Ngành công nghiệp chế tạo UAV ở Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ và Quân đội nước này đang sở hữu nhiều loại UAV hiện đại, và đang hướng tới sử dụng UAV để tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.
Theo báo cáo của tạp chí Military Watch, Quân đội Trung Quốc (PLA) đang đẩy nhanh việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong các hoạt động tác chiến đồng thời cũng tăng cường công tác huấn luyện sử dụng, điều khiển UAV.
Nhiều học viện, nhà trường của PLA đã mở các khóa học vận hành UAV chuyên nghiệp. Việc ngày càng có nhiều UAV phục vụ trong PLA phản ánh sự đầu tư rất lớn của Trung Quốc vào lĩnh vực này. Về số lượng và chất lượng, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất UAV hàng đầu thế giới.
UAV tấn công GJ-11 của Trung Quốc. Nguồn: Sina.
Trung Quốc đã chế tạo ra nhiều loại UAV độc đáo mà các nước khác chưa có những loại tương tự, như UAV trinh sát siêu thanh WZ-8, UAV tấn công tàng hình GJ-11, UAV Tường Long (Soar Dragon – Rồng Bay). Hiện Trung Quốc cũng đang tích cực nghiên cứu chế tạo xe bộ binh không người lái, tàu mặt nước không người lái, tàu ngầm không người lái.
Những điều này làm tăng nhu cầu về binh lính, sĩ quan điều khiển UAV. Tuy nhiên, nhu cầu này sẽ giảm xuống sau 10 năm tới đây, do TQ dự kiến sẽ chế tạo thế hệ UAV kiểu mới có thể tự chủ bay mà không cần người điều khiển.
Kể từ khi công nghệ UAV xuất hiện, nó đã được PLA đánh giá cao. Ngay từ những năm 1970 và 1980, các mô hình Trường Không–1 và Trường Hồng-1 đã được sao chép tại Trung Quốc.
Với sự ra đời của làn sóng UAV mới, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học và cho ra đời một số lượng lớn các mẫu máy bay tiên tiến.
Yêu cầu của PLA cũng ngày càng cao, do đó đã xuất hiện một số lượng lớn UAV hiện đại hiệu suất cao, kết hợp với nhiều loại đạn dược không đối đất, đưa Trung Quốc trở thành nhà cung cấp UAV hàng đầu thế giới sau Mỹ. Hiện UAV của Trung Quốc đã được xuất khẩu với số lượng lớn. Trong một số lĩnh vực công nghệ UAV, Trung Quốc đã đạt được sự phát triển tiên tiến.
Theo một số thông tin chưa được xác nhận, Lực lượng Tên lửa chiến lược của Trung Quốc đang nắm trong tay các UAV hoạt động tầm xa và cao trong khi không quân, hải quân và bộ binh được giao những đơn vị UAV phục vụ cho mục đích tác chiến lẫn huấn luyện.
Các hệ thống UAV đang trở thành công cụ chủ chốt cho các sứ mệnh chính xác tầm xa của PLA, nằm trong bán kính 3.000 km tính từ bờ biển nước này. Một số UAV của Trung Quốc còn được sử dụng như “mồi nhử” để cung cấp mục tiêu chính xác cho các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đối hạm như DF 21D.
Hình ảnh mô phỏng UAV Rồng Bay của Trung Quốc. Nguồn: Sina.
Bên cạnh đó, các UAV mang tên lửa của Trung Quốc cũng có thể áp dụng “chiến thuật bầy đàn”, bao vây tấn công tàu sân bay của Mỹ. “Người Trung Quốc đã tiến hành vô số cuộc nghiên cứu về việc dùng UAV để đánh hàng không mẫu hạm. Theo chúng tôi, đó là điều họ đang lên kế hoạch”, Chuyên gia Easton của Viện Project 2049 (Mỹ) nhận định.
Mới đây nhất, hồi tháng 09/2020, Học viện Điện tử và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thử nghiệm loạt UAV phóng từ xe tải, trực thăng tung đòn tấn công vào mục tiêu.
Trong cuộc thử nghiệm, hàng loạt UAV được liên tiếp triển khai từ bệ phóng gắn trên xe tải hoặc thả từ máy bay trực thăng, sau đó lập đội hình trên bầu trời và sử dụng các cảm biến để phát hiện mục tiêu. Hình ảnh mục tiêu được truyền về thiết bị cầm tay của người điều khiển.
Sau khi người điều khiển lựa chọn mục tiêu công kích, "bầy UAV" này đồng loạt lao xuống, thực hiện đòn tấn công tự sát có độ chính xác cao, đồng thời truyền trực tiếp hình ảnh về sở chỉ huy.
Số lượng UAV tự sát lên đến hàng trăm chiếc, và sở hữu thiết kế và tính năng tương đồng mẫu UAV tự sát CH-901 của China Poly Defense, xuất hiện lần đầu trước công chúng năm 2016.
CH-901 được trang bị cánh và đuôi dạng gập, mở ra theo hai hướng ngược nhau khi UAV rời ống phóng. Thiết kế cánh và đuôi gập được một số hãng chế tạo sử dụng cho UAV phóng từ ống, ví dụ mẫu UAV tự sát Switchblade của Mỹ.
Bệ phóng UAV tự sát của CAEIT, gồm 48 ống, được đặt trên biến thể 6x6 của xe chiến thuật hạng nhẹ Dongfeng Mengshi. Cụm ống phóng này cũng có thể lắp đặt trên chiến hạm hoặc triển khai ở vị trí cố định trên mặt đất. UAV tự sát của CAEIT còn được phóng từ trực thăng Bell 206L và được thả từ trực thăng dòng R của hãng Robinson.
Đáng chú ý, có thể Trung Quốc còn đang nghiên cứu UAV thế hệ mới có khả năng bay ở độ cao thấp và tránh thoát được tầm quan sát của radar. Chưa hết, nước này còn đặt mục tiêu thiết kế những dòng UAV có khả năng làm nhiễu tín hiệu vệ tinh, các hệ thống cảnh báo sớm và hệ thống phòng không cũng như phòng thủ tên lửa.