Bất ngờ mở rộng căn cứ không quân ở Syria, Nga tung đòn “ngầm” với Mỹ?

Vũ Thu Hương |

Giới nhận định cho rằng việc Nga mở rộng căn cứ không quân Khmeimim ở Syria để có thể tiếp nhận tất cả các loại máy bay là thông điệp lớn tới Mỹ.

Theo al-monitor, Nga đang tiến hành mở rộng căn cứ không quân Khmeimim ở Syria để có thể tiếp nhận tất cả các loại máy bay.

Bộ Quốc phòng Nga hiện đang nỗ lực mở rộng năng lực của căn cứ không quân Khmeimim của Syria ở vùng nông thôn Latakia. Động thái này nằm trong kế hoạch của Nga nhằm đề cao sự hiện diện của Moscow ở phía đông Địa Trung Hải về lâu dài.

Trang web War Zone chuyên về phân tích quân sự đã công bố một báo cáo hôm 5/2 cho biết, các hình ảnh vệ tinh cho thấy công việc mở rộng một trong hai đường băng chính của căn cứ không quân Khmeimim thêm khoảng 3km.

“Việc mở rộng sẽ cho phép căn cứ triển khai thường xuyên hơn các máy bay lớn hơn và máy bay chở hàng có tải trọng nặng hơn, bao gồm cả máy bay vận tải hạng nặng và thậm chí cả máy bay ném bom”, trang web nêu rõ.

Trong khi đó, truyền thông Nga dẫn lời một phi công Nga cho biết ngày 27/5 rằng các máy bay có thể hạ cánh lần lượt xuống căn cứ không quân Khmeimim với thời gian chỉ mất chừng một phút. Phi công cho biết sân bay tại căn cứ không quân cũng sẽ được trang bị để đón máy bay dân dụng.

Bất ngờ mở rộng căn cứ không quân ở Syria, Nga tung đòn “ngầm” với Mỹ? - Ảnh 2.

Nga liên tục mở rộng căn cứ không quân ở Syria


Vào cuối tháng 4, đã xuất hiện thông tin cho rằng một máy bay Nga đã cất cánh từ sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv về phía căn cứ không quân Khmeimim ở Latakia.

Nasr al-Yousef, một nhà báo cư trú tại Moscow và là chủ tịch hội đồng quản trị của trang web tin tức Syria Today, nói với Al-Monitor:

“Moscow đang sửa sang căn cứ không quân Khmeimim, kiểm soát các khu vực rộng lớn ở xung quanh căn cứ và mở rộng hoạt động với lý do đảm bảo giúp chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Theo thỏa thuận kiểm soát căn cứ không quân Khmeimim, chính phủ Syria không giám sát máy bay chở hàng và tàu bè đi vào căn cứ. Người Nga có thể ra vào các căn cứ mà không cần phải có thị thực nhập cảnh từ chính quyền Syria".

Nhà báo này cũng cho biết: "Vì các căn cứ của Nga cần nhiều nhân viên kiểm soát bởi trong đó gồm cả các cơ quan dịch vụ, hành chính và sản xuất và vì khu vực này không có chung biên giới đất liền với Nga, nên giải pháp duy nhất là cần đến một sân bay dân dụng để đảm bảo có thể chuyển số lượng lớn nhân viên trong các căn cứ".

Abdel Wahab Asi, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Jusoor ở Istanbul, nói với Al-Monitor: “Nga đang hoàn thành việc mở rộng và bảo trì các đường băng của sân bay để có thể tiếp nhận ba máy bay ném bom của Nga: TU-22M3, TU-95MS và TU-160.

Tuy nhiên, ngoài mục tiêu tăng sức chứa cho căn cứ Khmeimim và biến nó thành một trung tâm hoạt động trong khu vực - thì Nga đang nỗ lực biến căn cứ này thành một trung tâm chuyển giao chiến lược và hậu cần từ Nga đến Syria và từ đây đi đến các căn cứ khác ở Trung Đông như căn cứ al-Jufra ở Libya hoặc những nơi khác trong tương lai".

Ông Abdel Wahab Asi cũng cho rằng: "Việc mở rộng mang một thông điệp tới chính quyền mới của Mỹ - rằng sẽ không có sự rút lui ngay lập tức của người Nga (khỏi khu vực) và rằng Syria là một khu vực ảnh hưởng chính đối với Moscow.

Các hoạt động mở rộng giúp việc tiếp nhận máy bay dân dụng dễ dàng hơn phục vụ cho công tác ngoại giao và an ninh giữa Nga với chính quyền Syria hay với bất kỳ quốc gia nào khác như Israel. ”

Ông Wahab Asi nói thêm, “Nga đang hạn chế sử dụng các sân bay Damascus hoặc Aleppo hoặc các sân bay khác vì những sân bay này có thể chỉ dành cho hoạt động dân sự chứ không đảm nhiệm được mục tiêu ngoại giao, chính trị trong tình hình bất ổn hiện nay.

Nga đang cố gắng đảm bảo mức độ an toàn và tin cậy cao nhất, trong trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin, các bộ trưởng quốc phòng và các nhà ngoại giao hoặc bất kỳ quan chức cấp cao nào khác đến quốc gia Trung Đông.

Việc khôi phục các sân bay dân dụng ở Syria rất tốn kém vì cơ sở hạ tầng nơi đây yếu kém và bị phá hủy trong suốt cuộc chiến ở Syria”.

Nga và chính quyền Syria đã ký một thỏa thuận vào năm 2019, cho phép Moscow thuê cảng Tartus trong 49 năm, trong một động thái nhằm củng cố vị thế của Nga trên toàn bộ bờ biển Syria.

Điều 25 trong thỏa thuận quy định rằng Moscow sẽ tự động được gia hạn thêm 25 năm nữa nếu không bên nào gửi thư có ý định thông qua yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

Muhammad Fayez al-Asmar, một nhà phân tích quân sự nói với Al-Monitor:

“Nga đang nỗ lực cho sự hiện diện và ảnh hưởng quân sự lâu dài ở Syria, bằng cách mở rộng phương tiện vận tải hàng không đến tất cả các sân bay quân sự và dân sự ở Syria, đồng thời triển khai các căn cứ quân sự mặt đất và trang bị vũ khí, thiết bị hiện đại....

Moscow cũng mở rộng căn cứ hải quân Tartus để tiếp nhận các sà lan, tàu chiến và tàu thương mại của Nga, đồng thời cung cấp các dịch vụ hậu cần và kỹ thuật ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại