Báo động xuất kích, 5/6 máy bay F-35 lập tức... chôn chân tại chỗ

Hải Vy |

Trong cuộc diễn tập triển khai gần đây, duy nhất 1 trong 6 chiếc F-35A của Không quân Mỹ có thể cất cánh khi nhận được lệnh báo động.

Kết quả đáng thất vọng

Sau 15 năm phát triển và tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư, sự cố phần mềm tiếp tục cản trở hoạt động của các tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35 Lightning II.

Theo tờ Flight Global, gần đây, Không quân Mỹ đã tổ chức một cuộc diễn tập triển khai các máy bay F-35A tới căn cứ không quân Mountain Home ở Idaho.

Tuy nhiên, kết quả thật đáng thất vọng: Duy nhất 1 chiếc trong số 6 chiếc F-35A có thể cất cánh khi nhận được lệnh báo động.

Trong bản điều trần trình lên Quốc hội Mỹ hôm 26/5, kíp thử nghiệm vũ khí hàng đầu của Lầu Năm Góc tiết lộ rằng:

"Trong đợt triển khai tới căn cứ Mountain Home, Không quân Mỹ đã thử tiến hành quy trình báo động xuất kích 2 lần, trong đó các chiến đấu cơ đa nhiệm F-35A được kiểm tra trước chuyến bay và chuẩn bị cho đợt xuất kích nhanh.

Thế nhưng, chỉ 1 trong 6 chiếc máy bay đủ khả năng hoàn thành quy trình báo động xuất kích và cất cánh thành công".

"Quá trình khởi động đã phát sinh các vấn đề đòi hỏi máy bay phải tắt máy và khởi động lại (một hiện tượng do phần mềm và các hệ thống chưa hoàn thiện), khiến các đợt báo động xuất kích không thể hoàn tất".


Chỉ 1 chiếc F-35 duy nhất có thể cất cánh khi nhận lệnh xuất kích.

Chỉ 1 chiếc F-35 duy nhất có thể cất cánh khi nhận lệnh xuất kích.

Cuộc diễn tập được tiến hành trong tháng Hai vừa qua để chuẩn bị cho đợt triển khai thử nghiệm đầu tiên của Phi đội máy bay chiến đấu số 34 tại căn cứ không quân Hill, Utah.

Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ hướng tới mục tiêu tuyên bố khả năng hoạt động ban đầu (IOC) của F-35 với phần mềm Block 3i trong khoảng tháng 8 - tháng 12 năm nay.

Muôn thưở là lỗi phần mềm

Cuộc diễn tập vừa qua là một trong nhiều thất bại do "phần mềm chưa hoàn thiện" trên 179 máy bay mà tập đoàn Lockheed đã chuyển giao cho Lầu Năm Góc và các khách hàng quốc tế khi chưa thể xác nhận mức độ ổn định trong thiết kế thông qua các thử nghiệm.

Một thất bại điển hình khác cũng được Giám đốc phụ trách thử nghiệm và đánh giá hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ - J Michael Gilmore tiết lộ gần đây.

Theo đó, 2 trong số 4 máy bay trang bị phần mềm Block 3F (phiên bản cũ) đã phải bỏ dở nhiệm vụ tác chiến điện tử do phần mềm không ổn định trong quá trình khởi động.

Ngoài ra, khi máy bay hoạt động trong môi trường điện từ phức tạp trên thực tế, các vấn đề về hệ thống điện tử hàng không khiến khả năng phát hiện và kết hợp của máy bay suy giảm. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi F-35 bay theo đội hình.


Cuộc diễn tập vừa qua là một trong nhiều thất bại do phần mềm chưa hoàn thiện trên F-35.

Cuộc diễn tập vừa qua là một trong nhiều thất bại do "phần mềm chưa hoàn thiện" trên F-35.

Trục trặc phần mềm tiếp tục trở thành vấn đề nan giải trên các máy bay F-35B Block 2B của Thủy quân lục chiến Mỹ, mặc dù phiên bản này được cho là "ổn định nhất".

Ông Gilmore cho biết, nếu tham chiến, F-35B sẽ cần hỗ trợ để tránh được các mối đe dọa, bám bắt mục tiêu và điều khiển các loại vũ khí.

Các máy bay với phần mềm Block 2B chỉ mang được 2 quả bom và 2 tên lửa không-đối-không trong thân nhưng cũng đang gặp khó khăn do những thiếu sót trong khả năng "kết hợp, tác chiến điện tử và triển khai vũ khí".

Điều này dẫn tới tình trạng máy bay không phát hiện được rõ ràng các mối đe dọa và bị hạn chế khả năng phản ứng trước chúng.

Để khắc phục, cần có các thiết bị hỗ trợ bên ngoài nhằm cung cấp tọa độ chính xác cho máy bay tấn công.

Vấn đề phần mềm cũng xảy ra trên các máy bay Block 3i với bộ xử lý được cải tiến.

Hôm 25/3 năm nay, Văn phòng chương trình F-35 đã bắt đầu thử nghiệm phiên bản phần mềm Block 3iR6.21.

Gilmore cho biết, trong 30 chuyến bay đầu tiên (tổng cộng 76 giờ bay), F-35 cần tới 27 chu kỳ năng lượng để vận hành tất cả các hệ thống trong quá trình khởi động và cất cánh.


Lỗi phần mềm đang đặt tất cả những chiếc F-35 đã được sản xuất trước nguy cơ đắp chiếu.

Lỗi phần mềm đang đặt tất cả những chiếc F-35 đã được sản xuất trước nguy cơ đắp chiếu.

Tình trạng tăng đột biến các trục trặc phần mềm xảy ra khi chương trình F-35 chuyển từ mã hóa song song, đồng thời nhiều khối phần mềm sang cơ chế tuần tự.

Trung tướng Christopher Bogdan - Giám đốc chương trình F-35 tin rằng điều đó sẽ giúp tăng đáng kể hiệu quả của quá trình cải tiến.

Ông Bogdan cho biết, phiên bản sửa lỗi mới nhất của Block 3i đã chứng tỏ độ ổn định.

Nhưng ngay cả nếu các trục trặc phần mềm đã được khắc phục hợp lý thì vẫn còn có nguy cơ kế hoạch tuyên bố khả năng IOC đối với phiên bản F-35A bị trì hoãn, do Hệ thống Thông tin Hậu cần Tự động (ALIS), được Lầu Năm Góc ví như "bộ não" của F-35, cũng đang có vấn đề.

Đây là một hệ thống phức hợp lớn, được thiết kế để theo dõi “sức khỏe” của máy bay.

Khi vận hành, ALIS sẽ kết nối vào từng máy bay và thẩm định từng bộ phận của F-35 để đánh giá mức độ chính xác và ổn định của chúng, lấy đó làm cơ sở để tiến hành hoạt động bảo trì.

Theo Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO), Bộ Quốc phòng Mỹ hiện không có kế hoạch nào đảm bảo rằng hệ thống phần mềm trên sẽ hoạt động trơn tru và đúng thời hạn để F-35 có thể được sản xuất hàng loạt.

Trong khi đó, đây là yêu cầu chung đối với mọi chương trình vũ khí để bảo đảm rằng các thiết bị này hoạt động ổn định và có hệ thống hỗ trợ hậu cần đáng tin cậy.

Nếu không giải quyết được những trục trặc về phần mềm trên thì toàn bộ các siêu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này sẽ bị "đắp chiếu". Để giải quyết được các vấn đề kỹ thuật phát sinh này, GAO ước tính Mỹ sẽ cần đầu tư thêm 20-100 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại