Sao chép vũ khí trắng trợn, TQ vẫn là... "cứu tinh" lớn của Nga

Nhật Huy |

Những hợp đồng vũ khí đầu tiên với Trung Quốc trong thập niên 90 và đầu những năm 2000 đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối sự tồn vong của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Trung Quốc đã sớm trở thành bạn hàng lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.

Song kim ngạch buôn bán vũ khí giữa 2 nước bắt đầu suy giảm từ năm 2006, chủ yếu vì phía Nga không hài lòng với việc Trung Quốc trắng trợn sao chép các thiết kế của mình.

Ngoài ra, một số tướng lĩnh Nga lo ngại có thể xảy ra xung đột giữa 2 nước trong tương lai và khi đó Nga sẽ phải chống lại chính những vũ khí do mình sản xuất.

Tuy vậy, đến năm 2015, Nga bất ngờ nối lại những hợp đồng xuất khẩu vũ khí giá trị lớn cho Trung Quốc.

Có thể kể đến hợp đồng bán hệ thống phòng không S-400 trị giá 3 tỷ USD, hay hợp đồng 2 tỷ USD bán 24 chiếc Su-35, biến Trung Quốc trở thành khách hàng quốc tế đầu tiên của cả 2 hệ thống vũ khí tối tân này.

Tổng thống Putin và chủ tịch Tập Cận Bình tại một hội nghị quốc tế năm 2015
Tổng thống Putin và chủ tịch Tập Cận Bình tại một hội nghị quốc tế năm 2015

"Cứu tinh" của nền công nghiệp quốc phòng Nga

Những hợp đồng vũ khí đầu tiên với Trung Quốc trong thập niên 90 và đầu những năm 2000 đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối sự tồn vong của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, trong bối cảnh quân đội nước này gần như không có ngân sách dành cho mua sắm mới.

Nhiều đơn vị vũ khí, đặc biệt là máy bay chiến đấu, đã được lên kế hoạch sản xuất khi Liên Xô còn tồn tại, song giờ đây Nga lại không có ngân sách để mua và duy trì chúng. Vì vậy, bán chúng cho Trung Quốc là cách duy nhất để thu hồi chi phí sản xuất.

Ngược lại, nhờ những hợp đồng đó mà Trung Quốc có thể tiếp cận những hệ thống vũ khí và công nghệ quân sự tiên tiến nhất. Không phải ngẫu nhiên mà đa số các hợp đồng này đều phục vụ quân chủng không quân và hải quân.

Trung Quốc đặt mua 24 chiếc Su-27 trị giá 1 tỷ USD vào năm 1991. Đến năm 1995, Trung Quốc mua thêm 24 chiếc nữa và không lâu sau đó là những phiên bản hiện đại hơn Su-30MKK và Su-30MK2.

Nhưng không chỉ bán vũ khí mà Nga còn đi xa hơn khi sẵn sàng cho phép Trung Quốc tự sản xuất phiên bản nội địa của Su-27.

Tháng 2/1996, hai nước ký thỏa thuận trị giá 2,2 tỷ USD cho phép Trung Quốc lắp ráp 200 chiếc Su-27 phiên bản nội địa, hay còn gọi là J-11A, sử dụng công nghệ và trang thiết bị do Nga cung cấp như động cơ AL-31F, tên lửa không đối không AA-10 và AA-12.

Thỏa thuận này không chỉ khiến Nga mất cơ hội xuất khẩu thêm Su-27 cho Trung Quốc (theo ước tính có thể vào khoảng 1,2 tỷ USD) mà còn tạo cơ hội để Trung Quốc làm chủ công nghệ để tự phát triển chiến đấu cơ hiện đại.

Trên thực tế, Trung Quốc không cần phải sử dụng hết số giấy phép lắp ráp J-11A. Thay vào đó, họ cho ra mắt J-11B, phiên bản sao chép trái phép của Su-27, sử dụng một số công nghệ và trang thiết bị do nước này tự phát triển.

Su-27 (trái) và J-11 (phải)
Su-27 (trái) và J-11 (phải)

Đối với hải quân, Trung Quốc đã mua 4 tàu khu trục Sovremenny, được trang bị tên lửa diệt hạm siêu thanh 3M-80E Moskit với tầm bắn từ 120 km đến 200 km tùy phiên bản.

Bên cạnh đó là 12 tàu ngầm diesel-điện Kilo được trang bị tên lửa diệt hạm 3M-54E Klub và ngư lôi 53-65KE.

Từ đó, Trung Quốc cũng bắt đầu tự mình phát triển những mẫu tàu chiến và tàu ngầm riêng nhưng vẫn dựa vào các công nghệ và trang thiết bị của Nga.

Một hợp đồng quan trọng khác là hệ thống phòng không tầm xa S-300. Nga cũng cung cấp trực thăng và máy bay vận tải IL-76 cho Trung Quốc.

Giá trị các hợp đồng xuất khẩu vũ khí từ Nga sang Trung Quốc có xu hướng giảm trong giai đoạn 2005 – 2014.

Song nhìn chung, tổng giá trị vũ khí mà Nga xuất cho Trung Quốc trong giai đoạn này cũng lên đến 13,6 tỷ USD, biến nước này thành khách hàng lớn thứ 2 của Nga, chỉ đứng sau Ấn Độ với 21,1 tỷ USD.

Nhìn chung trong giai đoạn 2005 – 2014, kinh tế Nga đã khởi sắc hơn nhiều nhờ giá dầu ở mức cao và cho phép nước này cân nhắc lại những nguy cơ lâu dài của việc bán vũ khí tối tân cho Trung Quốc so với lợi ích kinh tế trước mắt.

Tuy nhiên, những thay đổi lớn về địa chính trị và kinh tế trong năm 2015 vừa qua đã khiến Nga quay lại chính sách tương tự như những năm 1990. Nếu như trước đây Nga bán S-300 và Su-27 thì nay họ bán S-400 và Su-35.

Mối quan hệ nồng ấm trở lại

S-400 hiện là hệ thống phòng không trên bộ có tầm bắn xa nhất thế giới, lên đến 400 km nếu dùng loại tên lửa 40N6. Trên lý thuyết, tầm bắn này cho phép các giàn phóng từ bờ biển Trung Quốc bắn trúng mục tiêu trên bầu trời đảo Đài Loan.

Hai loại tên lửa nhỏ hơn 48N6 và 9M96E2 có tầm bắn lần lượt là 250 km và 120 km.

Với hợp đồng 3 tỷ USD, Trung Quốc sẽ sở hữu 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 với 36 giàn phóng di động để bổ sung cho các hệ thống phòng không tầm xa hiện có, gồm S-300 và HQ-9.

S-400 nhiều khả năng sẽ được dùng để bảo vệ các thành phố lớn hay căn cứ quân sự chiến lược như căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam.

(Từ trái qua phải) Các thành phần của hệ thống S-400: giàn phóng, radar dẫn bắn và radar cảnh báo sớm
(Từ trái qua phải) Các thành phần của hệ thống S-400: giàn phóng, radar dẫn bắn và radar cảnh báo sớm

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công nghệ hàng không quân sự, từ J-11 cho đến J-20, mẫu chiến đấu cơ “tàng hình” thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.

Song trên thực tế, nước này vẫn đi sau Nga về những công nghệ cốt lõi trong một chiến đấu cơ hiện đại, đặc biệt là động cơ phản lực hiệu suất cao và radar. Vì vậy Trung Quốc vẫn muốn những vũ khí mới nhất từ Nga.

Và gần như chắc chắn nước này cũng sẽ tìm cách sao chép các công nghệ của Su-35, như động cơ AL-41F1S hay radar Ibris-E, tương tự như cách họ đã làm với Su-27.

Máy bay chiến đấu Su-35
Máy bay chiến đấu Su-35

Người Nga tất nhiên cũng hiểu rõ nguy cơ tiềm ẩn của việc bán mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất của mình cho Trung Quốc.

Vì vậy, ban đầu họ yêu cầu số lượng tối thiểu phải là 48 chiếc để đảm bảo rằng ít nhất thì lợi nhuận từ phi vụ này cũng đủ bù đắp cho những thiệt hại nếu có trong tương lai.

Nhưng con số cuối cùng chỉ là 24 chiếc, tương tự số lượng Su-27 mà Trung Quốc mua lần đầu tiên từ Nga.

Nếu như hợp đồng mua Su-27 giúp đặt nền móng cho khả năng tự phát triển chiến đấu cơ hiện đại của Trung Quốc thì rất có thể hợp đồng lần này sẽ giúp Trung Quốc hoàn tất việc làm chủ công nghệ này.

Bên cạnh những hợp đồng đình đám, 2 nước cũng hợp tác trên nhiều hoạt động quan trọng khác nhưng ít được biết đến hơn.

Chẳng hạn như công ty an ninh mạng Kaspersky Labs của Nga hỗ trợ Trung Quốc chống lại những cuộc tấn công trên không gian mạng từ một quốc gia “không được nêu tên".

Nga cũng đang xem xét khả năng cung cấp các động cơ RD-180 dùng cho tên lửa không gian hạng nặng cho Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc sẽ cung cấp các thiết bị điện tử cho tàu không gian Nga.

RD-180 là một trong những động cơ đẩy đáng tin cậy nhất hiện nay, và được Mỹ dùng cho nhiều vụ phóng vệ tinh cả dân sự và quân sự của mình.

Động lực kinh tế và chính trị

Có 2 lý do chính có thể giải thích cho việc Nga bất ngờ nối lại việc bán những hệ thống vũ khí quan trọng cho Trung Quốc.

Thứ nhất, nền kinh tế Nga vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng do giá dầu xuống thấp và cấm vận kinh tế từ phương Tây.

Ngân sách nước này đã rơi vào tình trạng thâm thủng từ năm 2012 cho đến nay và dự kiến quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia sẽ cạn sạch vào năm 2017. Trong khi đó, giá trị đồng rúp so với USD đã giảm 50% so với tháng 8/2014.

Ngay cả ngân sách quốc phòng, vốn luôn là ưu tiên và tăng đều qua từng năm, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008, cũng bị cắt giảm 5% trong năm nay.

Thứ hai, bên cạnh lợi ích kinh tế thuần túy là toan tính về chính trị, trong bối cảnh quan hệ với phương Tây ngày càng căng thẳng thì Nga càng phải tăng cường quan hệ đồng minh với Trung Quốc, và công nghệ quân sự là một chất xúc tác quan trọng cho mối quan hệ này.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại