Bạo loạn New Caledonia: Pháp điều 3.700 quân, ông Macron vẫn nhận cú sốc lớn - Tin xấu có thể đến với Kiev

Nhật Minh |

New Caledonia chìm trong hỗn loạn. Theo Strategist, những gì diễn ra được xem là một "đòn giáng" vào hình ảnh của ông Macron. Nhà lãnh đạo Pháp buộc đi tới quyết định mới.

Pháp điều 3.700 quân trấn áp, New Caledonia vẫn chìm trong hỗn loạn

Theo Viện nghiên cứu Lowy (Australia) ngày 12/6, New Caledonia đã bước vào tuần hỗn loạn thứ năm. Bất chấp việc Pháp điều động 3.700 nhân viên an ninh và quân đội với vũ trang hạng nặng để trấn áp, tình trạng bạo loạn vẫn tiếp diễn.

Những người bản địa Kanak ủng hộ độc lập khỏi Pháp, và những người chỉ đơn thuần muốn giữ vững những gì vốn thuộc về họ tại hòn đảo này đang tiếp tục phong tỏa các tuyến đường then chốt.

Bạo loạn New Caledonia: Pháp điều 3.700 quân, ông Macron vẫn nhận cú sốc lớn - Tin xấu có thể đến với Kiev- Ảnh 1.

Hình ảnh trong chuỗi bạo loạn tại New Caledonia. Ảnh: RNZ News

Căng thẳng đã gia tăng sau khi ông Macron đưa ra cải cách thay đổi Hiếp pháp, trong đó cho phép những người Pháp sống tại New Caledonia trên 10 năm tham gia bầu cử địa phương tại vùng lãnh thổ này. Một chuỗi các cuộc bạo loạn đã bùng nổ từ ngày 13/5 để phản đối quyết định trên.

Những người biểu tình lo ngại rằng dự luật trên sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tiếng nói của dân bản địa, cũng như hạn chế mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi độc lập khỏi Pháp vốn đã âm ỉ tại New Caledonia suốt nhiều năm qua.

Cho tới hiện tại, các cuộc đụng độ nhỏ lẻ vẫn tiếp diện, người biểu tình tiếp tục đốt tài sản công cộng và xô xát với cảnh sát. Chính quyền Pháp đã ra lệnh kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm cho tới ngày 17/6 và tuyên bố đóng cửa sân bay vô thời hạn.

Ông Macron đón nhận liền 2 "cú sốc"

Ngày 13/6, theo tờ Guardian, Tổng thống Pháp Macron đã phải đi tới quyết định đình chỉ kế hoạch cải cách bầu cử tại New Caledonia.

"Dự luật hiến pháp liên quan tới New Caledonia… Tôi đã quyết định đình chỉ" – Ông Macron phát biểu trước báo giới – "Dự luật bị đình chỉ để tập trung tối đa vào các cuộc đối thoại trên thực địa và lập lại trật tự".

Trước đó 1 ngày, Bộ Tư pháp Pháp xác nhận một người đàn ông 34 tuổi đã qua đời sau khi đụng độ với cảnh sát tại New Caledonia vào ngày 29/5. Cơ quan chức năng Pháp đã yêu cầu tiến hành khám nghiêm tử thi, và một cuộc điều tra về việc lực lượng Hiến binh Pháp tại New Caledonia sử dụng vũ lực đang được tiến hành.

Bạo loạn New Caledonia: Pháp điều 3.700 quân, ông Macron vẫn nhận cú sốc lớn - Tin xấu có thể đến với Kiev- Ảnh 3.

Mức độ tín nhiệm của ông Macron đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi qua. Ảnh: WSJ

Theo Viện nghiên cứu Strategist (Australia), những gì diễn ra ở New Caledonia khiến tổn hại về mặt danh tiếng đối với nước Pháp ngày càng trở nên rõ ràng, đồng thời là một "đòn giáng" vào hình ảnh của ông Macron trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp liên tục đưa ra những tuyên bố và quyết định tranh cãi trong thời gian gần đây.

Liên minh Caledonia – một đảng ủng hộ độc lập tại New Caledonia – hôm 9/6 đã từ chối tham gia vào cuộc đối thoại do ông Macron khởi xướng, đồng thời chỉ trích Pháp đã gây ra sự hỗn loạn ở hòn đảo này.

Tuyên bố của Liên minh Caledonia cho biết, mặc dù đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở New Caledonia nhưng cảnh sát và binh lính Pháp vẫn tiếp tục gây áp lực lên hòn đảo.

