Báo Mỹ: Trung Quốc đã chế tạo ra tàu ngầm lớn nhất và... tệ hại nhất thế giới

Hải Vy |

Theo tạp chí National Interest, vào năm 2010, chiếc tàu ngầm đầu tiên và cũng là duy nhất thuộc lớp Qing của Trung Quốc đã bơi ra biển sau gần 6 năm thi công.

Với lượng giãn nước 6.628 tấn khi lặn và có chiều dài bằng sân bóng đá (92m), nó được xem là tàu ngầm diesel điện lớn nhất từng được chế tạo.

Những đồn đoán về Type 032

Không giống phần đông các tàu ngầm diesel, Type 032 (lớp Qing) không chỉ bắn được tên lửa hành trình tầm xa, mà còn cả tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Do Bắc Kinh muốn giữ bí mật chương trình phát triển của mình nên đã dẫn đến suy đoán rằng: liệu Type 032 chỉ đơn thuần là tàu ngầm thử nghiệm mang tên lửa như tuyên bố chính thức hay là tiền thân của một hạm đội tàu ngầm giá rẻ mang tên lửa đạn đạo? Cũng có khả năng nó thực chất là một tàu ngầm nguyên mẫu, được chế tạo để xuất khẩu sang Pakistan.

Báo Mỹ: Trung Quốc đã chế tạo ra tàu ngầm lớn nhất và... tệ hại nhất thế giới - Ảnh 1.

Mô hình tàu ngầm Type 032 lớp Qing.

Trong quá khứ, các tàu ngầm hạt nhân chiếm ưu thế rất lớn về thời gian lặn và về độ ồn khi so sánh với tàu ngầm diesel truyền thống. Một chiếc tàu ngầm diesel chỉ có thể hoạt động dưới nước trong vòng vài ngày trước khi phải trồi lên, còn tàu ngầm hạt nhân có thể lặn dưới nước tới hàng tháng trời.

Trung Quốc thậm chí đã nghĩ tới việc phát triển một mẫu tàu ngầm diesel điện cỡ lớn hơn sau sự ra đời của hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), trong đó tích hợp một loạt công nghệ cho phép động cơ và máy phát trên tàu có thể hoạt động mà tiêu thụ ít hoặc không cần khí oxy.

Các hệ thống AIP có thể còn êm ái hơn lò phản ứng trên tàu ngầm hạt nhân và có thể cung cấp điện năng để đẩy tàu di chuyển trong nhiều tuần, dù với tốc độ chậm hơn.

Tàu ngầm AIP đầu tiên sẵn sàng hoạt động là chiếc Gotland của Thụy Điển, được đưa vào biên chế trong năm 1996. Trang bị động cơ Stirling, nó có thể hoạt động liên tục dưới nước trong vòng 30 ngày mỗi lần triển khai.

Chiếc tàu ngầm diesel nhỏ bé và gần như im lặng tuyệt đối này đã qua mặt mạng lưới phòng thủ chống ngầm của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong một cuộc tập trận.

Từ đó tới nay, Trung Quốc đã chế tạo 15 tàu ngầm diesel Type 039A lớp Yuan (còn được biết đến là Type 041) sử dụng công nghệ AIP Stirling và có kế hoạch đóng thêm 20 chiếc nữa.

Giống như tàu ngầm Gotland của Thụy Điển, các tàu ngầm trang bị ngư lôi lớp Yuan giữ vai trò tàu ngầm tàng hình tầm ngắn, có nhiệm vụ theo dõi các tàu của đối phương hoạt động ở ven biển.

Tuy nhiên, các tàu ngầm dùng động cơ Stirling lớp Qing đã đánh dấu một sự thay đổi lớn so với kết cấu thông thường. Tàu được trang bị 2-3 cụm phóng thẳng đứng, có thể bắn tên lửa đạn đạo JL-2A Ju Lang.

JL-2A được cho là có tầm bắn gần 5.000 dặm và có thể mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá 1 megaton, hoặc 3-4 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) với sức công phá 90 kiloton.

Tên lửa JL-2 được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2001 và trở thành vũ khí chủ lực trên các tàu ngầm hạt nhân Type 094 lớp Jin Trung Quốc. Một chiếc Type 094 đã bắt đầu chuyến tuần tra răn đe hạt nhân đầu tiên trong năm 2015.

Trên lý thuyết, Type 032 sẽ là sự bổ sung cho tàu ngầm Type 094 với chi phí rẻ hơn và thời gian duy trì hoạt động ngắn hơn.

Type 032 còn có 4-5 ống phóng bổ sung có thể bắn tên lửa hành trình chống tàu JL-18B Yingji (Eagle Strike), với khả năng tăng tốc lên Mach 2.5 ở pha cuối. JL-18B sử dụng hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh và có tầm bắn từ 110 cho tới hơn 300 dặm.

Type 032 còn có thể phóng tên lửa hành trình CJ-20A (biến thể của CJ-10) với tốc độ chậm hơn nhưng tầm bắn xa hơn.

Hoàn thiện hệ thống vũ khí của Type 032 là ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn 533mm và ống phóng cỡ lớn 650mm. Chúng còn có đầy đủ cơ sở vật chất để mang theo và triển khai 50 lính đặc nhiệm - đây là tính năng ngày càng trở nên phổ biến ở các tàu ngầm hiện đại.

Tuy nhiên, ở các khía cạnh khác, Type 032 kém ấn tượng hơn. Nó di chuyển chậm chạp - tốc độ tối đa 16 dặm/giờ khi lặn, chỉ gần bằng một nửa tốc độ của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia (Mỹ). Độ sâu lặn tối đa của Type 032 vào khoảng 160-200m, chưa bằng một nửa độ sâu mà các thiết kế hiện đại có thể đạt được.

Bí ẩn thương vụ với Pakistan

Việc chỉ có duy nhất một chiếc Type 032 được chế tạo càng củng cố cho suy đoán rằng nó thực chất là một tàu ngầm có chi phí phải chăng, được dùng để thử nghiệm các hệ thống tên lửa.

Có vẻ Type 032 đã thay thế cho tàu ngầm Type 031 lớp Golf (từ những năm 1960) từng được sử dụng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo JL-2.

Báo Mỹ: Trung Quốc đã chế tạo ra tàu ngầm lớn nhất và... tệ hại nhất thế giới - Ảnh 2.

Cận cảnh 2 ống phóng thẳng đứng dùng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2.

Ngoài thủy thủ đoàn 88 người, có thông tin Type 032 còn chở theo 100 nhà khoa học và nhân viên kỹ thuật. Con tàu được sử dụng để thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm và kén thoát hiểm. Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc còn dùng Type 032 để triển khai phương tiện không người lái dưới nước.

Tuy nhiên, một bản báo cáo năm 2011 cho biết, Trung Quốc sẽ bán 6 chiếc Type 032 cho Pakistan. Hai quốc gia đã duy trì quan hệ đồng minh trong thời gian dài để chống lại Ấn Độ.

Có điều, thời gian đã cho thấy tuyên bố ban đầu về thương vụ Type 032 này là không chính xác hoặc có thể thỏa thuận đã đổ bể.

Gần đây nhất, vào tháng 10 năm nay, Bắc Kinh xác nhận nước này sẽ cung cấp 8 tàu ngầm đề án S-26 và đề án S-30 trị giá 4-5 tỷ USD cho Pakistan (mức giá này gần tương đương với giá của 2 tàu ngầm hạt nhân).

4 chiếc mỗi loại sẽ được đóng tại Trung Quốc và Karachi, Pakistan. Đợt chuyển giao đầu tiên sẽ được xúc tiến từ năm 2020 và hoàn tất hợp đồng vào năm 2028.

Song, vẫn còn nhiều suy đoán về những chiếc tàu ngầm này. Một số báo cáo cho biết chúng sẽ là biến thể của Type 032, nhưng phần lớn các chuyên gia cho rằng chúng sẽ là phiên bản thu nhỏ của mẫu tàu săn ngầm lớp Yuan.

Một số mô tả S-30 được chế tạo dựa trên Type 032 và sẽ trang bị 4 tên lửa hành trình tấn công mặt đất, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do Pakistan phát triển, cũng như 2 ống phóng tên lửa từ tàu ngầm.

Theo National Interest, nhìn chung, tàu ngầm hạt nhân vẫn chiếm nhiều ưu thế hơn so với tàu ngầm diesel AIP. Các đợt tuần tra răn đe thường có xu hướng kéo dài, vì thế tàu ngầm hạt nhân, với thời gian hoạt động dưới nước 3-4 tháng hoàn toàn vượt trội so với tàu ngầm động cơ Stirling chỉ có thể hoạt động 30 ngày.

Và mặc dù khả năng duy trì hoạt động trong vòng nhiều tháng có thể không mấy quan trọng đối với các tàu ngầm phòng thủ bờ biển nhưng tàu ngầm hạt nhân còn có tốc độ dưới nước cao hơn và tầm hoạt động xa hơn so với tàu ngầm diesel.

Tuy nhiên, không giống với Mỹ vận hành tàu ngầm băng qua các đại dương lớn (Đại Tây Dương, Thái Bình Dương), phần lớn các lực lượng hải quân như Trung Quốc, Pakistan hay Iran, Saudi Arabia đều có lợi ích an ninh quốc gia gần lãnh thổ, vì thế họ không cần tàu ngầm phải vượt qua các đại dương lớn.

Đặc biệt, với các quốc gia có vũ khí hạt nhân như Pakistan thì một chiếc tàu ngầm diesel mang tên lửa sẽ là công cụ phù hợp để đe dọa tấn công trả đũa. Mối đe dọa này vẫn rất khó đối phó và có thể châm ngòi một xu hướng đáng lo ngại mới trong lĩnh vực phát triển hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại