Báo Mỹ: Cuộc tập trận Zapad phơi bày nỗi sợ hãi của Nga

QS |

"Zapad mang lại một cơ hội quan trọng để phương Tây nhìn thấu nỗi sợ hãi của các nhà cầm quyền Nga và Belarus. Những nỗi sợ đó không hẳn là vô căn cứ", theo Bloomberg View.

Nga và Belarus lo sợ điều gì?

Theo Bloomberg View, cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Zapad của Nga, khai màn tại Belarus hôm thứ Năm vừa qua, đã thành công trên phương diện tuyên truyền:

Không những khiến các quốc gia láng giềng của Nga trong liên minh NATO hoảng sợ, tin tức về Zapad còn phủ sóng truyền thông phương Tây nhiều tới mức làm người ta có cảm giác đây là chiến dịch quân sự thực.

Tuy nhiên, nó mang lại một cơ hội quan trọng để phương Tây nhìn thấu nỗi sợ hãi của các nhà cầm quyền Nga và Belarus. Những nỗi sợ đó, theo Bloomberg View, không hẳn là vô căn cứ.

Đối với Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite, Zapad nhằm mục đích "gieo rắc nỗi kinh hoàng" cho quốc gia của bà.

Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Jussi Niinisto, đó là "cuộc chiến thông tin" ("Các nước phương Tây đã cắn câu, họ nhai nhải nói về cuộc tập trận này" – ông Niinisto tuyên bố cách đây không lâu).

Đối với các chuyên gia quân sự, Zapad – cuộc tập trận 4 năm một lần – là cơ hội để xem xem quân đội Nga đã tiến bộ tới mức nào sau cuộc tập trận Zapad gần đây nhất vào năm 2013.

Còn đối với nhà báo Leonid Bershidsky của tờ Bloomberg View, phần hấp dẫn nhất trong cuộc tập trận này chính là kịch bản của nó.

Báo Mỹ: Cuộc tập trận Zapad phơi bày nỗi sợ hãi của Nga - Ảnh 1.

Hình ảnh cuộc tập trận Zapad 2013. Nguồn: Sputnik

Theo kịch bản giả định, có một quốc gia hư cấu mang tên Veyshnoria nằm ở phía tây Belarus. Nó tương đối nhỏ nhưng có thái độ thù địch với Minsk.

Trên Facebook cá nhân, nhà kinh tế học Belarus Sergei Chaly cho biết, phía tây Belarus là nơi tập trung đông nhất dân số theo đạo Thiên chúa và cũng là khu vực đã ủng hộ chủ nghĩa dân tộc trong cuộc bỏ phiếu tự do cuối cùng của nước này năm 1994.

Viễn cảnh mà Nga và Belarus mường tượng ra bắt đầu với việc các cường quốc phương Tây khiến Belarus mất ổn định theo cái cách mà họ từng khiến Ukraine rơi vào khủng hoảng năm 2014.

Theo quan điểm của Nga, Urkraine giờ đây bị chia tách thành 2 bên, một bên do Mỹ kiểm soát và một bên thuộc về phe ly khai thân Nga (miền đông Ukraine). Đó cũng là ý tưởng tạo nên Veyshnoria và quốc gia này không phải hư cấu hoàn toàn.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc và thân phương Tây vô cùng hoan nghênh "Veyshnoria". Họ còn lập một website và mạng xã hội dành cho nó để bày tỏ sự ủng hộ.

Thực chất, những người này đang mơ về một Belarus, hay thậm chí là một phần của Belarus, thuộc về thế giới phương Tây, đang tiến tới trở thành thành viên NATO và Liên minh châu Âu.

Theo chính quyền Belarus và Kremlin thì đây là những dấu hiệu của các hoạt động bí mật nhằm mở rộng sức ảnh hưởng của phương Tây – yếu tố từng dẫn đến cuộc khủng hoảng (nhưng phương Tây coi là ‘cuộc cách mạng’) ở Ukraine.