"Kể từ ngày 13/5 tới nay, đã có 500 người bị giam giữ trong các cuộc biểu tình chống lại sáng kiến bầu cử của Pháp. Bên cạnh đó, nhiều người New Caledonia đã bị đưa đến các nhà tù Pháp trong điều kiện khốn khổ" - Tuyên bố nêu rõ.

Đáng lưu ý, ngoài những gì đang diễn ra ở New Caledonia, ông Macron còn đón nhận thêm một cú sốc nữa sau thất bại của liên minh ôn hòa Pháp trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) trước Đảng Tập hợp Quốc gia (RN - trước đây là Đảng Mặt trận Quốc gia) theo đường lối cực hữu.

Trong bài phát biểu trước toàn thể người dân Pháp ngày 9/6, Tổng thống Pháp cho biết các đảng cực hữu đang thắng thế ở khắp nơi trên lục địa già. Đó là tình huống buộc ông "giải tán Quốc hội Pháp" ngay trong tối cùng ngày.

"Tôi quyết định để các bạn lựa chọn… Vì vậy, tôi sẽ giải tán Quốc hội vào tối nay (ngày 9/6 theo giờ địa phương)" – Ông Macron nhấn mạnh.

Một cuộc bạo loạn trên khắp nước Pháp đã nổ ra với sự tham gia của hàng chục nghìn người nhằm phản ứng trước kết quả này. Theo hãng tin Reuters, các đoạn video được ghi lại tại hiện trường cho thấy dòng người biểu tình tuần hành tại Pháp, ném đuốc và bị cảnh sát truy đuổi.

Giới phân tích nhận định, chính trường Pháp đang trải qua "cơn địa chấn" mới. Hiện vẫn chưa ai hiểu hết toan tính của Tổng thống Pháp khi đưa ra quyết định "được ăn cả, ngã về không" này.

Việc Tổng thống Pháp giải tán Quốc hội cũng có ảnh hưởng đáng kể tới tình hình New Caledonia bởi để thông qua dự luật bầu cử mới, cần phải có một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Pháp. Điều này sẽ diễn ra trong một phiên họp đặc biệt với sự tham gia của cả Thượng viện và Quốc hội, và yêu cầu ít nhất 60% số phiếu ủng hộ.

Tin xấu có thể đến với Ukraine

Theo tờ Journal du Dimanche (JDD) của Pháp, những gì diễn ra tại New Caledonia và sự thắng thế của Đảng RN đang khiến các đồng minh của Tổng thống Pháp lo ngại rằng, ông Macron có thể "đưa họ đến thảm họa".

Một cuộc khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu Elabe (Pháp) cho thấy mức độ tín nhiệm của ông Macron đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi qua.

"Xếp hạng tín nhiệm của nguyên thủ quốc gia đã giảm 5 điểm - xuống còn 24%. Đây là con số thấp nhất kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống 5 năm thứ hai của ông Macron" – Elabe cho hay.

Theo JDD, trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sắp tới (dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 và 7/7), nếu Đảng RN giành chiến thắng, Pháp có thể giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Bạo loạn New Caledonia: Pháp điều 3.700 quân, ông Macron vẫn nhận cú sốc lớn - Tin xấu có thể đến với Kiev- Ảnh 5.

Tình hình tại Pháp và sự thất thế của ông Macron có thể ảnh hưởng tới mức độ hỗ trợ quân sự của Pháp đối với Ukraine.

"Nếu Đảng RN thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, sự hỗ trợ quân sự của Pháp đối với Ukraine sẽ bị đặt câu hỏi. Đây là tình hình sẽ có hậu quả trực tiếp đối với an ninh của chúng ta" – Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp nói với JDD.

Trước đó, vào tháng 3, khi bỏ phiếu tại quốc hội, các đại biểu của Đảng RN đã từ chối ủng hộ thỏa thuận an ninh song phương được ký kết vào tháng 2 giữa Paris và Kiev.

Một thành viên của Đảng RN nói với JDD rằng họ ủng hộ việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng việc này "không được gây phương hại đến quân đội Pháp". Trong khi đó, thông báo của ông Macron về việc cung cấp máy bay chiến đấu Mirage 2000 cho Ukraine được RN xem là "một ví dụ về cách hỗ trợ có thể ảnh hưởng đến khả năng của Pháp".

Đối với việc đưa các huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, RN nhận thấy "nguy cơ thiệt mạng và leo thang" trong việc này. Đảng này cho rằng có những lựa chọn thay thế "ít nguy hiểm hơn nhiều, chẳng hạn như huấn luyện binh sĩ Ukraine tại Pháp hoặc ở các nước thứ ba như Ba Lan".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại