Báo Mỹ: Donald Trump đang tính chuyện dùng vũ lực với Triều Tiên

Minh Thu |

Trong số các phương án nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng theo đuổi tham vọng phát triển hạt nhân và tên lửa, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tính tới chuyện tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên.

Theo tờ Wall Street Journal, hai trong số các phương án đang được Nhà Trắng cân nhắc để giải quyết mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên có việc sử dụng vũ lực và thay đổi chế độ lãnh đạo tại Bình Nhưỡng. 

Ngay trong cuộc họp hồi tháng trước giữa ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, giới chức Mỹ cũng đã nhắc tới chuyện tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh hồi đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đang bước vào giai đoạn cuối chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Triều Tiên cần nhiều năm nữa mới có thể chế tạo loại tên lửa đủ sức đe dọa lãnh thổ Mỹ.

Báo Mỹ: Donald Trump đang tính chuyện dùng vũ lực với Triều Tiên - Ảnh 1.

Mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên không chỉ khiến các nước trong khu vực mà cả Mỹ phải lo ngại

Liên quan tới phương án tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, nhiều năm qua, giới phân tích và chính trị gia cho rằng đây là lựa chọn nguy hiểm. Bởi nó có thể kích động một cuộc chiến trong khu vực, cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường mà chủ yếu tại Hàn Quốc, quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Á. 

Cụ thể, trước khi bị bao vây, chỉ với lực lượng pháo binh truyền thống, Triều Tiên đã có thể tấn công và hủy diệt thủ đô Seoul của Hàn Quốc, khu vực nằm cách biên giới Triều Tiên 50 km.

Ngoài ra, phương án tấn công Triều Tiên trở nên ngày càng mờ nhạt trong những tháng gần đây. Dù phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc, Bình Nhưỡng vẫn liên tiếp cho thử hạt nhân và phóng tên lửa.

Gần nhất vào sáng sớm hôm 6/3, Triều Tiên đã cho phóng 4 quả tên lửa đạn đạo. Ba trong số đó đã rơi xuống vùng đặc khu kinh tế của Nhật. Giới chức Nhật Bản miêu tả vụ phóng này là một mối đe dọa nghiêm trọng và khẳng định Tokyo phản đối mạnh mẽ Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, các quan chức Hàn Quốc cho biết: “Các tên lửa đạn đạo đã được phóng từ khu vực Tongchang-ri gần biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, và bay khoảng 1.000 km”.

Chia sẻ với tạp chí The Diplomat, chuyên gia về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, ông Scott Synder nhận định chưa bao giờ Washington cảm thấy mối đe dọa về khả năng Triêu Tiên dùng vũ khí hạt nhân tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Mỹ gần như bây giờ.

"Đây là lý do từ năm ngoái, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về các phương án tấn công phủ đầu xuất phát từ mối đe dọa từ Triều Tiên", ông Synder nói.

Cũng theo ông Synder, dù Tổng thống Mỹ từng tính tới chuyện tấn công quân sự Triều Tiên nhưng không có nghĩa ông Trump sẽ làm như vậy trong thực tế. Bởi trong số các phương án nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Mỹ còn đưa ra giải pháp ngoại giao như công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

"Mỹ sẽ không hành động đơn phương bởi trong chuyện này Nhật Bản và Hàn Quốc mới đóng vai trò chủ đạo. Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn cũng cần tính tới hậu quả của việc phát động hành động quân sự. 

Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi nếu như chính quyền Tổng thống Trump nhận thấy Triều Tiên trở thành mối đe dọa trực tiếp tới lợi ích chiến lược của Mỹ", chuyên gia Synder nói thêm.

Trước đó, trong bài phỏng vấn với Reuters hôm 23/2, ông Trump cho hay Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận về "những phương án nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Theo ông Trump, tình hình hiện nay "rất nguy hiểm" song Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề "một cách dễ dàng nếu muốn".

Ông Trump cho biết ông "rất tức giận" trước các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và khẳng định đã quá muộn để gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Lời bình luận của ông Trump cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang đặc biệt quan tâm tới các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên đồng thời ám chỉ chính sách của Washington là gây áp lực với Bắc Kinh để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Bởi Trung Quốc là nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng chính cho Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại