Hôm 14-11, đài CNBC cho biết trong số những quốc gia kể trên có Algeria, Ai Cập, Iraq, Morocco, Qatar, Ả Rập Saudi...
"Nhiều nước trong số này không muốn chờ đợi các rào cản pháp lý cũng như quy trình mua vũ khí phức tạp từ Mỹ… S-400 ít bị hạn chế xuất khẩu hơn và Điện Kremlin sẵn sàng đẩy mạnh các thương vụ (S-400)" – đài CNBC tiết lộ.
Một nguồn tin khác lưu ý hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga đã mạnh hơn, xét về khả năng, so với Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiên tiến nhất của Mỹ. "Không một hệ thống nào của Mỹ đủ khả năng bảo vệ các khoảng không gian dài và rộng như vậy" – nguồn tin nói với đài CNBC.
Mặc dù vũ khí Nga thường được xem là rẻ hơn so với vũ khí Mỹ nhưng chúng không được hỗ trợ bảo trì rộng rãi.
Nếu động thái trên xảy ra, Washington có thể công bố các biện pháp đáp trả dựa trên Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), có hiệu lực vào năm 2017 nhằm trừng phạt Nga về cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Hồi tháng 9, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc sau khi nước này mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga vào năm 2017 và các thiết bị liên quan đến hệ thống S-400 vào năm 2018.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đạt được thỏa thuận mua S-400 từ Nga. Về trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ tỏ ra quan ngại vì Ankara là đồng minh NATO của Washington. Nhà chức trách Ả Rập Saudi cũng công khai đàm phán với Nga về kế hoạch mua hệ thống tên lửa này.
S-400 là hệ thống tên lửa di động thế hệ mới có thể mang 3 loại tên lửa khác nhau để phá hủy một loạt mục tiêu trên không – bao gồm máy bay do thám, máy bay ném bom tàng hình, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường chính xác và một số tên lửa đạn đạo chiến thuật - từ tầm ngắn đến tầm siêu xa.
Hệ thống do Nga chế tạo cũng có khả năng phòng thủ chống lại một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.