Quan chức giấu tên của Mỹ ngày 10/4 cho biết một sĩ quan Hải quân nước này sẽ phải đối mặt với các cáo buộc làm gián điệp vì đã tuồn bí mật quốc gia cho nước ngoài, có thể là cho Trung Quốc hoặc Đài Loan.
Theo hồ sơ của Hải quân Mỹ, nghi can trên là Thiếu tá Hải quân Edward Lin. Lin được sinh ra tại Đài Loan, sau đó nhập quốc tịch Mỹ và từng có cơ hội được tiếp cận với thông tin tình báo nhạy cảm của Mỹ.
Đó là nhận định của tạp chí Foreign Policy khi đề cập tới vụ bê bối gián điệp rúng động Hải quân Mỹ gần đây.
Những thông tin nào có thể đã bị lộ?
Các máy bay trinh sát có nguy cơ bị lộ mật trong vụ bê bối của Thiếu tá Edward Lin được ví như "những con mắt thần trên bầu trời" của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.
Đó là máy bay EP-3E Aries II và P-8A Poseidon, trang bị các cảm biến và radar cho phép chúng dò tìm tín hiệu điện tử của các lực lượng Trung Quốc và giám sát mọi động thái của chúng.
Phi đội máy bay Aries đã trải qua nhiều đợt nâng cấp đáng kể trong những năm gần đây, cho phép truyền tín hiệu tình báo trong "thời gian gần thực" và video chuyển động đầy đủ về cho Hải quân.
Các cảm biến và ăng-ten trên máy bay (với tầm hoạt động được bảo mật) có thể bắt tín hiệu điện tử từ xa, giúp quân đội Mỹ phát hiện sớm bất cứ mối đe dọa tiềm năng hoặc các hoạt động nghe trộm từ lực lượng đối địch.
Máy bay trinh sát EP-3E.
Trong khi đó, máy bay Poseidon được trang bị cảm biến cảnh báo sớm trên không tiên tiến và một hệ thống radar tinh vi có thể cung cấp hình ảnh với độ phân giải cao từ khoảng cách xa.
Kết hợp với hệ thống liên kết dữ liệu mạnh mẽ, Poseidon có thể chỉ thị mục tiêu cho các phương tiện chiến đấu khác trong kho vũ khí của Mỹ.
Radar trên máy bay có thể theo dõi một chiếc xe hơi ở khoảng cách cực kỳ xa, định vị nó và truyền dữ liệu mục tiêu tới một chiếc máy bay chiến đấu gần đó. Máy bay này có thể bắn tên lửa tầm xa tấn công mục tiêu.
Phiên bản trước đó của hệ thống radar trên đã được lắp đặt trên một số máy bay Aries.
Máy bay tuần thám săn ngầm P-8 Poseidon.
Cả 2 mẫu máy bay đều đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát năng lực hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở những "điểm nóng" như Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan.
Bắc Kinh và Washington đã có nhiều bất đồng xung quanh việc Trung Quốc mở rộng mạng lưới đường băng và cầu cảng dùng cho máy bay quân sự, tàu chiến tại các đảo san hô và đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Nếu 2 nước xảy ra xung đột, máy bay trinh sát còn có thể được sử dụng để truyền thông tin mục tiêu tới các máy bay chiến đấu của Mỹ.
Xác định chính xác năng lực, cũng như các lỗ hổng của những máy bay này là điều cực kỳ quan trọng đối với Bắc Kinh và giờ đây, những bí mật đó có thể đã bị lộ sau vụ bê bối gián điệp của Edward Lin.
Thiếu tá hải quân Edward Lin - người bị tình nghi làm gián điệp cho nước ngoài.
Lin đang phải đối mặt với tội danh làm gián điệp khi tìm cách tuồn bí mật quốc gia ra bên ngoài, có thể là cho Trung Quốc và Đài Loan.
Hiện chưa rõ Lin chủ tâm tuồn bí mật cho Trung Quốc hay những thông tin mà anh ta cung cấp cho Đài Loan đã bị gián điệp Trung Quốc nằm vùng trong cơ quan an ninh Đài Loan đánh cắp.
Dù theo cách nào thì Lin cũng là nguồn cung cấp tin quan trọng đối với Trung Quốc. Viên sĩ quan này từng có thời gian công tác 1 năm ở Phi đội bay tuần tra Số 2 của Đề án đặc biệt (VPU-2) đóng tại Kaneohe, Hawaii trước khi bị bắt vào tháng 9 năm ngoái.
