trong phòng lưu trữ hồ sơ của đại sứ, Brousse đều tìm cách mang một bản sao đến cho người tình. Nhờ những thông tin tình báo Cynthia gửi về, quân đội Anh nhiều lần tránh được tổn thất trước mắt.

Mở thành công

Chiến tranh thế giới thứ hai càng lan rộng, tình báo Anh càng nóng lòng muốn có được bản mật mã của Hải quân Pháp. Cynthia được cấp trên triệu tập về New York giao nhiệm vụ nhanh chóng đoạt bản mật mã đó.

Trở về Washington, Cynthia lập tức gặp Brousse nói rõ yêu cầu của cấp trên. Brousse đã nổi khùng lên và nói: "Lẽ nào em không biết đây là bản mật mã tối mật? Nó luôn được để trong két bảo mật, chỉ có đại sứ và nhân viên cơ yếu mới biết được mã số mở khóa".

Thấy vậy, Cynthia phải hết sức nhẹ nhàng, lựa lời khích lệ Brousse. Dường như cô đã nghĩ ngay ra điều gì đó. Cô hỏi Brousse về nhân viên cơ yếu đại sứ quán. Đó là Benoit, một người ngang ngạnh sắp về hưu.

Sau năm lần bảy lượt dùng sắc dục và tiền bạc mua chuộc nhưng Cynthia không thể hạ gục được Benoit. Thậm chí ông ta còn khuyên một người xinh đẹp như Cynthia không nên đi theo cái nghiệp điệp viên cho hao tâm tổn trí.

Không lâu sau, Đại sứ Haye gọi Brousse tới, cho biết nhân viên cơ yếu báo rằng anh ta từ chối nhận một khoản tiền lớn để làm nội gián cho Cynthia.

Sớm có dự phòng từ trước, Brousse tỏ ra bình tĩnh, nói Cynthia là người nổi tiếng, bố từng phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ rất có ảnh hưởng ở Washington; hơn nữa ai cũng biết nhân viên cơ yếu là kẻ hay đơm đặt nhiều chuyện.

Vị đại sứ đồng ý với quan điểm của Brousse và cũng muốn biết thêm nhân viên cơ yếu có đơm đặt chuyện gì về mình không. Lúc này, Brousse mới tung đòn quyết định: "Gặp ai anh ta cũng thì thào rằng ngài đại sứ đang cặp kè với một nam tước phu nhân". Vậy là chỉ chưa đầy 24 giờ sau, nhân viên cơ yếu được thông báo nhận nhiệm vụ khác.

Thoát khỏi nỗi lo sinh tử, Brousse và Cynthia cùng thống nhất, để lấy được bản mật mã phải đột nhập vào phòng cơ yếu và đánh cắp. Đây là phương án khả thi duy nhất. Cynthia lập một bản kế hoạch chi tiết, kèm theo bản vẽ Đại sứ quán Pháp lên cấp trên.

Ban đầu, cấp trên của Cynthia cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ. Nhưng sau đó buộc phải nghe theo, thứ nhất vì Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tỏ ra bất nhẫn trước việc cơ quan tình báo nước này mãi không lấy được bản mật mã của Hải quân Pháp.

Thứ hai là vì kế hoạch của Cynthia có sự hậu thuẫn của Brousse nên vẫn có hy vọng thành công. Vấn đề đặt ra là phải tìm được một cao thủ bẻ khóa két. Nhằm tránh khả năng Cynthia bị cơ quan an ninh Mỹ bắt trong quá trình đột nhập Đại sứ quán Pháp, cơ quan tình báo của Anh quyết định bắt tay với Cục Tình báo chiến lược Mỹ (tiền thân của CIA).

Các nhà lãnh đạo Cục Tình báo chiến lược Mỹ rất ủng hộ kế hoạch của Cynthia và họ còn giúp tìm được một chuyên gia phá khóa như ý trong một nhà tù ở New York. Đó là một người Canada có biệt tài mở két ăn trộm đang trong thời gian thụ án.

Với giao kèo xong nhiệm vụ sẽ được thả tự do, tên trộm rất háo hức đến gặp Cynthia và Brousse để tìm hiểu thêm về chiếc két bảo mật. Với thông tin được cung cấp, tên trộm xác định đây là loại khóa do hãng Mosler sản xuất, sử dụng loại mã 4 số và cho rằng mình có thể mở sau 55 phút. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa tên trộm vào trong Đại sứ quán Pháp?

Brousse giả vờ nói với nhân viên bảo vệ ban đêm rằng dạo này công việc nhiều quá nên mấy ngày tới phải ở lại đại sứ quán làm thêm buổi tối. Nhằm tránh dị nghị, Brousse đưa cho nhân viên bảo vệ ít tiền và dặn thêm: "Tôi có người bạn gái, chúng tôi sắp đính hôn nên có thể sẽ đến đây cùng. Mong anh hiểu cho".

Nghe Brousse nói vậy, nhân viên bảo vệ lấy làm tự hào vì được người có chức vụ cao hơn trong đại sứ quán tin tưởng dốc bầu tâm sự. Cộng thêm chút tiền dúi tay, nhân viên bảo vệ hoàn toàn bị mua chuộc.

Vào một đêm, Cynthia, Brousse cùng tên trộm đột nhập vào Đại sứ quán Pháp tại Washington, công việc bẻ khóa diễn ra thuận lợi, bản mật mã Hải quân của Pháp được chuyển ra ngoài để sao chụp, sau đó lại trở về két bảo vệ như chưa từng có việc gì xảy ra.

Tháng 6-1942, quân Đồng minh mở chiến dịch đánh chiếm Madagascar, mọi việc thuận lợi, rồi thừa thắng đổ bộ lên Algerie, Maroc. Tháng 8-1942, Cynthia gặp một sĩ quan Cục Tình báo chiến lược Mỹ ở Washington, sĩ quan này chân thành nói: "Cảm ơn cô, Cynthia. Thật không uổng công sức cô lấy bản mật mã. Nó đã làm thay đổi cuộc chiến".

Về phần Cynthia, sau khi lấy được bản mật mã, cô được đưa về nước Anh làm việc trong cơ quan tình báo bí mật. Đối với Brousse, sau khi quân Đồng minh đổ bộ thành công lên Bắc Phi, chính quyền Vichy đóng cửa Đại sứ quán Pháp tại Washington. Vài năm sau, Brousse giải quyết ổn thỏa thủ tục ly hôn với người vợ cũ, chính thức đến với Cynthia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại