Dù là "con tép" ở châu Á, hạm đội tàu ngầm Triều Tiên vẫn có thể nhấn chìm Hải quân Mỹ?

Linh Lâm |

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, xét trên tất cả các bình diện thì Triều Tiên nên được xem là một thế lực hải quân.

Quốc gia này nằm trên một bán đảo và có lịch sử hải quân lâu đời, dù chỉ là "con tép" giữa 2 "con cá voi" Trung Quốc và Nhật Bản.

Cuộc chiến chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền nam - bắc vào năm 1945 và tham vọng thống nhất - dù bằng vũ lực nếu cần thiết - đã thúc đẩy Bình Nhưỡng xây dựng một lực lượng lục quân lớn, đồng thời duy trì lực lượng hải quân để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn và các chiến dịch đặc biệt.

Giờ đây, trong thế kỷ XXI, hải quân Triều Tiên còn đảm nhiệm thêm một vai trò nữa, đó là một thành phần trong lực lượng răn đe hạt nhân trọng yếu của nước này.

Triều Tiên có bao nhiêu tàu ngầm?

Theo một số nguồn tin mở, Hải quân Nhân dân Triều Tiên (KPN) có quân số gần 60.000 người, chưa bằng 1/20 lực lượng lục quân. Quy mô, cùng ngân sách khiêm tốn khiến KPN trở thành lực lượng bổ trợ cho lục quân.

Trong KPN, lính quân dịch có thời gian phục vụ trung bình từ 5-10 năm. Vì thế, dù các thủy thủ của Bình Nhưỡng không được đầu tư trang thiết bị mới nhất, họ vẫn có kỹ năng khá thuần thục.

Một số lượng lớn thủy thủ trong số này phục vụ cho hạm đội tàu ngầm của KPN - được xem là một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất trên thế giới. Chuyên gia phân tích các vấn đề Triều Tiên Joseph Bermudez ước tính KPN vận hành từ 52-67 tàu ngầm diesel-điện, bao gồm 4 tàu ngầm lớp Whiskey do Liên Xô cung cấp và hàng chục tàu ngầm lớp Romeo từ Trung Quốc.

Một số tàu ngầm Romeo được chuyển giao nguyên chiếc, số còn lại do Triều Tiên tự lắp ráp. Mỗi tàu Romeo có lượng giãn nước 1.830 tấn khi lặn, tốc độ tối đa 13 hải lý/h và có thủy thủ đoàn 54 người.

Trên tàu có 8 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn cỡ 533mm. Truyền thông Triều Tiên từng công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thị sát một tàu ngầm lớp Romeo vào năm 2014.

Mặc dù có số lượng lớn nhưng các tàu ngầm lớp Romeo nhìn chung đã lỗi thời và đang bị loại bỏ dần. 

Dù là con tép ở châu Á, hạm đội tàu ngầm Triều Tiên vẫn có thể nhấn chìm Hải quân Mỹ? - Ảnh 1.

Dù là con tép ở châu Á, hạm đội tàu ngầm Triều Tiên vẫn có thể nhấn chìm Hải quân Mỹ? - Ảnh 2.

Ảnh: KCNA

Năm 2015, Lầu Năm Góc cho rằng Triều Tiên có 70 tàu ngầm đang hoạt động (không rõ chủng loại).

Trong khi đó, bản báo cáo đa quốc gia về việc Triều Tiên đánh chìm tàu hộ tống ROKS Cheonan của Hàn Quốc đề cập rằng KPN vận hành 20 tàu ngầm lớp Romeo, 40 tàu ngầm ven biển lớp Sang-O và 10 tàu ngầm mini lớp Yono.

Tàu ngầm ven biển lớp Sang-O dài khoảng 33m và rộng khoảng 3,6m, lượng giãn nước 275 tấn. Nó có vận tốc 7,2 hải lý khi nổi và 8,8 hải lý khi lặn.

Hiện có 2 biến thể tàu lớp Sang-O, một loại có ống phóng ngư lôi và loại còn lại thay thế các ống phóng ngư lôi bằng khoang dành cho thợ lặn (loại này do KPN bảo dưỡng nhưng do Vụ hàng hải thuộc Tổng cục trinh sát Triều Tiên vận hành).

Phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Sang-O, gọi là Sang-O II, có chiều dài 40m, lượng giãn nước từ 350-400 tấn, tốc độ tối đa 13 hải lý. Ngoài ngư lôi, nó có thể mang theo thủy lôi.

10 tàu ngầm mini lớp Yono của Triều Tiên dựa theo thiết kế của Iran, có lượng giãn nước 130 tấn khi lặn, trang bị 2 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và có thủy thủ đoàn 20 người. Mẫu tàu này có thể di chuyển với vận tốc 11 hải lý khi nổi nhưng chỉ 4 hải lý khi lặn.

Hạm đội tàu ngầm Triều Tiên, dù có quy mô nhỏ hơn và được đầu tư ít hơn các lực lượng khác, nhưng lại gây chú ý với nhiều vụ việc.

Ngày 18/9/1996, một tàu ngầm lớp Sang-O do cục trinh sát Triều Tiên vận hành đã mắc cạn gần Gangneung, Hàn Quốc.

Trước đó 2 ngày, con tàu đã đưa một toán gồm 3 biệt kích tới trinh sát một căn cứ hải quân của Hàn Quốc nhưng đêm hôm sau, khi tới đón toán này rút lui, nó đã bị mắc cạn, không có cách nào thoát đi. Trên tàu được cho là có 21 thủy thủ, cùng giám đốc và phó giám đốc vụ hàng hải của Triều Tiên.

Năm 1998, một tàu ngầm mini lớp Yugo - lớp tàu ngầm tiền nhiệm của Yono - đã mắc vào lưới của tàu đánh cá Hàn Quốc và bị kéo về một căn cứ hải quân. Khi gặp sự cố, con tàu này có vẻ đang trên đường trở về Triều Tiên sau khi đón một toán điệp viên vừa hoàn thành nhiệm vụ.

Tháng 3/2010, khi đang hoạt động trong khu vực biển Hoàng Hải gần Đường giới hạn phía bắc (NLL), tàu hộ tống ROKS Cheonan (lớp Pohang) của Hàn Quốc đã bị một quả ngư lôi không xác định bắn vào đuôi tàu.

Sau cú tấn công, chiếc tàu hộ tống 1.500 tấn này vỡ thành 2 nửa và chìm nghỉm, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng, cùng 56 người khác bị thương.

Dù là con tép ở châu Á, hạm đội tàu ngầm Triều Tiên vẫn có thể nhấn chìm Hải quân Mỹ? - Ảnh 3.

Xác tàu Cheonan của Hải quân Hàn Quốc được trục vớt sau khi bị đắm.

Ủy ban quốc tế được thành lập để điều tra vụ việc cho rằng "thủ phạm" là một tàu ngầm Triều Tiên, bởi họ tìm thấy nhiều mảnh vỡ từ ngư lôi hạng nặng CHT-02D của Triều Tiên tại khu vực tàu Cheonan chìm. Chiếc tàu ngầm này được xác định là tàu ngầm mini lớp Yono.

Mẫu tàu ngầm mới nhất của Triều Tiên được xem là một bước chuyển theo hướng khác, đó là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Sinpo hoặc Gorae ("Cá voi"). Mẫu tàu này có vẻ là sự pha trộn các tàu ngầm lớp trước với công nghệ phóng từ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Golf thời Liên Xô.

Triều Tiên đã mua một số tàu ngầm lớp Golf từ Liên Xô trong những năm 1990, mục đích ban đầu là tháo dỡ. Cả 2 tàu ngầm lớp Golf và Gorae đều được trang bị các ống phóng tên lửa. Những ống phóng này được cho là có thể triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukkuksong-1 ("Polaris") mà Triều Tiên đang phát triển.

Nếu thành công, một lực lượng nhỏ gồm các tàu ngầm Gorae sẽ mang lại cho Triều Tiên năng lực tấn công trả đũa hiệu quả, cho phép nước này đáp trả khi bị tấn công phủ đầu.

Ưu thế số lượng và yếu tố bất ngờ

Việc Triều Tiên phụ thuộc vào tàu ngầm đã làm bộc lộ một thực tế khắc nghiệt đối với nước này: Trong khi không quân, hải quân Mỹ và Hàn Quốc đang chiếm ưu thế lớn tới mức hải quân Triều Tiên chỉ còn một phương thức duy nhất để tồn tại là chui xuống dưới lòng biển.

Song, theo ông Mizokami, cũng phải nói rằng, mặc dù hạm đội tàu ngầm Triều Tiên có năng lực khiêm tốn hơn so với hạm đội tàu ngầm của các quốc gia khác nhưng Bình Nhưỡng lại có thể tận dụng được rất nhiều từ chúng.

Dù đã cũ và lỗi thời nhưng tàu ngầm Triều Tiên lại có ưu thế về số lượng và yếu tố bất ngờ trong thời bình. Ngoài ra, xét tới chuỗi các động thái khiêu khích vũ trang mà Bình Nhưỡng đã đưa ra thì có lẽ thế giới vẫn chưa thể chứng kiến hồi kết dành cho lực lượng tàu ngầm Triều Tiên.

*** Bài viết bao gồm quan điểm riêng của nhà phân tích Kyle Mizokami và các tư liệu do ông sưu tầm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại