Việc con non sẽ bám trên lưng mẹ trong vòng 10 - 20 ngày cho đến khi chúng trải qua ít nhất một kỳ lột xác không phải là một việc dễ dàng. Vậy, bọ cạp mẹ đã làm thế nào mà có thể 'chăm sóc' không chỉ 1 mà đến 100 con? Sự thật khiến không ít người kinh ngạc.
Bọ cạp đực và bọ cạp cái trước khi giao phối sẽ cùng nhau thực hiện một màn 'khiêu vũ' bằng cách giữ chặt hai càng, đây là quá trình để con cái kiểm tra sức mạnh của con đực. Sau đó, con đực dẫn bạn tình đi vòng quanh để tìm vị trí thích hợp để đặt túi tinh.
Việc giao cấu có thể mất từ 1 đến hơn 25 giờ tùy thuộc vào khả năng của bọ cạp đực tìm thấy nơi đặt túi tinh của nó nhanh hay chậm. Sau đó, hai con đi theo hướng riêng trừ khi con cái quyết định ăn con đực, trường hợp này hiếm khi xảy ra.
Đáng chú ý, một số loài bọ cạp không cần bận tâm đến việc giao phối để sinh con. Thay vào đó, chúng trải qua quá trình sinh sản vô tính, trứng trở thành phôi mà không cần sự góp mặt của tinh trùng.
Bọ cạp là động vật không xương sống thuộc lớp nhện. Tuy nhiên, bọ cạp không đẻ trứng, chúng đẻ con. Tùy thuộc vào loài, bọ cạp mẹ có thể phải chịu đựng đến 18 tháng mang thai trước khi sinh con. Bọ cạp trải qua thời gian mang thai tương đối dài.
Bọ cạp con sinh ra với bộ xương còn rất mềm, dễ dàng trở thành bữa ăn cho những kẻ săn mồi. Nếu chẳng may rơi xuống quá sớm gần như chắc chắn bọ cạp con sẽ chết vì chưa đủ khả năng tự sinh tồn.
Để tránh rủi ro này, những con bọ cạp mới sinh sẽ trú ẩn trên lưng bọ cạp mẹ. Bọ cạp con lớn lên bằng cách lột xác. Sau 5-7 lần lột xác, bọ cạp mới trưởng thành. Một con bọ cạp mẹ cũng có thể có tới 100 con trong một lứa.
Những con con ôm chặt lưng của mẹ, ở tại đó trong vài tuần cho đến khi trải qua quá trình lột xác đầu tiên, bộ xương ngoài trở nên cứng cáp hơn.
Đôi khi, lúc không tìm thấy đủ thức ăn, bọ cạp mẹ sẽ ăn con con. Trường hợp này hiếm xảy ra nhưng đã từng ghi nhận trong tự nhiên.