Báo Nga: 1 tiêm kích và 1 khách hàng có thể "cứu sống" tượng đài vũ khí Liên Xô - Vì sao?

Hoài Giang |

Theo nhà phân tích Nga Roman Skomorokhov, hi vọng duy nhất giúp nhà sản xuất máy bay nổi tiếng Mikoyan khỏi sụp đổ hiện nằm ở chỉ 1 tiêm kích và 1 khách hàng nước ngoài.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Từ tiêm kích "40 tuổi vẫn chạy tốt" tới "cha đẻ" Mikoyan

Mikoyan MiG-31 với định danh NATO là "Foxhound" (cáo săn chồn) là một tiêm kích đánh chặn siêu âm được Phòng thiết kế Mikoyan phát triển vào giữa những năm 1970 dựa trên MiG-25.

MiG-31 bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 1979 và chính thức được Không quân Liên Xô đưa vào trang bị vào năm 1982 - cho đến nay ít nhất 500 chiếc đã được sản xuất.

Sau 40 năm - hiện tại các biến thể của MiG-31 vẫn là tiêm kích chiến lược của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) do chúng vượt xa hoàn toàn mọi loại máy bay tối tân nhất của Mỹ kể cả F-22 và F-35 về tốc độ, vũ khí.

Không những vậy mới đây "cặp đôi" MiG-31K và tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal đã chính thức thực chiến và gây tiếng vang trong liên tiếp 2 ngày 18 và 19/3 khi được sử dụng để tấn công vào các mục tiêu quân sự của phía Ukraine.

Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã phải xác nhận rằng "Gần như không thể ngăn chặn nó".

Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal được thử nghiệm trên tiêm kích MiG-31 (Nguồn: Sputnik).

Thế nhưng trái ngược với những gì MiG-31 đã chứng minh, số phận của Mikoyan - những người đã chế tạo ra loại tiêm kích này đang rất bấp bênh. Kể từ năm 2001, Mikoyan đã không thành công trong việc thuyết phục VKS đưa vào trang bị những sản phẩm do họ phát triển.

Cùng với việc MiG-35 đi vào "thùng rác lịch sử" - tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng thời Liên Xô, với các phòng thiết kế, trung tâm thử nghiệm và nhà máy ở Moscow, Lukhovitsy, Kalyazin, Nizhny Novgorod đã không thể sản xuất ra một tiêm kích đúng nghĩa trong hơn 20 năm.

Với các đơn hàng từ nước ngoài, Mikoyan vẫn tiếp tục chế tạo MiG-29 và nâng cấp nó với số lượng nhỏ - nhưng đó không phải là thứ gì đó "vĩnh cửu".

Câu hỏi được đặt ra là Mikoyan sẽ tồn tại bao lâu nữa nếu các khách hàng nước ngoài không còn quan tâm tới MiG-29?

Xem tiêm kích MiG-31BM của Nga diễn tập chặn máy bay xâm nhập trong đêm.

Cơ hội?

Bình luận về cái gọi là cơ hội của Mikoyan trên trang tin quân sự Nga Topwar, nhà phân tích Roman Skomorokhov nhấn mạnh:

"Trung Quốc đã từng quan tâm đến MiG-31. Họ đã từng không chỉ muốn mua - mà còn nỗ lực có được giấy phép sản xuất loại máy bay này vào những năm 90.

Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra và Trung Quốc - những người đã mua bản quyền sản xuất gần như toàn bộ dòng máy bay Su-27 - đã bị từ chối cấp phép cho MiG-31.

Thực tế là Trung Quốc không có biên giới rộng như Nga nên họ không cần tiêm kích đánh chặn siêu nhanh - nhưng không quân của họ có những vấn đề khác.

Mặc dù họ đã làm chủ được việc phát triển và sản xuất vũ khí siêu thanh nhưng những thứ đó cần được "mang vác" và đã muộn trong việc bắt tay vào chương trình chế tạo các nền tảng bay mang phóng tên lửa siêu thanh.

Các oanh tạc cơ chiến lược Xi'an (Tây An) H-6 và H-20 không phải là một nền tảng có thể mang vũ khí siêu thanh lên một độ cao lớn với tốc độ cao và phóng nó từ đó - như cách mà MiG-31K đã làm với Kinzhal.

Báo Nga: 1 tiêm kích và 1 khách hàng có thể cứu sống tượng đài vũ khí Liên Xô - Vì sao? - Ảnh 3.

Một oanh tạc cơ Xian H6 mang theo vũ khí được cho là tên lửa chống hạm DF-21 hoặc tên lửa siêu thanh DF-17 vào năm 2020.

Rõ ràng MiG-31K có thể giải quyết vấn đề nói trên cho Trung Quốc và ngược lại người Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề sống còn cho Mikoyan.

Nếu cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể tạo ra nền tảng bay mang phóng tên lửa chiến lược thì MiG-31K khá phù hợp để giải quyết vai trò này với chi phí hợp lý.

Việc Bắc Kinh cần thứ như vậy đã được các lãnh đạo chính quyền và quân đội của họ khẳng định - và ngoại trừ MiG-31, không có sự thay thế nào khác trên thị trường hàng không hiện đại.

Báo Nga: 1 tiêm kích và 1 khách hàng có thể cứu sống tượng đài vũ khí Liên Xô - Vì sao? - Ảnh 4.

MiG-31 được hiện đại hóa tại nhà máy nhà máy Sokul, một trong những nhà máy chuyên sản xuất các dòng máy bay MiG (Ảnh: EngRu).

Kết luận

"Ở đây một vấn đề khác nảy sinh - không phải là về việc Nga có quyết định bán một chiếc máy bay như vậy cho Trung Quốc hay không - mà về việc chiếc MiG-31 cuối cùng đã được Mikoyan lắp ráp vào năm 1994, tức là gần 30 năm trước.

Nói chung, chúng ta không còn nhiều thời gian để xem mọi thứ đã đang và sẽ thực sự diễn ra như thế nào - nhưng có điều gì đó nói với tôi (Roman Skomorokhov) rằng không nên mong đợi một phép màu.

Mikoyan sẽ đi vào lịch sử. Nhưng chúng ta vẫn còn Sukhoi và có lẽ với sự giúp đỡ của những nhân viên từ Mikoyan, họ sẽ có thể giải quyết tốt hơn mọi vấn đề về sự phát triển của hàng không Nga.

Và MiG-31 thực sự có thể trở thành "bài ca thiên nga" (cụm từ ẩn dụ cho một cử chỉ, nỗ lực hoặc màn trình diễn cuối cùng được đưa ra ngay trước khi chết) của Mikoyan - cho dù điều này nghe có vẻ buồn đến thế nào".

VKS hiện đang trang bị 286 chiếc MiG-31 và niêm cất 100 chiếc. Chúng bao gồm các biến thể MiG-31B/BS/BM/BSM và 10 biến thể đặc biệt MiG-31K được sửa đổi với vai trò tấn công bằng tên lửa siêu thanh.

Ngoài VKS chỉ có Không quân Kazakhstan chính thức trang bị từ 20 đến 33 chiếc MiG-31.

Syria đã đặt mua 8 MiG-31E (biến thể xuất khẩu) vào năm 2007, tuy nhiên thương vụ này đã bị dừng vào năm 2009 được cho là do áp lực của Israel hoặc vấn đề tài chính của Damascus.

Vào ngày 15/8/2015, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin rằng 6 chiếc MiG-31 đã được chuyển giao cho Syria nhưng phía Nga phủ nhận thông tin này.

Báo Nga: 1 tiêm kích và 1 khách hàng có thể cứu sống tượng đài vũ khí Liên Xô - Vì sao? - Ảnh 6.

Hình minh họa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại