Báo Trung Quốc: Trình độ đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga tụt hậu 20 năm so với Mỹ!

Bảo Lam |

Theo Phoenix, trong lĩnh vực phòng thủ thông thường thì các hệ thống phòng không Nga có nhiều ưu điểm nhưng với đánh chặn tên lửa đạn đạo thì Nga tụt hậu so với Mỹ khoảng 20 năm.

Tạp chí Phoenix (Phượng Hoàng) của Trung Quốc vừa mới đăng tải một bài viết đánh giá về các phương tiện phòng thủ chống tên lửa của Nga và cho rằng những phương tiện hiện nay đang làm mất đi thanh danh của Moscow.

Theo Phoenix, trong lĩnh vực phòng thủ thông thường, chống trả các mục tiêu là máy bay và tên lửa hành trình thì các hệ thống phòng không của Nga có nhiều ưu điểm. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đã mua những hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất thế giới S-300PM Favorit và S-400 Triumph.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực đánh chặn tên lửa đạn đạo thì Nga "tụt hậu khoảng 20 năm so với Mỹ và các cường quốc phương Đông". Sự tụt hậu này là do các hệ thống phòng không của Nga chưa thể sử dụng phương pháp đánh chặn động lực học.

Vấn đề này khá gây tranh cãi không chỉ bởi vì hệ thống đánh chặn động lực học không được chế tạo ở bất cứ "cường quốc phương Đông" nào, gồm cả Trung Quốc. Phương pháp đánh chặn động lực học không chỉ có các ưu điểm mà còn cả những khiếm khuyết.

Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ được coi là hoàn chỉnh nhất trong khi Nga vẫn thừa hưởng những thành quả từ thời Liên Xô và Trung Quốc thì mới bắt đầu.

Mỹ đã áp dụng phương pháp đánh chặn động học cho hệ thống phòng thủ như thế nào?

Ý tưởng sử dụng phương pháp động học để đánh chặn tên lửa đạn đạo xuất hiện ở Mỹ ngay từ khi bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia thập niên 1960. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật vào thời điểm đó, dẫn hướng một cách chính xác mục tiêu là điều không thể thực hiện.

Phương pháp đánh chặn động học được tái khởi động lại sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991). Khi đó, các tên lửa của tổ hợp phòng không Patriot được đánh giá là không phù hợp với việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud của Iraq.

Chính vì vậy, Mỹ đã tiến hành nâng cấp Patriot lên phiên bản mới – PAC 3 và đưa vào biên chế năm 2001. Ở phiên bản này, Mỹ sử dụng tên lửa đánh chặn động lực học, đảm bảo phá hủy các mục tiêu khi va chạm trực tiếp với chúng.

Tuy vậy, độ chính xác trên thực tế hoàn toàn khác so với những tính năng mà nhà sản xuất Raytheon công bố, theo chiều hướng không tốt. Patriot thuộc các tổ hợp tầm ngắn, đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách tối đa 20km và độ cao tối đa 15km.

Báo Trung Quốc: Trình độ đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga tụt hậu 20 năm so với Mỹ! - Ảnh 1.

Patriot PAC 3 là phiên bản đầu tiên sử dụng phương pháp đánh chặn động học. Ảnh: UPI

Trước khi triển khai đề án nâng cấp Patriot, công tác nghiên cứu đã được thực hiện, qua đó cho thấy triển vọng của đánh chặn động học là rất khả thi căn cứ vào độ chính xác dẫn hướng của các tên lửa tăng lên, thời gian phản ứng của các hệ thống phát hiện và tính toán quỹ đạo bay ngắn đi.

Lầu Năm Góc đã khuyến khích tất cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng chú trọng vào những hệ thống đánh chặn động lực học và phương pháp này cũng được ứng dụng cho tất cả các cấp độ phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Nếu như Patriot chuyên đánh chặn các tên lửa tầm ngắn thì THAAD lại được thiết kế để đánh chặn các tên lửa tầm trung. Tổ hợp cơ động này được biên chế vào năm 2008, có tầm hoạt động tối đa 200km và trần cao đánh chặn tối đa 200km.

Điều này có nghĩa là cần phải thực hiện nhiệm vụ đánh chặn ngoài tầng khí quyển, bằng phương pháp động lực học. Tên lửa của THAAD được gắn đầu dẫn hướng hồng ngoại thay vì định vị radar.

Nguyên lý đó cũng được sử dụng trong các tên lửa đánh chặn Standard Missile 3 (SM-3) áp dụng trong cả hệ thống tên lửa đánh chặn trên tàu chiến Aegis lẫn hệ thống phòng thủ mặt đất của châu Âu đang được thiết lập ở Romania và Ba Lan.

Tên lửa đánh chặn mới đã hoàn thành thử nghiệm SM-3 Block IIA, theo thông tin từ Raytheon, có khả năng đánh chặn bằng động lực học ở khoảng cách lên tới 2.500km và ở độ cao tối đa 1.500km. SM-3 cũng như tên lửa đánh chặn của tổ hợp THAAD, chuyên đánh chặn các tên lửa tầm trung.

Cuối cùng là hệ thống tên lửa đánh chặn quốc gia của Mỹ: Tổ hợp phòng thủ giai đoạn giữa đặt trên mặt đất (GMD). Hệ thống trang bị tên lửa đẩy nhiên liệu rắn đa tầng (GBI), mà về bản chất là tên lửa đẩy của tàu vũ trụ. GBI có chiều dài 16,6 m, trọng lượng phóng 21,6 tấn; đầu đạn EKV nặng 64 kg, được trang bị động cơ để điều khiển và đầu dò hồng ngoại.

Hiện nay Mỹ sở hữu tổng cộng 48 tên lửa đánh chặn GBI với 44 quả bố trí tại Alaska và 4 quả triển khai tại California. Đến giữa thập niên tới, dự kiến Mỹ sẽ nâng số lượng các tên lửa này lên 78 quả. Trong số 17 lần phóng thử, có 8 lần thành công.

Báo Trung Quốc: Trình độ đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga tụt hậu 20 năm so với Mỹ! - Ảnh 2.

Hệ thống THAAD có thể đánh chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo từ ngoài tầng khí quyển ở pha bay cuối. Ảnh: Lockheed Martin

Hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga

Từ giữa thế kỷ trước, Liên Xô đã bắt tay vào công tác nghiên cứu và xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa tiên tiến. Năm 1971, hệ thống A-35 được đưa vào sẵn sàng chiến đấu, có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Moscow.

Hiện nay, A-35 được Nga thay thế bởi một hệ thống mới hơn là A-135 Amur và vẫn đang trong quá trình hiện đại hóa. Cũng giống như GBI, A-135 Amur làm nhiệm vụ phản kháng những cuộc tấn công bằng số lượng hạn chế các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Phiên bản A-35 đầu tiên có loại đánh chặn trong khí quyển lên tới 700 km và đánh chặn tầm ngắn trong cự ly 100 km.

Hiện nay, tên lửa 53T6/PRS-1 chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly gần đang được Nga sử dụng. Loại tên lửa với đầu đạn đặc biệt này có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 100km và độ cao tối đa 45km, sử dụng đầu đạn nổ phá văng mảnh.

Vào đầu thập niên tới, phiên bản A-235 Nudol của hệ thống tên lửa đánh chặn sẽ được Nga đưa vào tuần tra chiến đấu. Nhưng A-235 cũng chỉ có khả năng phản kháng trước một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế.

Hiện nay, những thông tin về hệ thống tên lửa đánh chặn A-235 Nudol được bảo mật hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, theo một số thông tin được tiết lộ, tên lửa đánh chặn của A-235 Nudol có tầm bắn khoảng 1.500 km và chiều cao đánh chặn sẽ có thể bắn hạ các vệ tinh ở quỹ đạo thấp.

Quân đội Mỹ thử nghiệm THAAD trong năm 2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại