Báo Nga: Mỹ có thể đề nghị Ấn Độ cung cấp căn cứ quân sự để chống Iran

QS |

Theo Sputnik, đang có nhiều đồn đoán cho rằng Washington có ý định kéo theo Ấn Độ trong trường hợp có bất cứ tình huống leo thang nào với Iran.

Báo Nga cho biết, đồn đoán trên dấy lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập rằng tướng Qasem Soleimani của Iran (người vừa bị sát hại) có liên quan tới việc lên kế hoạch cho những cuộc tấn công khủng bố tại New Delhi.

"Washington có thể nhắc lại Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) và đề nghị Ấn Độ hỗ trợ theo thỏa thuận này" - Kabir Taneja, chuyên gia tại Tổ chức nghiên cứu Observer (trụ sở ở Delhi), đồng thời là tác giả cuốn "The ISIS Peril" nêu quan điểm.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ vẫn giữ im lặng, trong khi Đại sứ Iran tại Ấn Độ Ali Chegeni thẳng thừng phủ nhận những cáo buộc do ông Trump đưa ra.

Hôm thứ Ba, bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết, trong một cuộc điện đàm, Thủ tướng Modi đã bày tỏ nguyện vọng tiếp tục hợp tác với Tổng thống Trump trong tất cả các lĩnh vực có lợi ích chung của hai nước.

Trong khi đó, phía Mỹ nhấn mạnh rằng lãnh đạo hai phía đã thảo luận các phương thức để "tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn trong năm 2020", đồng thời đánh giá các vấn đề an ninh khu vực.

Thỏa thuận LEMOA phụ thuộc vào lợi ích chung

Được ký kết vào tháng 8/2016, Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) là một trong bốn thỏa thuận nền tảng mà Mỹ ký kết với đồng minh và các đối tác thân thiết nhằm tạo điều kiện tương tác cho các lực lượng quân đội và bán công nghệ tiên tiến. LEMOA bao gồm các điều khoản hỗ trợ hậu cần và dịch vụ giữa các lực lượng vũ trang của Ấn Độ và Mỹ.

Câu hỏi ở đây là liệu ông Trump có đề nghị ông Modi cho sử dụng các cơ sở của Ấn Độ theo thỏa thuận LEMOA trong trường hợp leo thang dâng cao với Iran hay không, nhất là trong bối cảnh Pakistan và Afghanistan đã tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ không để phía nào sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại bên khác.

"Họ (Mỹ) có thể sẽ đề cập tới thỏa thuận LEMOA nhưng nếu điều đó xảy ra thì cũng chỉ nhằm kiểm tra cam kết của Ấn Độ đối với quan hệ đối tác của nước này và Washington" – Chuyên gia Taneja nhận định.

Thỏa thuận này đã đề cập rõ rằng, ngoài hỗ trợ hậu cần, "các hình thức hợp tác khác chỉ được cung cấp trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, và phải có được sự nhất trí trước của các bên".

Theo chuyên gia Taneja, Mỹ khó có khả năng cần Ấn Độ "trở thành một sân khấu lớn cho bất kỳ xung đột nào của họ với Iran" bởi họ đã có nhiều căn cứ trong khu vực. Tuy nhiên, phản ứng của các đồng minh Mỹ cho thấy họ không muốn làm leo thang căng thẳng.

Truyền thông địa phương cho biết, Washington đã không "tham vấn" Saudi Arabia trước khi thực hiện vụ tấn công. Bahrain – nơi đặt trụ sở Bộ chỉ huy miền trung hải quân Mỹ - cũng muốn tránh gia tăng bạo lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại