Vì sao không phải sợ tiêm kích tàng hình Trung Quốc?
Trong một bài phân tích mới đây, David Axe - biên tập viên quốc phòng của tờ The National Interest nhận định, Quân đội Trung Quốc đang từng bước xây dựng cho mình một lực lượng không quân hùng mạnh bằng việc đầu tư vào phát triển các dòng máy bay quân sự mới như tiêm kích tàng hình J-20, máy bay vận tải chiến thuật Y-20, máy bay ném bom tàng hình H-20...
Nhưng bất chấp những thành tựu trên, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc vẫn đang vật lộn để tìm lời giải cho bài toán cho công nghệ chế tạo động cơ phản lực, vốn được xem là "trái tim" của mọi chiếc máy bay, dù nó có tàng hình hay không.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc biểu diễn khả năng bay cơ động trong triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải. Ảnh: The National Interest.
Nhận định của David Axe dựa trên bản báo cáo tài chính của Viện Nghiên cứu Sắt và Thép Trung ương Trung Quốc (CISRI) chi nhánh Hà Bắc - Công ty TNHH Công nghệ Hà Bắc Cisri Dekai trong cuối năm 2019, dự báo về năng lực sản xuất động cơ phản lực cho mục đích quân sự của Trung Quốc trong một thập kỷ tới và những khó khăn mà Bắc Kinh đang gặp phải.
Bản báo cáo này cho biết, việc công nghiệp hàng không Trung Quốc liên tiếp cho ra đời các mẫu chiến đấu cơ thế hệ mới đã vô tình đẩy họ vào thế khó, bởi các thiết kế sư Trung Quốc chưa thể tạo ra được các động cơ phản lực tương ứng với thiết kế của máy bay mới.
Do đó nhiều mẫu chiến đấu cơ mới của Bắc Kinh đang phải bay trên các mẫu động cơ cũ, có hiệu suất hoạt động kém và không đáng tin cậy. Việc sử dụng các động cơ nhập khẩu từ Nga cũng không mang lại mấy hiệu quả.
Sự chênh lệch giữa số lượng máy bay và chất lượng động cơ tạo ra một rào cản khiến các máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc trong đó có J-20 và FC-31 hoạt động kém hiệu quả hơn so với thiết kế.
Trung Quốc chỉ sản xuất được 5 động cơ cho J-20 mỗi năm
Sự thiếu hụt thể hiện rõ nhất ở các động cơ WS-15 và WS-19 sử dụng lần lượt cho các dòng tiêm kích tàng hình J-20 và FC-31 của Trung Quốc. Báo cáo của Hà Bắc Cisri Dekai chỉ ra rằng, trong 5 năm từ 2020 tới 2026, mỗi năm Trung Quốc chỉ có thể chế tạo tối đa 5 động cơ WS-15 và WS-19.
Theo thông kế của Flight Global, tính đến năm 2020, Không quân Trung Quốc có trong tay khoảng 15 chiếc J-20 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chiếc đầu tiên được đưa vào trang bị là từ năm 2017. Như vậy, số lượng động cơ WS-15 mà Trung Quốc cần cho công tác bảo dưỡng và hậu cần cho phi đội J-20 là không hề nhỏ.
J-20 luôn bay trình diễn trước công chúng bằng động cơ AL-31 do Nga sản xuất, thay vì WS-15. Ảnh: Business Insider.
Có lẽ vì thiếu động cơ WS-15 nên hầu hết những lần xuất hiện trước công chúng J-20 đều sử dụng động cơ phản lực AL-31 do Nga sản xuất thay vì WS-15.
Cây bút David Axe dẫn lời các chuyên gia quân sự Carlo Kopp và Peter Goon của tờ Air Power Australia cho biết, mặc dù AL-31 là mẫu động cơ phản lực tốt nhưng nó không phù hợp với thiết kế máy bay chiến đấu hạng nặng, tầm xa và siêu thanh như J-20.
Ngay cả phiên bản nâng cấp 117S của động cơ AL-31 vốn được đánh giá cao khi kết hợp cùng tiêm kích đa năng Sukhoi Su-35 nhưng khi đặt chúng lên J-20 thì lại cho hiệu suất hoạt động không như mong đợi.
Việc không sản xuất được đủ động cơ WS-15 có thể buộc phi đội J-20 phải cất cánh với động cơ AL-31 trong các năm tới. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng cho FC-31 vì những vấn đề liên quan đến hệ thống động cơ của tiêm kích tàng hình này. Nguyên mẫu của FC-31 hiện được cho đang dùng động cơ RD-93 của Nga sản xuất.
Và từ vấn đề động cơ của J-20, David Axe đặt ra câu hỏi phải chăng Quân đội Mỹ đã quá đề cao năng lực của tiêm kích tàng hình Trung Quốc trong các báo cáo gần đây? Bởi năng lực của dòng chiến đấu cơ này tới nay vẫn chưa được kiểm chứng ngoài những màn trình diễn tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải.
Nếu so với các dòng tiêm kích hạng nặng hay tiêm kích tàng hình của Không quân Mỹ hiện tại như F-15E, F-22 hay F-35, rõ ràng J-20 không phải là mối đe dọa quá lớn.
Các vấn đề tồn tại khi sản xuất WS-15, WS-19 đang khiến giới hoạch định chính sách quân sự của Trung Quốc cảm thấy quan ngại. Sự thiếu hụt động cơ sẽ khiến chiến đấu cơ Trung Quốc không thể phát huy được hết khả năng.
Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 thay thế cho J-20. Tuy nhiên, nếu họ chưa thể sản xuất động cơ phù hợp, tham vọng nói trên khó có thể trở thành sự thật trong tương lai gần.
Trung Quốc phô diễn sức mạnh tiêm kích tàng hình J-20 tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải.