Bên trong vòng xoáy lừa đảo tiền điện tử

Bảo Nam |

Hack, giả hack và trào lưu tiền meme chỉ là một trong vô số các trò gian lận tiền điện tử đang diễn ra trên toàn cầu.

Vào ngày 22/5 vừa qua, một dự án tài chính tiền điện tử có tên là DeFi100 đã đăng một thông báo lên trang web của mình: "Chúng tôi đã lừa các bạn và bạn không thể làm gì. HA HA"

Ảnh chụp màn hình của tin nhắn ngay lập tức lan truyền trên mạng xã hội Twitter. Một tài khoản Twitter theo dõi tiền điện tử ẩn danh có tên là Mr.Whale ước tính rằng DeFi100 đã mất đi dòng tiền trị giá 32 triệu USD do mọi người vội vàng bán tháo.

Nhưng rất nhanh, chủ dự án đã phủ nhận bất kỳ hành vi tấn công nào vào hệ thống. Mọi người cũng nhanh chóng nhận ra thông báo đó đơn giản chỉ là một vụ hack trên trang web chứ không phải là một dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng. Nhưng tất cả đã quá muộn, làn sóng hoảng loạn đã bắt đầu và giá của đồng tiền điện tử này đã rơi tự do không thể kiềm chế.

"Chúng tôi chưa bao giờ đánh cắp bất kỳ khoản tiền nào," một đại diện của dự án chia sẻ. "DeFi100 là một dự án rất nhỏ và chúng tôi không nắm giữ bất kỳ khoản tiền nào của nhà đầu tư, vì vậy không có câu hỏi nào về việc lừa đảo mọi người hoặc bỏ trốn với tiền của họ."

Các vấn đề của DeFi100 là một phần nhỏ của bức tranh tổng thể về thị trường tiền điện tử, nhưng chúng là một lời nhắc nhở về sự nguy hiểm của trào lưu bùng nổ tiền điện tử đang diễn ra. Mặc dù hàng tỷ USD đã đổ vào thị trường này trong những tháng gần đây, bạn sẽ chẳng nhận được lợi ích gì khi các khoản đầu tư trở thành trò lừa đảo. Quan trọng nhất, sự phân quyền triệt để của blockchain có nghĩa là đơn giản không có cách nào để lấy lại tiền của bạn. Nó cũng đồng nghĩa với việc có rất ít đảm bảo rằng một nhà cung cấp chưa được chứng minh sẽ giữ lời hứa của họ khi giao dịch được thực hiện. Kết quả là hàng loạt vụ lừa đảo tiền điện tử đã diễn ra, khi các nhà đầu cơ tìm kiếm những cơ hội đổi đời và sẵn sàng đặt cược bất chấp rủi ro.

Trang web của dự án DeFi100 hiện đã trực tuyến trở lại, nhưng những tin đồn vẫn tồn tại về những gì đã thực sự xảy ra. Certik, một bảng xếp hạng bảo mật blockchain phổ biến, hiện vẫn liệt kê DeFi100 như một "tấm thảm kéo", là một thuật ngữ chỉ một trò lừa đảo trong đó những người sáng lập dự án đã huy động tiền đầu tư và bỏ chạy. Trong khi các chủ dự án nói rằng đó là điều không thể xảy ra vì họ chưa bao giờ nắm giữ tiền của nhà đầu tư. Đây chỉ là một trong hàng loạt các trò gian lận mà những người nắm giữ tiền điện tử ngày nay cần phải đề phòng, cùng với các dự án altcoin sơ sài, những tài khoản mạo danh Elon Musk và nhiều hình thức tội phạm mạng phức tạp khác.

Bên trong vòng xoáy lừa đảo tiền điện tử - Ảnh 1.

Theo Maren Altman, một người có ảnh hưởng trên TikTok với hơn một triệu người theo dõi, chuyên tạo video về tiền điện tử và chiêm tinh học, thì có ba loại rủi ro mà người nắm giữ tiền điện tử nên cảnh giác. Đó là các khoản đầu tư xấu, dự án sụp đổ và lừa đảo.

Loại rủi ro đầu tiên và phổ biến nhất là các khoản đầu tư xấu, đơn giản là bỏ tiền vào các đồng tiền điện tử ít người biết đến. Ngoài những đồng tiền tên tuổi như Bitcoin và Ethereum, có hàng nghìn đồng tiền điện tử nhỏ hơn được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain, hứa hẹn sẽ có những phần thưởng lớn nếu bằng cách nào đó đồng tiền này trở nên nổi bật.

"Ý tôi là, bản thân tôi cũng đang ở trong số đó. Đó chỉ là khoản đầu tư, đó là một lời hứa, sự phát triển đã không diễn ra và tôi vẫn đang chờ đợi", cô chia sẻ.

Cố gắng nghiên cứu các altcoin ít người biết đến có thể là điều dễ gây nhầm lẫn cho các nhà giao dịch thiếu kinh nghiệm. Các tin đồn trên mạng xã hội luôn hứa hẹn sẽ sớm có nguồn tiền bơm vào và người sở hữu có thể bán chúng với giá cao. Nhưng trong khi các lời hứa hẹn dễ dàng nói ra, thì thực tế lại cho thấy mọi thứ ít hấp dẫn hơn.

Một rủi ro khác là các dự án sụp đổ bởi khả năng quản lý hoặc đôi khi đơn giản là chúng hoàn toàn vô dụng. Trong một thị trường tiền điện tử có xu hướng tăng giá, mọi người đều nghĩ rằng họ đang có một ý tưởng mang tính cách mạng liên quan đến tiền điện tử. Nhưng rõ ràng, rất nhiều người trong số họ không xuất sắc.

Altman giải thích: "Khi mọi thứ không được làm rõ, sai sót trong hợp đồng hoặc chỉ đơn giản là có một mắt xích yếu trong vòng phát triển, dẫn đến việc quản lý tiền tệ và mọi người không thu được kết quả đầu tư như mong đợi."

Một ví dụ cực kỳ nổi tiếng về điều này là dự án DAO. Nó ra mắt vào mùa xuân năm 2016 với sự phô trương lớn, nhưng rồi hoàn toàn biến mất chỉ vài tháng sau đó, vào mùa thu cùng năm. Dự án được tạo ra bởi Tổ chức tự trị phi tập trung và là một nỗ lực nhằm xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm trên chuỗi khối Ethereum. Chỉ vài tháng sau, một hacker đã tìm thấy một lỗ hổng trong đoạn code của mã thông báo (token) và rút được 50 triệu USD. Các nhà giao dịch bắt đầu bán tháo đồng tiền này và giá của nó không bao giờ có thể phục hồi.

Và đôi khi, mọi thứ có thể kết thúc nhanh chóng hơn bằng việc lừa đảo. Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), các vụ lừa đảo tài chính dựa trên tiền điện tử đang ở tần suất cao nhất mọi thời đại nhờ sự quan tâm gia tăng đối với tiền điện tử. Và ranh giới giữa các dự án có ý nghĩa và các kế hoạch Ponzi tiền điện tử rất mờ nhạt. Hãy hỏi các nhà đầu tư vào OneCoin hoặc PayCoin, bạn sẽ có câu trả lời.

OneCoin ra mắt vào giữa những năm 2010 và được coi là một dịch vụ giao dịch tiền điện tử mang tính giáo dục. Nhưng hóa ra các mã thông báo OneCoin được các nhà đầu tư mua không thực sự nằm trên blockchain. Nó sau đó bị cáo buộc là một kế hoạch Ponzi và những người sáng lập đã bỏ trốn với gần 4 tỷ USD. Đay sau đó đã được gọi là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử. Một trong những người sáng lập của dự án, Ruja Ignatova, hiện vẫn đang mất tích.

Vào năm 2019, người sáng lập PayCoin, Homero Joshua Garza, đã bị kết án 21 tháng tù và bị ra lệnh phải bồi thường sau khi anh ta tạo ra đồng tiền điện tử của riêng mình và cung cấp nó cho các nhà đầu tư với sự đảm bảo rằng bản thân đã có một khoản vốn dự trữ 100 triệu USD. Nhưng hóa ra cũng không có khoản dự phòng nào và toàn bộ dự án cuối cùng đã lỗ 9 triệu USD.

Bên trong vòng xoáy lừa đảo tiền điện tử - Ảnh 2.

Nhưng bất chấp việc sụt giảm giá trị đáng kể vào tháng 5 vừa qua đối với các đồng tiền lớn như Bitcoin và Ethereum, tiền điện tử vẫn đang phổ biến hơn bao giờ hết và vô số các nhà giao dịch thiếu kinh nghiệm vẫn đang lao vào mày mò tìm hiểu về ý nghĩa thực sự của dịch vụ tài chính ngang hàng.

Neeraj Agrawal, giám đốc truyền thông của Coin Center, một trong những nhóm ủng hộ tiền điện tử lớn nhất của Mỹ, cho biết các đồng tiền được đầu cơ rầm rộ (được gọi thông tục là "shitcoin") hiện là một phần vĩnh viễn của không gian tiền điện tử.

"Những đồng tiền rác mang tính đầu cơ điên rồ sẽ không biến mất", Agrawal nói. "Đó chỉ là một phần của thế giới này. Và điều còn lại đối với chúng tôi là phải cho thấy rằng các dự án thực sự tốt có giá trị tồn tại, rằng ở đây có giá trị thực tế".

Nhưng điều đó đang đặc biệt khó khăn khi những người nổi tiếng như Elon Musk thường xuyên làm xáo trộn mọi thứ. Thời gian gần đây, Musk đã thúc đẩy sự quan tâm gia tăng đột biến xung quanh Dogecoin, một đồng tiền điện tử được phát minh như một trò đùa, được đặt tên theo meme Shiba Inu nổi tiếng. Các dòng tweet của Elon Musk cũng bị cho là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái lớn của thị trường trong tháng này. Vẫn chưa rõ ràng về khả năng ảnh hưởng của ông chủ Tesla trên thị trường, nhưng nó cũng tạo ra một làn sóng giả mạo. Theo FTC, những người mạo danh Elon Musk đã lừa được ít nhất 2 triệu USD từ các nhà giao dịch trong năm nay.

"Có lẽ đó là rủi ro lớn nhất đối với người dùng tiền điện tử - sự ngu ngốc của chính bản thân," Meltem Demirors , giám đốc chiến lược của công ty đầu tư tài sản kỹ thuật số CoinShares nói đùa. "Tôi nghĩ rằng mọi người không quen với việc chịu trách nhiệm về cuộc sống tài chính của họ."

Điều tưởng chừng kỳ lạ này hóa ra lại là thực. Thời gian gần đây, một đồng tiền ít được đến có tên là Dogelon Mars có trị giá 0,00000016 USD, nhưng vẫn thuyết phục được vô số người mua và đầu tư - do cái tên và mô tả dễ gây nhầm lẫn của nó, khiến họ cho rằng đó là một đồng xu do chính Musk tung ra.

Và Demirors nói rằng Dogelon Mars thực sự là một trong những đồng tiền meme yêu thích của mình. "Chúng ta phải nhớ, đúng, toàn bộ trọng điểm của vấn đề này là việc đổi mới tài chính mà không cần sự cho phép", cô nói. "Và một thị trường thực sự chỉ yêu cầu hai điều. Nó cần một người bán và một người mua".

Và cô cho biết đây chính là lời giải thích chính đằng sau trào lưu NFT gần đây. Mọi người đã có tiền điện tử trong tay và muốn xem họ có thể tiêu chúng vào việc gì. Và hóa ra thứ họ muốn mua là các tác phẩm nghệ thuật siêu thực trên Internet với giá hàng triệu USD.

"Tôi luôn nghĩ rằng thực sự buồn cười khi mọi người đều nói về tiền điện tử và đổi mới tài chính không cần sự cho phép. Nhưng chỉ vài phút sau khi mất tiền, họ bỗng trở thành những người đứng đắn nhất có thể tưởng tượng được," Demirors nói. "Bạn thực sự không thể có nó theo cả hai cách. Giống như việc bạn đã mua shitcoin này. Bây giờ việc cần làm là bạn phải dọn lại giường và nằm vào trong đó".

Tham khảo The Verge

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại