Biển Đen – điểm chiến lược Nga -Thổ-NATO
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây đang ở mức thấp nhất mọi thời đại trong khi quan hệ đối tác giữa Ankara và Moscow đang phát triển mạnh mẽ.
Kể từ khi Nga bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng không tiên tiến S-400 vào tháng 7, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra về tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh NATO.
Những lo lắng như vậy không phải là vô căn cứ. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga chưa bao giờ gần gũi hơn sau hàng thập kỷ qua. Hai nước hợp tác chặt chẽ không chỉ về năng lượng và thương mại mà còn trong lĩnh vực quốc phòng.
Tuy nhiên, lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi liên minh dường như đã không tính tới những căng thẳng liên tục giữa Ankara và Moscow, điều khiến NATO trở thành đối tác không thể thiếu đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Một trong những khu vực mà lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga va chạm nhiều nhất - trong khi NATO rất quan trọng đối với nước này là ở Biển Đen - nơi Ankara từ lâu đã tìm cách đóng vai trò chủ chốt.
Sau Chiến tranh Lạnh, Ankara đã cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách gắn kết các cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và đặt nền móng cho thương mại.
Một thành phần quan trọng trong chiến lược Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ là loại trừ phương Tây ra khỏi các sáng kiến khu vực.
Theo suy nghĩ của Ankara, một sự hiện diện của NATO ở Biển Đen sẽ làm lu mờ vai trò của họ trong khu vực, làm tăng nguy cơ đối đầu với Nga và giáng một đòn mạnh vào tính hợp pháp các sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng, Ankara đã loại NATO khỏi Lực lượng Hải quân Biển Đen (BLACKSEAFOR), một sáng kiến an ninh hàng hải được đưa ra vào năm 2001 với sự tham gia của các quốc gia duyên hải tại đây.
Một sáng kiến khác do Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo là Black Sea Harmony, nổi lên như một phương án thay thế cho sứ mệnh Active Endeavor của NATO nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố xuyên quốc gia và buôn lậu.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng ngăn các đồng minh phương Tây hiện diện ở Biển Đen, thì nước này đã đáp ứng những lo ngại về an ninh của Nga. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Nga trong cuộc chiến Georgia vào năm 2008, bất chấp việc phương Tây đứng chỉ trích ở phía bên kia.
Ở thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi chiến thuật và cấm hai tàu bệnh viện của Mỹ đi qua Bosporus vào Biển Đen, dấy lên làn sóng phẩn đối từ phương Tây.
Sáp nhập Crimea thay đổi tình thế
Kể từ sau sự kiện Crimea, Thổ Nhĩ Kỳ đã cân nhắc việc đưa NATO vào hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đen.
Tuy nhiên, quyết định sáp nhập Crimea của Nga vào năm 2014 đã thay đổi suy nghĩ của Ankara.
Việc nắm trong tay Crimea đã làm nghiêng cán cân sức mạnh ở Biển Đen theo hướng có lợi cho Moscow. Nga mở rộng vùng đặc quyền kinh tế đáng kể. Bờ biển của nước này đã tăng lên 25%, gần bằng chiều dài bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bằng cách xây dựng khả năng chiến đấu và đội ngũ chấp pháp trên biển, Nga đã lấy mất vai trò đầu tàu của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành cường quốc hàng hải trong khu vực.
Nga đã triển khai chiến đấu cơ và tàu ngầm tiên tiến thuộc Hạm đội Biển Đen và hệ thống phòng không S-400 trên bán đảo. Sự sáp nhập Crimea cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga ở phía Đông Địa Trung Hải, một khu vực quan trọng khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga sử dụng các cảng ở Biển Đen để cung cấp hàng cho các hoạt động quân sự ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Hàng chục tàu chiến Nga, tàu chở hàng hải quân và tàu ngầm đã đi qua Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, nối liền Biển Đen với Aegean và Địa Trung Hải.
Sự cân bằng quyền lực đang thay đổi ở Biển Đen đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng khu vực này sẽ biến thành một "hồ nước" của Nga.
Phát biểu tại hội nghị an ninh Balkan năm 2016 tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu các đồng minh NATO tăng cường nỗ lực để cân bằng với Nga .
Bị đe dọa bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ chính sách lâu dài là cách ly NATO khỏi Biển Đen và hỗ trợ các nỗ lực cho sự hiện diện mạnh mẽ hơn của liên minh tại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho Rumani kêu gọi một hạm đội NATO thường trực ở Biển Đen để đối phó với Nga. Ankara đã xem xét quyết định tăng vị thế của liên minh trong khu vực thông qua việc tạo ra sự hiện diện phù hợp và phối hợp hàng hải là những bước quan trọng để chống lại Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện thêm các bước đi khác để kìm chế ảnh hưởng của Nga trong khu vực. Ankara ủng hộ các nước thân phương Tây như Ukraine và Georgia, cũng như ủng hộ sự mở rộng của NATO.
Trong vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng mối quan hệ quốc phòng và kinh tế chặt chẽ với Ukraine. Gần đây nhất, công ty Ukrspecexport của Ukraine và công ty chuyên về máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ Baykar Makina đã ký một thỏa thuận phát triển và sản xuất các công nghệ phòng thủ và hàng không vũ trụ.
Tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars, bỏ qua Nga, đã đi vào phục vụ vào năm 2017. Năm ngoái, Đường ống Trans-Anatilian (TANAP), mang khí đốt từ Azerbaijan đi qua đường ống mở rộng Nam Caucasus qua Georgia, đã bắt đầu bơm khí.
Mặc dù có mối quan hệ sâu sắc, cũng như không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ coi ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Biển Đen là mối đe dọa và coi NATO là một van an toàn.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-phương Tây có thể ở mức thấp nhất mọi thời đại và quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ có thể là mối quan hệ thân thiết nhất từ trước đến nay, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rời NATO sớm vì an ninh Biển Đen.