Đây là 1 trong 2 phi đội tinh nhuệ của Hải quân Mỹ vận hành các máy bay Aries và Poseidon. Điều đó đồng nghĩa với việc Lin sẽ có hiểu biết vô cùng sâu sắc về 2 mẫu máy bay này.
"Lĩnh vực mà Lin làm việc đúng với những gì Trung Quốc quan tâm, trong đó liên quan tới các chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này và những căng thẳng tại khu vực Biển Đông" - Mike Sulick, cựu giám đốc bộ phận phản gián tại CIA nói với Foreign Policy.
Theo ông Sulick, do là người được đào tạo chuyên nghiệp và có hiểu biết sâu rộng về các máy bay trinh sát nên Lin trở thành đối tượng được Trung Quốc "đặc biệt quan tâm".
Vụ bê bối gián điệp xảy ra vào thời điểm căng thẳng đang dâng cao tại Biển Đông, khi Mỹ và các đồng minh châu Á đang ngày càng quan ngại trước những động thái hung hăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Bắc Kinh đã ngang nhiên xây dựng các đảo nhân tạo để củng cố yêu sách bành trướng trên biển, hộ tống tàu cá đánh bắt trái phép và triển khai phi pháp các radar, hệ thống phòng thủ tên lửa cùng máy bay chiến đấu lên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ bay quan sát Trung Quốc xây đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ngày 20/5/2015
Vụ việc trên có thể làm suy giảm các hoạt động trinh sát của quân đội Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi tàu Trung Quốc và Mỹ thường xuyên chơi trò "mèo vờn chuột", đồng thời làm tăng nguy cơ mẫu thuẫn leo thang thành xung đột vũ trang.
Peter Singer, thành viên cấp cao tại "Tổ chức an ninh Mỹ mới" cho rằng, nếu Lin làm gián điệp cho Trung Quốc, anh ta có thể đã cung cấp cho Bắc Kinh những gì mà Mỹ nắm được về năng lực của Trung Quốc.
Chẳng hạn, các đô đốc Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể dùng tàu ngầm tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Với kinh nghiệm vận hành các máy bay săn ngầm, Lin có thể tiết lộ cho Trung Quốc những thông tin tình báo quan trọng như bằng cách nào và ở phạm vi nào quân đội Mỹ có thể phát hiện tàu ngầm Trung Quốc.
Theo Singer, điều đó sẽ cho phép Trung Quốc tránh được sự truy lùng từ các thợ săn tàu ngầm hàng đầu của Mỹ.
Những máy bay như Poseidon và Aries còn thu thập dữ liệu điện tử khi chúng bay dọc bờ biển Trung Quốc, trong đó có tín hiệu phát ra từ các trạm radar bờ biển, các thiết bị liên lạc vô tuyến điện và một số dữ liệu khác trong không trung.
Thông tin thu được có thể dùng để thiết lập bản đồ về các trạm radar và lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quyết định vào lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, hành vi gián điệp của Lin có thể phá hỏng những kế hoạch đó, bằng cách tiết lộ cho Bắc Kinh rằng Mỹ đã nắm được những điểm yếu nào trong mạng lưới phòng thủ của Trung Quốc.
Ông Singer cho biết, Poseidon là "đại diện tiên tiến nhất trong lực lượng máy bay trinh sát hàng hải và tác chiến chống ngầm" của Mỹ hiện nay.
Máy bay được trang bị một loạt cảm biên tiên tiến, có cơ chế hoạt động sáng tạo trong việc chia sẻ thông tin thu thập được với các chiến đấu cơ, tàu chiến mặt nước và tàu ngầm.
Lin có thể đã cung cấp cho Trung Quốc những thông tin bí mật giúp lực lượng tàu ngầm nước này tránh được sự truy lùng từ các thợ săn tàu ngầm hàng đầu của Mỹ.
Ngoài tội danh làm gián điệp, Edward Lin còn bị cáo buộc liên quan tới hành vi mại dâm. Lin hiện đang bị tạm giam tại Chesapeake, Virginia để chờ ngày ra xét xử tại tòa.
Lin sinh ra tại Đài Loan và đã từng viết nhiều lời lẽ chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều này đặt ra nghi vấn liệu Lin có chủ tâm tiếp tay cho Bắc Kinh hay không.
Theo Sulick, còn có một khả năng: Lin là "nạn nhân" của một hoạt động đánh lừa khác, trong đó các gián điệp Trung Quốc giả làm gián điệp Đài Loan, lừa Lin cung cấp thông tin cho đối thủ của Mỹ, thay vì đồng minh của Mỹ như anh ta vẫn tưởng.
Một loạt bê bối gián điệp
Các gián điệp Trung Quốc đã nhiều lần trà trộn vào quân đội Đài Loan, khiến hòn đảo này gặp không ít rắc rối.
Theo Patrick Cronin, giám đốc cấp cao chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại "Trung tâm an ninh Mỹ mới", khi hoạt động thương mại giữa 2 phía được mở rộng thì hoạt động gián điệp qua eo biển Đài Loan cũng tăng lên.
"Đã có một số nhân viên quân sự của Đài Loan bị bắt giữ và ngày càng có nhiều lo ngại về mức độ an ninh lỏng lẻo trên hòn đảo này" - Cronin nói với Foreign Policy.
Năm 2011 đã xảy vụ bê bối rúng động các cơ sở quân sự của Đài Loan. Tướng Lo Hsien-che của Đài Loan đã bị kết án tù chung thân vì bán thông tin mật cho Trung Quốc.
Đây là vụ bê bối gián điệp lớn nhất tại Đài Loan trong 50 năm qua và thủ phạm lại là sĩ quan quân đội có cấp bậc cao nhất từng bị bắt vì làm gián điệp cho Đại lục.
Trong năm 2013 và 2014, Đài Loan tiếp tục phát hiện hơn 15 trường hợp khác làm gián điệp cho Trung Quốc, phần lớn đều là các thành viên thuộc lực lượng thường trực hoặc một số người đã về hưu.
Tại Mỹ, các vụ phạm tội tuồn thông tin bí mật cho Đài Loan có vẻ hiếm hơn. Năm 2005, Donald Keyser, quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp trái phép thông tin mật cho một gián điệp Đài Loan, đồng thời cũng là người tình của ông ta.
Tới năm 2010, trung tá không quân Mỹ James Wilbur Fondren Jr. bị kết tội tuồn thông tin cho một đầu mối ở Đài Loan, sau đó đầu mối này chuyển cho Bắc Kinh. Fondren từng giữ chức phó giám đốc văn phòng liên lạc của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương.
Nếu các cáo buộc về Lin là chính xác thì đây sẽ là thất bại mới của Hải quân Mỹ trong việc bảo vệ bí mật quốc gia.
Trong giai đoạn từ năm 1967- 1985, John Walker - lính hải quân Mỹ - đã tuồn "một kho" bí mật cho Liên Xô, cho phép Moscow tiếp cận một lượng lớn các thông tin đã được mã hóa và biết được vị trí các tàu ngầm Mỹ đang hoạt động.
Sau bê bối của Walker, Hải quân Mỹ đã thắt chặt các quy định để truy lùng gián điệp. Họ sớm phát hiện ra rằng Jonathan Pollard - một chuyên gia phân tích thông tin tình báo dân sự - đã lén chuyển các va li chứa tài liệu mật cho Israel.
Pollard đã phải ngồi tù 30 năm, trước khi được trả tự do vào tháng 11 năm ngoái.
Chiếc EP-3E khi đang bị giữ tại Hải Nam
Bắc Kinh hẳn không cần tới gián điệp để tìm hiểu các bí mật từng gây thiệt hại cho máy bay trinh sát Mỹ.
Họ đã có dịp mổ xẻ năng lực tác chiến của máy bay Aries khi một chiếc máy bay loại này va chạm với tiêm kích J-8 Trung Quốc gần đảo Hải Nam vào tháng 4/2001.
Máy bay Mỹ đã buộc phải hạ cánh xuống hòn đảo của Trung Quốc. Phi hành đoàn Mỹ bị giam giữ trong 2 tuần, còn chiếc EP-3E vẫn được trao trả nhưng tất nhiên là sau khi các kỹ sư Trung Quốc đã tháo dỡ và nghiên cứu chi tiết.
Điều đó đã buộc Hải quân Mỹ phải cẩn trọng hơn trong các chuyến bay trinh sát gần bờ biển Trung Quốc và nâng cấp các hệ thống trên mẫu máy bay này.