Bí ẩn cuộc đời siêu điệp viên Cynthia - Bài 1: Bản mật mã Hải quân Italy

Thanh Hà |

Trước khi cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ, Chính phủ Anh rất cần những thông tin tình báo đa chiều liên quan đến tình hình nội chiến. Betty liền trở thành điệp viên nghiệp dư...

Dấn thân

Cynthia, tên thật là Amy Elizabeth Thorpe nhưng thường được gọi với cái tên thân mật là Betty, sinh ngày 22-11-1910 ở Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ), trong một gia đình tương đối khá giả, bố làm sĩ quan cao cấp trong lực lượng hải quân Mỹ.

Từ nhỏ, Betty đã có điều kiện cùng với bố khám phá khắp các nẻo đường châu Âu. Sau một thời gian bố Betty xin ra khỏi quân đội, đi học luật nên gia đình chuyển về sinh sống tại thủ đô Washington.

18 tuổi, Betty đẹp rực rỡ như một bông hồng, đôi mắt to, xanh thăm thẳm hút hồn, cộng với mái tóc vàng buông xõa xuống bờ vai trắng, tròn, đặc biệt là thân hình của Betty khiến bao phụ nữ phải ước ao. Chính nhan sắc "chim sa cá lặn" của Betty là một phần lý do dẫn cô đến với nghề điệp viên.

Bí ẩn cuộc đời siêu điệp viên Cynthia - Bài 1: Bản mật mã Hải quân Italy - Ảnh 1.

Nữ điệp viên Cynthia. Ảnh tư liệu

Betty đến Washington, ngay lập tức đã trở thành tâm điểm của cánh mày râu. Những kẻ mê mệt Betty đủ các thành phần nghề nghiệp, địa vị, không ít người là công tử hào hoa, lịch thiệp. Tuy nhiên, đối với Betty, tất thảy những nam thanh niên cùng trang lứa đều thiếu chín chắn. Một số tỏ ra kệch cỡm.

Chỉ đến khi Betty gặp Bí thư thứ hai Đại sứ quán Anh tại Mỹ-Arthur Pact, người Ireland, hơn 20 tuổi thì cô đã chính thức bị chinh phục. Cuộc hôn nhân đã mở cánh cửa đưa Betty bước vào giới ngoại giao. Tháng 3-1930, hôn lễ của hai người được tổ chức. Bước vào cuộc sống gia đình, mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu nảy sinh và những cuộc cãi vã liên tục nổ ra.

Năm 1931, Arthur được chuyển sang Chile làm ở Phòng Thương vụ Đại sứ quán Anh. Sau đó, Arthur lại được chuyển từ Chile sang Tây Ban Nha. Lúc này, tình cảm của hai vợ chồng Betty đã trở nên lạnh nhạt. Chính điều đó đã đẩy cô vào những hoạt động bí mật.

Tại Tây Ban Nha, Betty nhanh chóng có tình cảm với một sĩ quan cao cấp trong lực lượng không quân. Trước khi cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ, Chính phủ Anh rất cần những thông tin tình báo đa chiều liên quan đến tình hình nội chiến. Betty liền trở thành điệp viên nghiệp dư.

Thời gian này, Betty đã thu thập được không ít những thông tin quan trọng từ người tình chuyển cho cơ quan tình báo Anh. Cô tích cực hợp tác với Cơ quan tình báo bí mật Anh (The British Secret Intelligence Service) giải cứu những vị mục sư Thiên chúa giáo ra khỏi nhà tù, bày cách cho họ lọt qua phòng tuyến của phe Cộng hòa.

Betty cũng ra tay cứu thoát một số phi công, tướng lĩnh ủng hộ nhà độc tài quân sự Francisco Franco khỏi cảnh tù đày. Nhưng đó mới chỉ là những thành công ban đầu, đến khi vợ chồng cô sang Ba Lan thì cái tên Betty ngày càng trở nên nổi bật trong làng tình báo Anh.

Mùa hè năm 1937, vợ chồng Betty đến Warszawa. Giai đoạn này, sắc đẹp của Betty đang vô cùng rạng rỡ, cộng thêm vốn kiến thức sâu rộng, óc hài hước, cô đã khiến cho biết bao đàn ông say đắm từ ánh nhìn đầu tiên. Từ những lợi thế đó, Betty nhanh chóng trở thành "thiên thần" trong mắt các công chức thuộc Bộ Ngoại giao Ba Lan.

Người phụ trách mạng lưới điệp viên của Cơ quan tình báo bí mật Anh ở Warszawa trực tiếp gặp Betty giao nhiệm vụ trực tiếp. Thời điểm đó, chiến tranh đang rình rập Ba Lan mà mạng lưới điệp viên của Cơ quan tình báo bí mật Anh ở Warszawa rất mỏng và yếu. Do đó, mọi thông tin do Betty cung cấp đều được Luân Đôn hoan nghênh.

Warszawa tuyển dụng thành công phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Józef Beck. Đây là chiến công lớn nhất của nữ điệp viên xinh đẹp. Thông qua anh chàng này, Betty nhiều lần lấy được tài liệu cơ mật của Văn phòng Bộ trưởng.

Trong đó đáng kể nhất phải kể đến là bản vẽ chi tiết máy mật mã Enigma (bí hiểm) của phát xít Đức. Giá trị của bản vẽ chi tiết này được kể lại rằng:

Những nhà lãnh đạo Cơ quan tình báo bí mật Anh đã không tin vào mắt mình khi nhìn thấy bản vẽ chi tiết máy mật mã Enigma. Bởi trước đó, tình báo Anh đã tung một lực lượng lớn, thậm chí ở chừng mực đã ngỏ ý hợp tác với tình báo Mỹ nhưng vô vọng.

Tiếp tục sắm vai tình nhân, Betty thường xuyên cùng với phụ tá của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan đi Praha, Berlin… Mặc dù không có kiến thức về mật mã nhưng Betty vẫn thu thập được một số bản tin tình báo liên quan đến hệ thống mật mã của quân đội phát xít.

Trong hồi ký, ông trùm tình báo Anh William Stephenson đã viết: "Betty là một điệp viên có giá trị và có thể hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, trọng đại. Ở Ba Lan, Betty ngày càng có những biểu hiện xuất sắc. Điều này khiến Cơ quan tình báo Anh không thể không xem xét việc đưa cô tới những đấu trường lớn hơn".

Để tạo cớ, tình báo Anh tung tin Betty bị nghi ngờ là cung cấp tin cơ mật cho nhân viên tình báo Đức thông qua người tình của mình. Cùng thời gian đó, Bộ Ngoại giao Anh quyết định điều Arthur trở lại Chile công tác.

Với cương vị phu nhân ngoại giao, Betty không biết việc gì về kế hoạch này. Chile cũng là nơi chứng kiến sự chia tay giữa Arthur và Betty. Cô quay về Mỹ trở thành ký giả, đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời và sự nghiệp tình báo của Betty.

Hành trình lấy bản mật mã Hải quân Italy

Ngày 1-9-1939, phát xít Đức bất ngờ tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Việc nước Mỹ có tham chiến hay không ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh của phe Trục (Đức, Italy, Nhật Bản). Để củng cố mạng lưới tình báo, ông trùm tình báo Anh Stephenson đích thân bay sang Mỹ để chỉ đạo. Ông cho rằng, cơ hội để Betty bộc lộ tài năng đã tới.

Một hôm, Betty được gọi về New York. Tại đây, Stephenson thông báo Cơ quan tình báo bí mật Anh đã quyết định thu nhận Betty vào ngành dưới mật danh Cynthia. Cô được huấn luyện một khóa ngắn hạn, bí mật mở ngay tại đất Mỹ. Kết thúc chương trình huấn luyện, Cynthia nhận nhiệm vụ trở lại Washington.

Bằng sự tài trợ của tình báo Anh, Cynthia đã thuê tòa nhà hai tầng nằm ngay ở Georgetown, khu sinh sống của nhiều nhân vật có thế lực trong xã hội thượng lưu Mỹ.

Một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của Cynthia buộc phải hoàn thành là từ năm 1940 đến cuối năm 1941 phải lấy được bản mật mã của Hải quân Italy. Kể từ đây, lịch sử tình báo thế giới chính thức ghi nhận sự xuất hiện của một nữ điệp viên huyền thoại.

Khi mới đặt chân đến Washington, Cynthia đã đặt vào tầm ngắm Tùy viên Hải quân Italy, Alberto Lais. Alberto là người có vợ con đề huề nên ban đầu Cynthia thể hiện sự động viên sau những căng thẳng nghề nghiệp, dần dần gần gũi hơn. Chẳng mấy chốc Alberto trở thành kẻ lệ thuộc tình cảm của Cynthia.

Cuồng nhiệt hơn cả những chàng trai trẻ, Thượng tướng, Đô đốc hải quân Alberto sẵn sàng hy sinh cả sự nghiệp cho người tình. Cythia khai thác được yếu tố thuận lợi là Alberto không ủng hộ việc nhà độc tài Benito Mussolini kết giao bè đảng với phát xít.

Cynthia giả như vô tình để lộ ra rằng cô có một người bạn làm cho Cục Tình báo chiến lược Mỹ (OSS, tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ-CIA).

Đây là chiến thuật vô cùng mạo hiểm, nhưng may mắn thay, Alberto thực sự đã lú lẫn vì tình và Cynthia không gặp phải khó khăn thuyết phục người tình cho mượn bản mật mã và khóa dịch mật mã mà Hải quân Italy đang sử dụng.

Nhờ đó, ngày 28-3-1941, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Andrew Cunningham, hạm đội Anh với sự trợ giúp của một số tàu chiến Australia đã đánh chặn và nhấn chìm xuống biển phần lớn tàu chủ lực của Italy ở phía đông Địa Trung Hải, gần Mũi Matapan (Hy Lạp).

Trong đó có tàu tuần dương Fiume, Pola, tàu khu trục Vittorio Alfieri, Giosué Carducci… Theo cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, "đòn đánh này đã loại bỏ mọi thách thức từ phe Trục đối với quyền kiểm soát phía đông Địa Trung Hải của Anh".

Sau lần giúp Cynthia copy bản mật mã của Hải quân Italy, Alberto tiếp tục cung cấp cho người tình một số tin tức tình báo khác, nhưng giá trị thì giảm hẳn. Một vấn đề đặt ra là, việc quan hệ với Tùy viên Hải quân Italy, một nước trong phe Trục sẽ đặt Cynthia trước những rủi ro từ chính cơ quan phản gián Mỹ.

Nhằm tránh tổn thất, Cynthia được lệnh tìm cách "tống khứ" Alberto về nước. Từ chính những thông tin tình báo do vị Tùy viên này cung cấp, Cynthia đã lấy cớ cho người Mỹ trục xuất ông ta. Một lần Alberto báo cho Cynthia biết, Hải quân Italy và Hải quân Đức đang lên kế hoạch phối hợp phá hoại các bến cảng và tàu thuyền của Mỹ.

Sau khi nhận được tin này từ Cynthia, Cơ quan tình báo bí mật Anh liền chuyển ngay cho cơ quan chức năng của Mỹ. Tất nhiên, chuyện động trời này nhanh chóng được báo cáo lên Chính phủ Mỹ.

Ít lâu sau, Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh trục xuất Alberto với lý do "không được hoan nghênh". Trước giây phút chia ly, Cynthia vẫn không quên moi thông tin tình báo cuối cùng: Tên, địa chỉ của một viên sĩ quan người Italy có thể thay thế Alberto cung cấp tin tức tình báo cho mình.

Sự thành công hoàn hảo của Cynthia trong việc thu thập tin tức tình báo từ Đại sứ quán Italy đã dẫn đến quyết định quan trọng của Cơ quan tình báo bí mật Anh: Giao nhiệm vụ cho Cynthia lấy bản mật mã mà Đại sứ quán Pháp tại Washington đang sử dụng...

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại