Giai đoạn 2011 - 2015, Nga bán cho Trung Quốc bao nhiêu vũ khí?

Hải Dương |

Mặc dù có suy giảm so với giai đoạn trước nhưng Trung Quốc vẫn là một bạn hàng lớn của vũ khí Nga, đáng chú ý trong 5 năm gần đây, nước này chủ yếu mua khí tài dành cho hải quân.

Theo số liệu được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, Trung Quốc đã chi 6,68 tỷ USD để mua sắm vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, mà chủ yếu được đặt hàng từ đối tác truyền thống là Nga.

Các loại vũ khí Trung Quốc được Nga cung cấp đều thuộc hàng cực kỳ hiện đại, có tính năng kỹ chiến thuật rất cao, bao gồm những loại sau đây.

Vũ khí hải quân


Khinh hạm Type 054A của Trung Quốc được trang bị các khí tài điện tử tối tân của Nga

Khinh hạm Type 054A của Trung Quốc được trang bị các khí tài điện tử tối tân của Nga

Hiện tại, hầu hết các loại radar trinh sát và radar điều khiển hỏa lực trên các chiến hạm của Hải quân Trung Quốc (PLAN) đều có xuất xứ từ Nga.

Tính đến năm 2015, PLAN đã nhận được 21 đài radar trinh sát 3D Fregat/Top Plate, trong đó 20 bộ dùng để trang bị cho khinh hạm Type 054A và 1 chiếc để lắp đặt trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Bên cạnh đó còn có 80 đài radar điều khiển hỏa lực MR-90/Front Dome (sử dụng cho 24 tàu Type 054A) để dẫn bắn cho tên lửa hạm đối không HHQ-16; và 2 radar kiểm soát hỏa lực pháo MR-123/Ball Tilt để lắp trên tàu đổ bộ Zubr mà nước này mua từ Ukraine.


Tên lửa Kh-59ME được phóng đi từ tiêm kích Su-30MK2

Tên lửa Kh-59ME được phóng đi từ tiêm kích Su-30MK2

Một hợp đồng rất đáng chú ý khác là Trung Quốc đã nhận được 200 quả tên lửa đối hạm Kh-59MK (có thể bao gồm cả biến thể Kh-59MK2) để trang bị cho tiêm kích Su-20MK2. Đây chính là tên lửa không đối hạm lợi hại nhất của Không quân Hải quân Trung Quốc.

Mặc dù đã chế tạo được nhiều loại pháo hạm tiên tiến nhưng PLAN vẫn mua thêm 23 pháo AK-176M cỡ 76 mm để lắp trên các tàu Type -54A và Type 071.

Trong năm 2011, Trung Quốc còn nhận đủ 9 máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, chúng có thể được bố trí trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Vũ khí phòng không - không quân


Oanh tạc cơ H-6K đang bay bằng động cơ do Nga cung cấp

Oanh tạc cơ H-6K đang bay bằng động cơ do Nga cung cấp

Ngoài thương vụ đình đám đặt mua 24 tiêm kích đa năng thế hệ 4+ Su-35S với trị giá 2 tỷ USD cùng 6 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf, Trung Quốc còn mua của Nga 12 máy bay vận tải Il-76M đã qua sử dụng cùng 84 trực thăng vận tải Mi-171E.

Nhưng điểm nhấn vẫn là số lượng khổng lồ các loại động cơ mà nước này mua về để lắp cho các loại phản lực tự sản xuất trong nước.

Trung Quốc đã mua tới 245 động cơ AL-31FN (loại có vector điều hướng) để trang bị cho tiêm kích J-10 cùng 60 động cơ AL-31F cho tiêm kích hạm J-15.

Bên cạnh đó còn có 199 động cơ phản lực D-30 dùng để hiện đại hóa máy bay vận tải Il-76M, lắp cho máy bay ném bom chiến lược H-6K cũng như "ngựa thồ đường không" nội địa Y-20.

Vũ khí sản xuất theo giấy phép


Tên lửa không đối hạm Kh-31A

Tên lửa không đối hạm Kh-31A

Ngoài mua nguyên chiếc, Trung Quốc còn được Nga cấp giấy phép hoặc phụ tùng để lắp ráp, sản xuất một số loại vũ khí sau đây.

Chiếm số lượng lớn nhất và cũng có giá trị cao nhất là 1.500 tên lửa chống tăng 9M119 Svir/AT-11, loại vũ khí này được xem như ngọn giáo nối dài dành cho xe tăng Type 96 và Type 99.

Tiếp theo là 985 quả tên lửa Kh-31, trong đó bao gồm cả biến thể đối hạm Kh-31A cũng như loại chống radar Kh-31P. Các tên lửa này có tên mới là YJ-91, được biên chế cho máy bay JH-7, J-8-II và Su-30.

Trung Quốc còn chế tạo thêm 25 đài radar trinh sát bề mặt Mineral-ME/Band Stand để lắp đặt trên các tàu chiến Type 054A, Type 052C/D; 103 pháo phòng không cao tốc AK-630 cho tàu tấn công nhanh Type 022; 23 pháo hạm AK-176M cho tàu hộ vệ Type 056.

Như vậy có thể thấy rằng Bắc Kinh vẫn là một bạn hàng cực lớn của vũ khí Nga, do có mối liên kết chặt chẽ về kinh tế nên cũng dễ hiểu vì sao họ lại được Moskva hậu thuẫn trong nhiều vấn đề khu vực cũng như quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại