Việc Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước và nguồn cung tại một số quốc gia bị sụt giảm do El Nino vào năm 2023 đã thúc đẩy nhu cầu và giá gạo tăng cao trong thời gian qua. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ diễn biến này của thị trường khi các quốc gia đều đang tìm đến nước ta để thay thế nguồn cung bị thâm hụt từ Ấn Độ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 513.409 tấn với kim ngạch đạt hơn 323 triệu USD, giảm 40% về lượng và giảm 38% về kim ngạch so với tháng trước đó. Giá nhập khẩu đạt 629 USD/tấn, tăng 3,4%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nước ta đã xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo, tương đương hơn 2,8 tỷ USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 28% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm đạt 635 USD/tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, gạo của Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines với 1,94 triệu tấn, tương đương hơn 1,2 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 40% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 622 USD/tấn.
Đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Indonesia với 712.438 tấn với trị giá 444 triệu USD, tăng 44% về lượng và tăng 82% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 623 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Malaysia đã vươn lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam với 461.555 tấn, tương đương hơn 274 triệu USD, tăng mạnh 135% về lượng và tăng 188% về kim ngạch. Giá bình quân đạt 595 USD/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý xuất khẩu gạo sang Ukraine chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam với mức tăng đột biến 4 chữ số. Cụ thể sang nửa đầu năm, nước ta xuất sang Ukraine 10.397 tấn gạo với kim ngạch đạt hơn 6,6 triệu USD, tăng 3.853% về lượng và tăng 3.330% về trị giá so với 6T/2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 637 USD/tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Ukraine là một quốc gia mạnh về xuất khẩu nông sản, đặc biệt là lúa mì. Từ đầu vụ đến nay (tính theo niên vụ 2023-2024 từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024), xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã tăng lên 2,56 triệu tấn - cao hơn so với mức 2 triệu tấn cùng kỳ năm trước, trích dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine.
Tổng khối lượng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong niên vụ này gồm 1,27 triệu tấn ngô, 977.000 tấn lúa mỳ và 329.000 tấn lúa mạch. Bên cạnh đó, tính đến ngày 6/8/2022, quốc gia này đã xuất khẩu được 1,3 triệu tấn ngô, 467.000 tấn lúa mỳ và 180.000 tấn lúa mạch.
Dự báo về tình hình giá gạo Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định dù có lúc trồi sụt nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ quanh mức 600 USD/tấn, cao hơn con số 575 USD/tấn của năm 2023.
Do nhu cầu của thị trường thế giới cao, các thị trường vẫn đang tăng nhu cầu thu mua, trong bối cảnh thị trường Ấn Độ cũng chưa có động thái xuất khẩu gạo trở lại sau bầu cử.
Vì vậy, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhìn chung sẽ vẫn tốt và trong mỗi giai đoạn nhất định, giá gạo xuất khẩu sẽ có sự điều chỉnh lên xuống. Dự báo tới đây, giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu sẽ quay trở lại đà tăng do thu hoạch vụ Đông Xuân đã kết thúc.