Nếu điều tương tự xảy ra ở Belarus, Nga dự tính sẽ can thiệp mạnh mẽ hơn. Và khi ấy, họ có thể phải đón nhận đòn đáp trả quân sự từ Mỹ, do Washington đã tuyên bố sẽ bảo vệ các quốc gia Baltic lân cận với Belarus.

Michael Kofman, chuyên gia về quân sự Nga tại Viện Kennan nói với nhà báo Bershidsky:

"Belarus 100% là nguyên nhân tiềm năng lớn nhất dẫn tới cuộc xung đột giữa Nga và Mỹ. Khi nhìn vào phạm vi của viễn cảnh xung đột, anh sẽ thấy Belarus là lằn ranh đỏ của Nga, còn Baltic là lằn ranh đỏ của Mỹ.

Lằn ranh của Mỹ không dễ vượt qua, trong khi đó Belarus dễ dàng trở thành 'nạn nhân' của tất cả các thể loại khủng hoảng và Nga lo sợ rằng các quốc gia láng giềng của mình sẽ dấn thân vào một trò chơi mang tới kết cục chiến tranh".

Thông điệp của Zapad

Kofman nhận định, cuộc tập trận Zapad năm nay tiếp tục là một chuỗi tín hiệu của Nga gửi tới phương Tây, bắt đầu từ khi NATO ném bom Nam Tư năm 1999, trong chiến tranh Kosovo.

Trong chiến dịch không kích này, Nga đã chứng kiến sự vượt trội về công nghệ của Mỹ. Theo đó, quân đội Mỹ có thể tác chiến ở bất cứ nơi đâu mà gần như không hề hấn gì. Kể từ đó, Nga đã nỗ lực nghĩ ra phương thức để đáp trả trong trường hợp Mỹ can thiệp vào phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Nội dung cuộc tập trận Zapad cho thấy Kremlin đã cân nhắc tới khả năng Mỹ sẽ đáp trả dữ dội hơn sau khi Nga can thiệp vào Ukraine, mặc dù nguy cơ này còn khá xa vời. Kremlin hiện cũng đặt ra khả năng tương tự đối với Belarus.

Nga - Belarus khai màn cuộc tập trận Zapad 2017. Nguồn: RT

Với Zapad, Kremlin đang tìm cách để Mỹ và NATO thấy rằng họ sẽ đối phó như thế nào trước sự đáp trả của Mỹ.

"Mục đích của Zapad là buộc Mỹ phải tin rằng, nếu họ can thiệp vào Nga hay một quốc gia nào đó giáp ranh với Nga như Belarus, Moscow sẽ huy động lực lượng đối phó theo mọi phương thức, tiến dần tới vũ khí hạt nhân.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp. Tại đó, Nga ngày càng ít phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân, dù chúng vẫn là một thành tố quan trọng để Nga kiểm soát và điều tiết tình hình leo thang.

Nếu Zapad năm 1999 mang thông điệp ‘Một khi các vị can thiệp, chúng tôi sẽ tấn công hạt nhân’ thì Zapad năm 2017 mang hàm ý ‘Nếu các vị can thiệp, chúng tôi đã có lực lượng để đánh bại các vị. Nếu (lực lượng này) thất bại, chúng tôi vẫn có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân’" – ông Kofman nói.

Tin tốt là thông điệp này, theo tuyên bố chính thức từ Nga và Belarus, chỉ mang tính chất phòng vệ.

Tuy nhiên, theo Bershidsky, nếu tại Belarus hoặc Nga xảy ra bất ổn thì phản ứng của các nhà cầm quyền Nga và Belarus có thể không chỉ đơn thuần là lập lại trật tự, mà là một động thái quân sự nhằm vào phương Tây, bởi họ luôn cho rằng phương Tây là nhân tố khuấy động những xáo trộn bên trong quốc gia mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại