Hãy ngưng ngụy biện. TSB Nga đã già, tàu Mỹ còn già hơn, mà tiêm kích đâu có rụng như sung

Hải Vy |

Theo nhà phân tích Dave Majumdar, sự già nua của tàu sân bay Kuznetsov không hẳn là nguyên nhân dẫn tới những sự cố đáng tiếc của Hải quân Nga trong những ngày qua.

Hai sự cố đáng tiếc

Chỉ trong vài tuần gần đây, Hải quân Nga đã thiệt hại 2 tiêm kích hạm trên chiếc tàu sân bay duy nhất Đô đốc Kuznetsov.

Ở cả 2 vụ tai nạn, các vấn đề kỹ thuật xảy ra với thiết bị hãm đà trên tàu Kuznetsov đều là nguyên nhân chính dẫn tới sự cố đáng tiếc cho chiếc MiG-29KUBR Fulcrum-D và Sukhoi Su-33 Flanker-D.

Theo nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest, mặc dù trang thiết bị, khí tài trên tàu Kuznetsov đã cũ nhưng vấn đề nổi cộm hơn cả là Nga đang thiếu đáng kể kinh nghiệm trong các hoạt động không quân hải quân và chưa thực sự thành thạo trong công tác phóng-thu hồi máy bay trên tàu sân bay khi triển khai ngoài biển.

Trong vụ việc đầu tiên xảy ra hôm 14/1 - chiếc MiG-29KUBR cạn kiệt nhiên liệu và rơi xuống Địa Trung Hải. Nó đã phải bay lòng vòng trong lúc các nhân viên trên tàu tìm cách sửa cáp hãm bị hỏng.

Đây là 1 trong 3 chiếc MiG-29 vừa hoàn thành nhiệm vụ và quay về tàu Kuznetsov. Chiếc MiG-29 đầu tiên hạ cánh không có vấn đề gì, trong khi đó chiếc MiG-29 thứ 2 đã làm đứt dây cáp hãm đà thứ 2 khiến chúng quấn vào sợi thứ 3 và chiếc máy bay đã may mắn bắt được sợi cáp thứ 4 khi hạ cánh.

Sự cố này khiến cho chiếc MiG-29 còn lại không thể thực hiện hạ cánh dù đã giảm độ cao.

Hãy ngưng ngụy biện. TSB Nga đã già, tàu Mỹ còn già hơn, mà tiêm kích đâu có rụng như sung - Ảnh 1.

Một chiếc MiG-29K hạ cánh thành công trên tàu sân bay.

Trong khi đó, vụ việc thứ hai xảy ra hôm 5/12 với một chiếc Su-33 Flanker cũng do dây cáp hãm đà trên tàu bị đứt.

Đừng đổ lỗi cho sự già nua

Tiến hành các hoạt động hàng không trên biển vốn dĩ đã là một nhiệm vụ nguy hiểm, tuy nhiên, những rủi ro mà Không quân hải quân Nga gặp phải là do thiếu kinh nghiệm và không đủ thành thạo trong các hoạt động trên tàu sân bay.

Mặc dù một số vấn đề có thể đổ lỗi cho nhiều khiếm khuyết vốn có của Kuznetsov nhưng trên thực tế, Nga đã không xây dựng quy trình chuẩn cần thiết hoặc luyện tập đầy đủ để có thể vận hành các tiêm kích hạm an toàn trên biển.

Kuznetsov - biên chế vào ngày 25/12/1990 - là một con tàu già nua nhưng tuổi tác của nó không hẳn là vấn đề chủ chốt. Có nhiều tàu sân bay của Hải quân Mỹ còn già hơn Kuznetsov nhưng vẫn hoạt động rất tốt, tiêu biểu như Nimitz (biên chế năm 1975), Dwight D. Eisenhower (1977), Carl Vinson (1982), Theodore Roosevelt (1986) và Abraham Lincoln (1989).

Hãy ngưng ngụy biện. TSB Nga đã già, tàu Mỹ còn già hơn, mà tiêm kích đâu có rụng như sung - Ảnh 2.

Tàu sân bay USS Nimitz được đưa vào biên chế từ năm 1975 nhưng vẫn đang hoạt động tốt.

Lý do Hải quân Mỹ có thể vận hành 1 tàu sân bay trong hơn nửa thế kỷ là nhờ làm tốt khâu bảo dưỡng, duy trì cơ sở vật chất của tàu và có các kíp thủy thủ được đào tạo chuyên nghiệp.

Sự cố đứt cáp hãm cũng từng xảy ra trên các siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ, như vụ tai nạn xảy ra trên tàu USS Kitty Hawk (CV-63) vào năm 2005. Tuy nhiên, theo một sĩ quan hàng không hải quân cấp cao, những trường hợp tương tự cực kỳ hiếm xảy ra trên tàu sân bay Mỹ.

Trong khi đó, 2 vụ tai nạn xảy ra do cáp hãm đà trong chưa đầy 3 tuần đã cho thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng trên tàu sân bay Nga.

Sự cố của chiếc MiG-29KUBR đã cho thấy quyết định sai lầm của chỉ huy Nga, khi đáng lẽ nên chuyển hướng máy bay về căn cứ trên bộ ở Syria. Khi hoạt động gần bờ, các tàu sân bay Mỹ sẽ chỉ định máy bay chuyển hướng sang sân bay trên bờ trong tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng, khi nó không thể tiến hành thu hồi máy bay an toàn.

Hãy ngưng ngụy biện. TSB Nga đã già, tàu Mỹ còn già hơn, mà tiêm kích đâu có rụng như sung - Ảnh 3.

Quá trình bảo dưỡng và quy chuẩn hoạt động chuyên nghiệp đã giúp Hải quân Mỹ đảm bảo an toàn cho hoạt động của máy bay trên tàu sân bay

Ngoài ra, tàu sân bay Mỹ thường triển khai thêm máy bay tiếp dầu (như F/A-18 E/F Super Hornet với hệ thống tiếp nhiên liệu trên không) để đảm bảo các tiêm kích hạm có đủ nhiên liệu hoạt động.

Mặc dù tàu Kuznetsov không có đủ khả năng triển khai máy bay tiếp dầu (hoặc máy bay chiến đấu có hệ thống tiếp dầu) thì Hải quân Nga cũng nên tính phương án điều hướng máy bay tới một sân bay khác trong trường hợp khẩn cấp.

Là lực lượng được thiết lập để triển khai sức mạnh của Mỹ trên toàn cầu, Hải quân Mỹ còn xây dựng quy chuẩn hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu sân bay giữa đại dương, tại vị trí cách xa căn cứ trên bộ.

Có thể nói, không phải thâm niên hay sức mạnh của các loại khí tài đưa Hải quân Mỹ trở thành người khổng lồ toàn cầu, mà chất lượng huấn luyện và quy trình hoạt động bài bản, hợp lý của họ đã tạo nên điều đó.

Nga sẽ còn phải trải qua một chặng đường dài trước khi có thể bắt kịp sức mạnh không quân hải quân của Mỹ.

**Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại